Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:10 (GMT +7)
"Nhiều mô hình, cách làm hay trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật"
Thứ 2, 28/11/2022 | 11:49:56 [GMT +7] A A
Sau 10 năm triển khai thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân toàn tỉnh, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Liên quan đến nội dung này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Chính Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh (ảnh).
- Thưa ông, xin ông cho biết, những tác động mà Luật PBGDPL mang lại trong suốt 10 năm qua tại Quảng Ninh?
+ Qua 10 năm triển khai thực hiện Luật PBGDPL trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả rất đáng ghi nhận. Công tác PBGDPL đã thực sự trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị với sự tham gia vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân, nhất là quyền tiếp cận thông tin về pháp luật. Các hoạt động PBGDPL ngày càng được triển khai phong phú, đa dạng thực chất hơn, bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của tỉnh, nhất là gắn kết chặt chẽ với yêu cầu về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức thi hành pháp luật.
Từ nhiều năm nay, tỉnh Quảng Ninh luôn duy trì việc phát triển nhanh, bền vững, tiếp tục là một trong những cực tăng trưởng kinh tế có sức hấp dẫn của miền Bắc; tình hình vi phạm pháp luật tuy còn diễn biến phức tạp, song những vi phạm do thiếu hiểu biết pháp luật, đơn thư khiếu kiện đông người, kéo dài, vượt cấp có chiều hướng giảm dần; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ từ việc triển khai thực hiện tốt Luật PBGDPL, đặc biệt đã nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân, xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, được Trung ương ghi nhận và đánh giá cao.
- Vậy để có thể đưa pháp luật đến tận người dân, tỉnh đã có những hoạt động PBGDPL nào, thưa ông?
+ Không chỉ chú trọng phổ biến các văn bản pháp luật của Trung ương, Quảng Ninh đã chú trọng phổ biến những văn bản quan trọng của địa phương, từ văn bản của Tỉnh ủy đến các Nghị quyết của HĐND tỉnh, Quyết định của UBND tỉnh. Cùng với đó là các văn bản pháp luật mới ban hành, phát sinh hiệu lực hoặc các dự thảo chính sách, pháp luật có tác động lớn đến xã hội; các văn bản, quy định liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, với đặc thù riêng của tỉnh, Quảng Ninh cũng tập trung hơn vào PBGDPL các lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa; gian lận thương mại; chủ quyền biên giới, hải đảo; du lịch; khai thác tài nguyên, khoáng sản...
Nhiều mô hình hay, cách làm hay cũng được các đơn vị triển khai. Tiêu biểu như Bộ Chỉ huy BĐBP với Cuộc thi sáng kiến, mô hình phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động văn hóa cơ sở; Sở LĐ-TB&XH với chương trình "Cặp lá yêu thương”; huyện Bình Liêu với phiên tòa giả định; Tỉnh Đoàn và TP Uông Bí với mô hình kể chuyện theo án; huyện Cô Tô với mô hình Túi sách pháp luật đi biển cho ngư dân... Đặc biệt, việc ứng dụng CNTT qua các video, clip, đồ họa, trang tin điện tử, các kênh mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến... được tăng cường, mang lại tác động sâu rộng hơn đến mọi tầng lớp nhân dân.
Điều này cho thấy, từ việc tổ chức đa dạng hình thức phổ biến pháp luật đến cộng đồng và những thay đổi cách tiếp cận đã giúp tăng cường nhận thức pháp luật, tạo thói quen quan tâm học tập, tìm hiểu pháp luật trong nhân dân. Qua đó, đã tạo điều kiện thuận lợi đưa những chính sách của Nhà nước nhanh chóng đi vào cuộc sống.
- Một trong những cầu nối quan trọng để công tác PBGDPL đến tận cơ sở là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên. Vậy Quảng Ninh đã quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ này như thế nào?
+ Đến nay, toàn tỉnh có 171 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 377 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 2.476 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã và trên 9.100 hòa giải viên tham gia hoạt động ở 1.550 tổ hòa giải. Để nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng cho đội ngũ này, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm bố trí kinh phí để bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng, kiến thức pháp luật cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và hòa giải viên ở cơ sở. Tại cấp huyện, các địa phương cũng duy trì nền nếp việc tập huấn, bồi dưỡng định kỳ hàng năm cho đội ngũ này. Việc kiện toàn các tổ hòa giải ở cơ sở được quan tâm sát sao, đảm bảo phát huy hiệu quả.
- Vậy, để tăng cường công tác PBGDPL thời gian tới, với trách nhiệm là cơ quan thường trực của Hội đồng PBGDPL, Sở Tư pháp sẽ có những tham mưu và triển khai như thế nào?
+ Sở Tư pháp sẽ tham mưu cho tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng PBGDPL các cấp; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền PBGDPL theo hướng đa dạng, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả; nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tuyên truyền, PBGDPL. Đồng thời, đề nghị các ngành, địa phương quan tâm, bố trí nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác PBGDPL; phát huy vai trò trách nhiệm của Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, tổ chức liên quan, nhất là cơ quan tư pháp các cấp trong công tác này.
- Xin cảm ơn ông!
Nguyên Ngọc (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()