Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:00 (GMT +7)
"Công tác chuẩn bị bầu cử đảm bảo tiến độ, kế hoạch, trình tự theo luật định"
Thứ 5, 18/03/2021 | 09:57:35 [GMT +7] A A
Đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, trả lời phỏng vấn Trung tâm Truyền thông tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Hồi |
- Đồng chí cho biết vai trò, nhiệm vụ của Ủy ban MTTQ các cấp trong công tác bầu cử?
+ Nhiệm vụ của ủy ban MTTQ các cấp trong bầu cử đã được quy định trong Luật MTTQ Việt Nam và Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015. Theo đó, ban thường trực Ủy ban MTTQ thực hiện 6 nhiệm vụ quan trọng, gồm: Phối hợp với cơ quan nhà nước thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử và cử đại diện ban thường trực Ủy ban MTTQ tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử cùng cấp. Chủ trì tổ chức hiệp thương, lựa chọn giới thiệu những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND. Chủ trì phối hợp với chính quyền cùng cấp ở xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị cử tri ở nơi cư trú, để lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri trước khi tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba lựa chọn, lập danh sách chính thức giới thiệu người ứng cử. Chủ trì tổ chức các hội nghị cử tri để ứng cử viên gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, thực hiện quyền vận động bầu cử. Tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện quyền bầu cử, tự mình đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử và thực hiện quyền giám sát việc bầu cử thông qua việc cử đại diện của Ủy ban MTTQ tham gia các đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND, hoặc tự mình tổ chức các đoàn giám sát thực hiện các công việc bầu cử.
Với các nhiệm vụ của mình trong tham gia công tác bầu cử, MTTQ các cấp trong tỉnh luôn chủ động triển khai các quy trình bầu cử theo đúng luật định, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tỉnh triển khai quy trình giới thiệu người ứng cử ĐBQH khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo quy định, lựa chọn được những đại biểu thật sự có phẩm chất, uy tín và năng lực thực hiện nhiệm vụ của đại biểu dân cử. Ngoài ra, trong quá trình triển khai, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phân công bộ phận thường trực trực tiếp nhận thông tin, trả lời các vướng mắc nảy sinh, đồng thời cử các đoàn công tác trực tiếp hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho địa phương, cơ sở. Cho đến nay, việc tổ chức giới thiệu người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, việc tổ chức các hội nghị hiệp thương từ tỉnh tới địa phương, cơ sở đều diễn ra thuận lợi, đảm bảo đúng luật.
Để cuộc bầu cử diễn ra thành công, MTTQ các cấp trong tỉnh đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Bên cạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực quan sinh động, tuyên truyền lưu động..., việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng, những kiến nghị của cử tri và nhân dân là kênh thông tin rất quan trọng để công tác chỉ đạo, triển khai bầu cử đạt kết quả cao.
- Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại Quảng Ninh được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
+ Đến nay, Quảng Ninh đã có những thông số cơ bản về cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương được giới thiệu tham gia ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tính đến 17h00' ngày 14/3/2021 (thời gian kết thúc tiếp nhận hồ sơ của người ứng cử), MTTQ tỉnh đã tiếp nhận 32 hồ sơ ứng cử ĐBQH khóa XV (không có hồ sơ người tự ứng cử); MTTQ các cấp đã tiếp nhận 13.582 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND các cấp, trong đó ứng cử đại biểu HĐND tỉnh là 284 hồ sơ (283 hồ sơ được giới thiệu ứng cử, 1 hồ sơ tự ứng cử); 1.371 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện (1.370 hồ sơ được giới thiệu ứng cử, 1 hồ sơ tự ứng cử); 11.928 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND cấp xã (11.927 hồ sơ được giới thiệu ứng cử, 1 hồ sơ tự ứng cử).
Trên cơ sở hồ sơ ứng cử, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, số lượng lập danh sách sơ bộ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 16 người cư trú và làm việc tại Quảng Ninh và 4 đại biểu do trung ương gửi về. Như vậy đại biểu ứng cử đại biểu Quốc hội sau hiệp thương lần thứ ha là 20 người, cao gấp 2,5 lần số đại biểu được bầu, dư 6 người so với danh sách chính thức niêm yết sau hiệp thương lần thứ ba.
Tại hội nghị hiệp thương lần thứ hai, 100% đại biểu biểu quyết thông qua danh sách sơ bộ người ứng cử ĐBQH khóa XV và HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh Thu Chung |
Nhìn chung, kết quả triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh đảm bảo tiến độ, kế hoạch của tỉnh và đúng trình tự theo luật định. Các bước, nội dung công việc đều hoàn thành sớm hơn so với thời gian quy định. Chất lượng người được giới thiệu ứng cử đều đảm bảo tiêu chuẩn; qua việc lấy ý kiến giới thiệu của cử tri nơi công tác, những người được giới thiệu ứng cử đều đạt tín nhiệm rất cao.
- Đồng chí cho biết những điểm mới và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới mà MTTQ các cấp sẽ triển khai để góp phần vào thành công của cuộc bầu cử?
+ Sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cùng với ban thường trực ủy ban MTTQ các cấp sẽ tiến hành tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử có tên trong danh sách sơ bộ và ý kiến cử tri nơi công tác (nếu có) đối với người tự ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp và người được thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND cấp xã.
Việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri lần này có điểm mới so với các kỳ bầu cử trước, là trường hợp người được dự kiến ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp không đạt sự tín nhiệm của trên 50% số cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ tại hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.
Xác định đây là bước rất quan trọng để chuẩn bị các nội dung cho hội nghị hiệp thương lần thứ ba, lập danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, nên ngay sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chỉ đạo MTTQ các địa phương bám sát Luật và các hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, tổ chức tốt hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, phát huy tối đa dân chủ trong nhân dân, không để xảy ra sai sót.
Theo kế hoạch, thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tổ chức các đoàn giám sát công tác bầu cử. Nếu có những bất cập thì kiến nghị hoàn chỉnh để đảm bảo 16 mốc chính của công tác bầu cử. Trong đó, kiểm tra đối với MTTQ các cấp dưới, giám sát đối với các tổ chức phụ trách bầu cử, thường trực HĐND, UBND cùng cấp, cấp dưới và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của MTTQ trong quá trình bầu cử.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Việt Hoa (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()