Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:19 (GMT +7)
Công tác dân số ở vùng dân tộc thiểu số
Thứ 6, 04/03/2022 | 18:25:14 [GMT +7] A A
"Muốn phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, con cái được học hành, chăm sóc tốt thì phụ nữ không được sinh nhiều con". Đó là chia sẻ của rất nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh, cho thấy nhận thức về DS-KHHGĐ của người dân ở đây đã dần thay đổi.
Quảng Sơn là xã khó khăn nhất của huyện Hải Hà, có tới 98% dân số là người DTTS. Để người dân nơi đây nâng cao nhận thức về DS-KHHGĐ, cán bộ dân số đã chú trọng tìm hiểu kỹ, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền về các chính sách dân số.
Chị Vũ Thị Hoa, cán bộ dân số xã Quảng Sơn, cho biết: Địa bàn của xã dân cư sống rải rác, nên việc tuyên truyền gặp rất nhiều khó khăn. Thôn xa nhất cách trung tâm của xã tới 12 cây số. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình vẫn có tâm lý sinh con trai để nối dõi tông đường, nếu không có các biện pháp tuyên truyền phù hợp, hiệu quả thì hủ tục này vẫn sẽ “ăn sâu, bám rễ” trong nhận thức của người dân. Vì thế, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền nhóm nhỏ vào các buổi tiêm chủng mở rộng, đến tận các hộ gia đình vào buổi tối khi trong nhà đầy đủ các thành viên. Nhìn chung cán bộ dân số đã bám sát địa bàn, nắm chắc những hộ nguy cơ cao, chủ động tuyên truyền những biện pháp tránh thai an toàn, nhằm giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên...
Nhờ hiệu quả trong công tác tuyên truyền, tỷ lệ sinh con thứ 3 ở xã Quảng Sơn đã giảm đáng kể, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã biết sử dụng các phương tiện tránh thai phù hợp. Trong các buổi tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), người dân đều đến tham gia nhiệt tình, tích cực. Các chương trình nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn được đẩy mạnh, như: Tầm soát chẩn đoán trước sinh; tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên, tư vấn tiền hôn nhân; các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh...
Trạm Y tế xã tổ chức công tác tuyên truyền chăm sóc sức khỏe nhân dân bằng nhiều hình thức: Chiến dịch truyền thông tại cơ sở, lồng ghép tại các buổi họp bản, qua hệ thống pano, áp phích, loa truyền thanh của xã; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã, trường học trên địa bàn triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho bà mẹ, trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, suy dinh dưỡng ở trẻ em...
Trên địa bàn tỉnh hiện có 56 xã, 48 thôn vùng DTTS. Các xã đều tập trung phát triển kinh tế nhằm nâng cao chất lượng sống, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ dạy nghề cho người dân; phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS (già làng, trưởng bản, trưởng thôn...). Nhờ đó, người dân đã có nhận thức đúng, đầy đủ, kết hôn đúng độ tuổi theo quy định. Tại nhiều địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS cao như Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên..., hoạt động truyền thông cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS đến người dân tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa được thực hiện hiệu quả, tích cực.
Ngành dân số tỉnh chú trọng công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, tập trung vào các nội dung: Mất cân bằng giới tính khi sinh; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3; SKSS vị thành niên, thanh niên; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... Qua đó, tỷ lệ các cặp vợ, chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt cao; nhiều cặp vợ, chồng sinh con một bề, đã có 2 con đều có suy nghĩ dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt.
Thực hiện các mục tiêu về nâng cao chất lượng dân số, ngành dân số từ tỉnh đến địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung vào nhóm đối tượng phụ nữ, thanh, thiếu niên ở vùng DTTS nguy cơ cao về sinh con thứ 3, về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống..., nhằm tạo sự chuyển biến trong tư duy, nhận thức góp phần ổn định chất lượng cuộc sống cho người dân ở nơi đây.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()