Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:35 (GMT +7)
Công tác tư tưởng đi trước mở đường
Thứ 2, 01/08/2022 | 17:06:11 [GMT +7] A A
Công tác tư tưởng được xác định là bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ hoạt động và là một trong những phương thức lãnh đạo chủ yếu của Đảng bộ tỉnh. Trong quá trình phát triển, ở mỗi giai đoạn, thời điểm, bối cảnh, tình hình cụ thể, các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở đều quan tâm đổi mới công tác tư tưởng với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt, trên tất cả các lĩnh vực, từ các hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận đến tuyên truyền, cổ động, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ...
Các cấp ủy Đảng luôn xác định quan điểm công tác tư tưởng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, được đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng; luôn đề cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống. Đồng thời xác định công tác tư tưởng phai bám sát thực tiễn, bám sát đời sống nhân dân, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng, hệ thống chính trị và xã hội. Đồng chí bí thư cấp ủy chủ trì và chịu trách nhiệm toàn bộ công tác chỉ đạo, tổ chức học tập, quán triệt, triển khai các nghị quyết; chủ động rà soát, xác định rõ những vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong công tác tư tưởng của địa phương, đơn vị để tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.
Tỉnh đặc biệt chú trọng nghiên cứu, vận dụng sáng tạo các quan điểm, đường lối của Đảng vào thực tiễn Quảng Ninh, từ đó đề ra được nhiều giải pháp có tính đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo. Nhiều vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ... đã được tỉnh quan tâm nghiên cứu, tổng kết, đánh giá. Qua đó, làm sáng rõ nhiều vấn đề lý luận về đường lối đổi mới của Đảng, đồng thời cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc hoạch định, đưa ra các quyết sách chính trị của Tỉnh ủy và cụ thể hóa chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng phù hợp với đặc thù của Quảng Ninh. Các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của Tỉnh sau khi ban hành đều được cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở xây dựng kế hoạch, tổ chức nghiên cứu, quán triệt, triền khai thực hiện. Thông qua sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và của tỉnh đã đánh giá khách quan kết quả, hạn chế, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, từ đó cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách.
Đến nay, công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, bổ sung lý luận của tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên mọi mặt, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Điển hình là công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận đã tập trung những vấn đề về đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, đặc biệt là phương thức lãnh đạo của Đảng; nghiên cứu, định vị rõ vị thế, vai trò, thời cơ, thách thức, đồng thời chỉ ra những điểm nghẽn, lực cản của sự phát triển, từ đó đề xuất những cơ chế, chính sách phát huy tiềm năng, thế mạnh của Quảng Ninh... Kết quả nổi bật của công tác nghiên cứu lý luận được hiện thực hóa trong việc xây dựng các đề án: “Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh và thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái”; Đề án “Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn”; Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế tỉnh Quảng Ninh”… Đồng thời, tỉnh đã thực hiện nhiều sáng kiến trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, năng lực và hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền; xây dựng tố chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, gắn trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; đồng thời, nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy, xây dựng chính quyền liêm chính và phục vụ; quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí, góp phần làm trong sạch môi trường đầu tư, môi trường chính trị và xã hội. Chủ động xây dựng Quảng Ninh trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng - an ninh; đồng thời là phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế... Đặc biệt, Quảng Ninh đã sớm nghiên cứu, ban hành đề án thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh; mạnh dạn vận dụng hình thức đầu tư PPP trong đầu tư xây dựng, vận hành các dự án, công trình lớn của tỉnh như huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp đầu tư làm sân bay quốc tế Vân Đồn, cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng, Hạ Long-Vân Đồn, Vân Đồn-Móng Cái...
Công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên được chỉ đạo nghiêm túc, chặt chẽ, thường xuyên có sự đổi mới. Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ của tỉnh và hệ thống các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện (trước đây gọi là các trường đảng, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ) phát huy tốt vai trò là hạt nhân trong công tác giáo dục lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và cập nhật, bổ sung kiến thức cho cán bộ, đảng viên. Thông qua đó, góp phần tích cực nâng cao trình độ nhận thức lý luận chính trị, quản lý nhà nước, nghiệp vụ công tác đảng, đoàn thể cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên, công chức trong toàn tỉnh.
Để tiếp tục tăng cường công tác tư tưởng, Quảng Ninh tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác tư tưởng, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X, “Về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trong tình hình mới”; những quan điểm mới về công tác tư tưởng mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Đồng thời, bám sát chức năng, nhiệm vụ, đối tượng quản lý, cấp ủy các cấp đưa nội dung lãnh đạo công tác tư tưởng vào nghị quyết nhiệm kỳ, hằng năm, nghị quyết chuyên đề và cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết khâu yếu, mặt yếu, không để xảy ra đột biến về tư tưởng. Đồng thời, phân công các cấp ủy viên phụ trách, sâu sát cơ sở, thường xuyên báo cáo và chịu trách nhiệm trước cấp ủy về tình hình tư tưởng trong cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về sự cần thiết phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tình hình nhiệm vụ, đối tượng, đối tác, thực trạng về công tác tư tưởng trong tình hình hiện nay. Trong quá trình tuyên truyền, giáo dục, chú ý định hướng tư tưởng, dư luận xã hội theo chiều hướng tích cực; phân tích, làm rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, những vấn đề có tính bản chất, quy luật, hệ thống; tích cực cổ vũ cái đúng, đấu tranh với cái sai, chủ nghĩa cá nhân, tiêu cực, làm cho hệ tư tưởng chủ đạo từng bước thẩm thấu, thống trị trong đời sống…
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()