Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:38 (GMT +7)
Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, sát thực tế, khả thi
Thứ 4, 02/03/2022 | 12:35:12 [GMT +7] A A
Sáng 2/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, sau gần 1 năm kiện toàn Chính phủ mới, đây là lần thứ hai, chúng ta tổ chức họp về thúc đẩy, xem xét các quy hoạch theo Luật Quy hoạch được ban hành. Kể từ cuộc họp trước đến nay, chúng ta đã làm một số việc, tuy nhiên, tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch vẫn còn chậm so yêu cầu.
Theo báo cáo tổng hợp, đến giờ này mới lập được gần 10% quy hoạch cần phải lập trong hệ thống toàn quốc. Tiến độ này là rất chậm so yêu cầu, quy định của luật pháp. Hội nghị này chúng ta cần đánh giá thực trạng những việc làm được, chưa làm được, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, trên cơ sở đó có định hướng công tác sắp tới để thúc đẩy nhanh hơn, bảo đảm chất lượng. Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, sát thực tế, khả thi, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của các khu vực, lĩnh vực cần quy hoạch. Chúng ta cũng phải chỉ ra được mâu thuẫn, thách thức, khó khăn để có những giải pháp thúc đẩy phát triển dựa vào quy hoạch.
Thủ tướng đề nghị tập trung đánh giá thực trạng, trao đổi, lấy ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục rà soát, đánh giá những vướng mắc, những cái chưa được có các nguyên nhân liên quan đến thể chế, quy định hay không để chúng ta tiếp tục điều chỉnh, bổ sung.
Vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã có rà soát một bước; những gì vướng mắc thì chúng ta đang tìm cách tháo gỡ. Thủ tướng yêu cầu phải phân tích, mổ xẻ thực tế đang vướng mắc gì, tại sao công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch lại chậm như thế để trên cơ sở đó, chúng ta tìm ra các giải pháp sát thực tế, khả thi, tiếp tục thúc đẩy công tác này theo đúng tinh thần Luật Quy hoạch đã quy định; phải tiếp tục rà soát lộ trình, bước đi. Phải có quy hoạch mới triển khai đồng bộ, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng ngành, địa phương, chỉ ra mâu thuẫn, khó khăn, thách thức để tháo gỡ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu tiên được triển khai lập ở nước ta theo quy định tại Luật Quy hoạch, là cơ sở để lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia trên địa bàn cả nước. Với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng như trên, trong quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia cần thiết được Chính phủ, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến và thông qua những định hướng lớn như quan điểm, mục tiêu, các định hướng phát triển và tổ chức không gian đất nước, các ngành, lĩnh vực... trước khi triển khai các bước tiếp theo của quy trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Với mục tiêu như trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức xây dựng Báo cáo Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo sơ bộ các hợp phần để tích hợp vào Quy hoạch tổng thể quốc gia; đã tổ chức các hội thảo xin ý kiến các chuyên gia quy hoạch, nhà khoa học, đại diện các bộ, ngành Trung ương và địa phương, một số tổ chức quốc tế.
Bộ đã chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Báo cáo theo ý kiến góp ý bằng văn bản của các bộ, ngành Trung ương (2 lần) và các địa phương. Trong quá trình xây dựng Báo cáo, Bộ đã tham khảo kinh nghiệm về lập quy hoạch không gian của các nước, tập trung vào một số quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc.
Về kết quả đạt được chủ yếu trong tổ chức không gian phát triển đất nước giai đoạn 2011-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, phát triển vùng đã có bước chuyển biến, khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, khu vực; tăng cường liên kết, nhiều công trình hạ tầng kết nối vùng được hoàn thành; hình thành nhiều vùng kinh tế lớn có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước.
Bước đầu đã hình thành các hành lang kinh tế trên địa bàn các vùng, nhất là các hành lang gắn với các đô thị lớn. Không gian đô thị được mở rộng, dần hình thành mạng lưới đô thị, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn trong các ngành, lĩnh vực quan trọng, nhất là các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; các địa bàn tập trung công nghiệp, hệ thống các khu, cụm công nghiệp; các vùng trọng điểm phát triển du lịch.
Hệ thống kết cầu hạ tầng kinh tế được tập trung đầu tư xây dựng, phân bố trên các vùng, tạo diện mạo mới cho đất nước, nhất là các hạ tầng giao thông, năng lượng, thủy lợi, đô thị, thông tin và truyền thông... Nhiều công trình hạ tầng giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao... quan trọng quốc gia, quy mô vùng được quan tâm đầu tư và phân bổ trên các vùng. Các khu vực cần bảo tồn (vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn biển, ven biển...) được bảo vệ, mở rộng, tăng đa dạng sinh học...
Mục tiêu tổng quát của công tác này là kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cầu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh...
Phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, vừa qua, nhờ sự nỗ lực cố gắng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các Nghị quyết nhằm làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch đã được ban hành. Theo đó, yêu cầu các dự án thực hiện đúng tiến độ đề ra, bảo đảm chất lượng, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, hóa giải mâu thuẫn, khó khăn để phát triển đất nước, địa phương, ngành.
Thủ tướng đánh giá, trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, chúng ta đã tích cực làm và có tiến bộ nhất định, nhưng vẫn còn 2 điểm tồn tại là tiến độ chưa đạt như đề ra, chất lượng quy hoạch chưa đầy đủ, toàn diện.
Về nguyên nhân, Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân khách quan là do dịch Covid-19 ảnh hưởng tiến độ, chất lượng; dữ liệu, số liệu, thông tin phục vụ công tác quy hoạch thì còn yếu kém trong toàn hệ thống; chưa có cơ sở dữ liệu lớn trong các ngành, địa phương.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, nguyên nhân chủ quan là chính, vì nhận thức về công tác quy hoạch ở một số ngành địa phương chưa đúng tầm; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa được quan tâm đúng mức; việc đầu tư cho công tác này như nghiên cứu, tài chính, phương tiện, điều kiện làm công tác quy hoạch ở các cấp còn hạn chế; việc bố trí đúng nguồn lực con người, chưa chọn được cán bộ có trình độ năng lực, chưa chuyên nghiệp. Công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch chưa chủ động, chưa bám sát kế hoạch, chưa khoa học, chưa mang lại hiệu quả; các quy hoạch hiện hành về công tác quy hoạch còn vướng mắc. Do đó, cần phân tích, đánh giá nguyên nhân chủ quan, để từ đó các bộ, ngành cần khắc phục nguyên nhân chủ quan này.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương cần bảo đảm tiến độ, đặc biệt nâng cao chất lượng quy hoạch; nâng cao nhận thức ở các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu. Quy hoạch phải đi trước một bước, phù hợp tình hình thực tiễn, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm xây dựng được quy hoạch phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, hóa giải được mâu thuẫn, thách thức, hạn chế yếu kém.
Theo Thủ tướng, muốn phát triển tốt phải có quy hoạch tốt, muốn có dự án tốt phải có quy hoạch tốt. Phải nâng cao hơn nữa tầm quan trọng của quy hoạch trong vai trò, vị trí của địa phương, ngành mình. Phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng của năm 2022 này để tập trung công sức lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư công sức. Công tác quy hoạch phải bám sát Cương lĩnh, Hiến pháp, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của các cấp, các ngành, địa phương để cụ thể hóa quy hoạch sát tình hình thực tế vừa đúng chủ trương đường lối. Phải tăng cường chức năng giám sát, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan dân cử trong thẩm định, phê duyệt quy hoạch.
Thủ tướng yêu cầu, trong công tác lập quy hoạch, phải tìm ra, chỉ rõ được những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; chỉ ra được hạn chế yếu kém, thách thức để hóa giải, khắc phục những khó khăn tại cơ quan đơn vị, địa phương của mình. Có như vậy thì khi tổ chức thực hiện bản quy hoạch mới phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, giải quyết được mâu thuẫn, tồn tại, yếu kém. Theo Thủ tướng, quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, có tầm nhìn xa, bám sát diễn biến thực tế; có tư duy phương pháp luận, có tính tích hợp, bổ trợ lẫn nhau; bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn; trong quá trình này vừa phải hoàn thiện, bổ sung, rà soát.
Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch vừa phải đúng tiến độ, nhưng đặc biệt cần quan tâm chất lượng quy hoạch; vừa có tính thích ứng linh hoạt vừa có tính chất lâu dài; quy hoạch không bất biến nhưng phải có tính ổn định; quy hoạch phải dựa trên phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, cũng như trên bình diện quốc gia. Quy hoạch phải lấy nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định. Ngoại lực là quan trọng, đột phá, đó là vốn, công nghệ, quản trị tiên tiến. Phải kết hợp hài hòa giữa nội lực và ngoại lực, tính tự chủ, độc lập và hội nhập. Quy hoạch phải đề xuất các cơ chế, chính sách, hạn chế được những bất cập, yếu kém .
Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng yêu cầu phải lựa chọn nhà thầu tư vấn tốt, khuyến khích thuê tư vấn nước ngoài để phản biện. Theo Thủ tướng, chúng ta phải lắng nghe các ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trên tinh thần lắng nghe nhiều chiều. Phải có tổ giúp việc tương đối chuyên nghiệp, chuyên trách công tác này. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp chỉ đạo công việc này; cần có chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền thường xuyên để đưa ra lộ trình, bước đi phải hoàn thành.
Trong tổ chức thực hiện công tác quy hoạch, cần bảo đảm đúng tiến độ theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, nhưng đặc biệt phải quan tâm nâng cao chất lượng trên tinh thần không cầu toàn, không nóng vội; bám sát thực tiễn, bám sát diễn biến mới. Công tác tuyên truyền phải công khai, minh bạch. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia thuận lợi cho việc khai thác, dùng chung. Công tác công bố quy hoạch phải đúng quy định, chống hình thức, bảo đảm hiệu quả. Các ngành, địa phương phải phối hợp làm tốt công tác quy hoạch.
Chúng ta cũng phải tìm động lực mới cho sự phát triển; quan trọng nhất là phải tìm ra lợi thế cạnh tranh nổi trội của từng vùng, phải nghiên cứu cơ bản sâu sắc. Quy hoạch tổng thể quốc gia không chỉ ở lĩnh vực kinh tế mà còn văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng thì các lĩnh vực này phải cân đối, hài hòa.
Chúng ta kiên quyết không hy sinh an sinh xã hội, công bằng tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Phải có tư duy mới, phải có chính sách, giải pháp đột phá để xóa đói giảm nghèo, mọi người dân được hưởng lợi chính sách của Nhà nước ở tất cả các vùng miền.
Thủ tướng yêu cầu quy hoạch tổng thể quốc gia phải gắn với sự phát triển của khu vực châu Á, quốc tế; phải xác định chúng ta đang ở đâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay, do đó phải chọn cái gì để phát triển trên cơ sở tận dụng lợi thế cạnh tranh, không trùng với các nước khác.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()