Công tố viên AI do nhóm nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, dẫn đầu bởi giáo sư Shi Yong, tạo ra. Hệ thống đang hoạt động thử nghiệm tại Viện Kiểm sát Nhân dân Phố Đông Thượng Hải.
Tất cả chuyên mục
Công tố viên ảo dựa trên AI do Trung Quốc tạo ra có thể đánh giá 8 loại tội phạm phổ biến như gian lận thẻ tín dụng, trộm cắp.
Công tố viên AI do nhóm nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, dẫn đầu bởi giáo sư Shi Yong, tạo ra. Hệ thống đang hoạt động thử nghiệm tại Viện Kiểm sát Nhân dân Phố Đông Thượng Hải.
Theo ông Yong, AI của công tố viên ảo này được đào tạo từ hơn 17.000 vụ án trong giai đoạn 2015-2020. Hệ thống có thể cài đặt và chạy trên PC, cho phép xác định một người có phạm tội hay không bằng cách phân tích hàng trăm đặc điểm trong lời khai với độ chính xác hơn 97%. Đến nay, nó có thể đánh giá 8 loại hình tội phạm phổ biến ở Thượng Hải, trong đó có gian lận thẻ tín dụng, trộm cắp, lái xe gây nguy hiểm và gây gổ nơi công cộng.
"AI sẽ giải phóng công việc cho các công tố viên hiện tại, giúp họ tập trung hơn vào các vụ án phức tạp", ông Yong nói trên tạp chí khoa học Management Review.
Tuy vậy, ông thừa nhận AI vẫn còn hạn chế ở một số mặt và đang nâng cấp để giúp hệ thống có thể nhận ra các tội phạm ít phổ biến hơn.
Một công tố viên ở Quảng Châu đánh giá, mức độ chính xác 97% của AI là ấn tượng, nhưng sẽ luôn có khả năng xảy ra sai sót. "Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu sự cố xảy ra? Công tố viên, máy móc hay người thiết kế thuật toán AI đó?", người này đặt câu hỏi.
Trung Quốc hiện cố gắng kết hợp các công nghệ như AI và big data nhằm hỗ trợ hệ thống luật pháp, giúp các quá trình trở nên đơn giản và hiệu quả hơn. Năm 2017, nước này ra mắt tòa án Internet đầu tiên, cho phép các bên trong những vụ kiện liên quan đến kỹ thuật số như thương mại điện tử có thể dùng cuộc gọi video và đưa ra lời khai trước các thẩm phán AI. Mục đích chính của hệ thống là tăng tốc các phiên điều trần, nhất là các vụ án phức tạp. Các thẩm phán vẫn theo dõi những gì xảy ra và đưa ra phán quyết cuối cùng.
Ý kiến ()