Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:28 (GMT +7)
Công tác phân luồng cho học sinh cần thực chất hơn
Thứ 2, 05/07/2021 | 13:37:41 [GMT +7] A A
Giáo dục hướng nghiệp và phân luồng đào tạo nghề cho học sinh phổ thông là hoạt động cần thiết, nhằm giúp học sinh làm quen với một số nghề phổ biến trong xã hội và của địa phương. Từ đó, giúp học sinh lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, điều kiện của bản thân và tình hình thực tế. Việc triển khai công tác này được ngành GD&ĐT Quảng Ninh triển khai ra sao trong thời gian qua và các giải pháp trong thời gian tới là một trong những nội dung đang được cử tri trong tỉnh đặc biệt quan tâm.
Xác định công tác hướng nghiệp và phân luồng đào tạo nghề cho học sinh phổ thông có tác động lớn đến xã hội, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, thời gian qua Sở GD&ĐT đã tích cực chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, phân luồng cho học sinh và đã đạt được những kết quả đáng kể. Hiện nay, 100% trường THPT đã xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm để thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp, công tác phân luồng.
Đặc biệt, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai chương trình hướng nghiệp gắn với ngành nghề kinh doanh trên địa bàn. Đồng thời, dành 30% chỉ tiêu học sinh tốt nghiệp THCS để tạo nguồn cho các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, những năm gần đây, tỷ lệ phân luồng học sinh đã được nâng lên rõ rệt. Nếu như năm học 2010-2011 tỷ lệ phân luồng chỉ đạt 13,9% thì đến năm học 2019-2020 tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS chuyển sang học nghề đã đạt 22,1% (tăng gần 9%) và cao hơn một số địa phương lân cận như: Hải Phòng, Lạng Sơn, Hải Dương...
Hơn thế, số học sinh tốt nghiệp THPT của tỉnh đăng ký các trường đại học giảm, thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước. Điều này thể hiện rõ hiệu quả bước đầu của các giải pháp định hướng giáo dục nghề nghiệp và phân luồng học sinh trong thời gian qua của tỉnh. Nguyễn Thị My (Trung tâm GDNN-GDTX huyện Vân Đồn) chia sẻ: Qua các buổi sinh hoạt hướng nghiệp, em nhận thấy con đường vào đại học không phải là cánh cửa duy nhất, thay vào đó, sau khi tốt nghiệp THCS em đã chọn học nghề tại Trung tâm GDNN-GDTX của huyện để rút ngắn thời gian học tập trên ghế nhà trường, sớm đi làm phụ giúp gia đình.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, tỷ lệ phân luồng đào tạo nghề cho học sinh phổ thông thời gian qua của tỉnh vẫn còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra. Hiện nay, tỷ lệ học sinh chọn ngành, nghề chưa đúng với sở trường, năng lực của bản thân, chưa phù hợp yêu cầu và xu thế phát triển nghề nghiệp của xã hội, cũng như nhu cầu lao động của tỉnh còn khá cao. Cùng với đó, sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm; tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn còn phổ biến...
Để nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp và phân luồng đào tạo nghề cho học sinh phổ thông, nhiều cử tri đề nghị các ngành chức năng của tỉnh, mà nòng cốt là ngành GD&ĐT cần tiếp tục quan tâm đổi mới phương pháp, hình thức hướng nghiệp, nhất là làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp trong nhà trường, để phụ huynh, học sinh hiểu rõ lợi ích khi theo học các trường đào tạo nghề; tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường lao động. Qua đó, giúp các em học sinh định hướng, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.
Cùng với đó, ngành GD&ĐT cũng cần tiếp tục tuyên truyền để cả xã hội nhận thức rõ việc phân luồng học sinh là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và cả cộng đồng... Các ngành chức năng liên quan cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND ban hành chính sách hỗ trợ chính sách phân luồng, chính sách giáo dục nghề nghiệp phù hợp.
Trang Thu
Liên kết website
Ý kiến ()