Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 12:13 (GMT +7)
“Công nhận, bảo quản Bảo vật Quốc gia tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế của địa phương…”
Chủ nhật, 18/07/2021 | 13:57:38 [GMT +7] A A
Số báo Quảng Ninh cuối tuần ra ngày 11/7/2021 có bài "Công nhận Bảo vật Quốc gia: Cần sự tiếp sức của các địa phương", phản ánh thực tế câu chuyện trong 3 năm trở lại đây, Quảng Ninh đã có tới 9 hiện vật được công nhận Bảo vật Quốc gia (BVQG), nhưng chỉ có 1 bảo vật duy nhất thuộc sở hữu của địa phương. Để có cái nhìn sâu rộng, toàn diện hơn về vấn đề này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông Kiều Đinh Sơn (ảnh), Giám đốc Bảo tàng tỉnh - đơn vị sở hữu 8 BVQG của Quảng Ninh cho đến nay. |
- Theo góc nhìn cá nhân của ông thì vì sao các địa phương của Quảng Ninh lại chưa xem trọng việc công nhận BVQG thời gian qua?
+ Sự vào cuộc của các cấp nói chung, đặc biệt là các địa phương tôi nghĩ vẫn là câu chuyện của nhận thức. Có khi cơ quan quản lý mong muốn di vật được xếp hạng nhưng cơ sở trực tiếp quản lý di vật lại không muốn, tại sao? Có lẽ phải tìm về nhận thức, ví như danh hiệu ấy khi được công nhận thì tôi được hưởng lợi gì?
Công nhận BVQG chính là “trả lại tên cho hiện vật” đúng với giá trị gốc của nó, chứ thực tế thì đơn vị sở hữu nó không được hưởng lợi trực tiếp gì cả. Có thể trước đây, mọi người đều biết đến hiện vật đấy nhưng sự quý giá ở góc độ BVQG thì không hình dung ra. Đến khi hiện vật là BVQG thì sự quan tâm hay nhòm ngó theo cả nghĩa tích cực và tiêu cực đều có, nơi sở hữu vốn không được cái gì mà sự ràng buộc lại nhiều hơn, nhất là trong điều kiện phần lớn di tích tôn giáo, tín ngưỡng của ta hiện nay đều được xã hội hoá trong việc đầu tư, tôn tạo.
- Cũng có một lý giải là hiện vật phát hiện tại địa phương, công nhận BVQG xong lại chuyển đi, rồi khó khăn trong việc làm tiêu bản khi địa phương muốn phát huy giá trị sau này?
+ Câu chuyện ấy hoàn toàn không thực tế. Đơn cử như 2 BVQG là Bình gốm Đầu Rằm và Hộp vàng Ngoạ Vân - Yên Tử thì đều là phát hiện ngẫu nhiên thôi, chứ nếu hiện vật vốn ở di tích rồi thì chưa chắc đã chuyển về Bảo tàng Quảng Ninh. Bởi lẽ, Luật Di sản văn hoá có quy định rõ về những hiện vật được phát hiện trong quá trình đào bới, khảo cổ… thuộc sở hữu của nhà nước, như vậy thì đương nhiên di vật phải được đưa về một đơn vị có chức năng, nhiệm vụ để bảo vệ nó.
Cũng phải nói lại là trước đây có giai đoạn hiện vật quý ở di tích sợ bị mất cắp nên thu hết về để lưu giữ, bảo quản. Ngược lại, sau đó cũng có một giai đoạn hoàn trả về cho di tích đấy chứ, tức là có thứ thu về rồi không đưa đi nữa nhưng cũng có thứ vẫn trả lại cho di tích, như sắc phong chẳng hạn.
Tôi nghĩ không cái gì có tính tuyệt đối cả. Có những hiện vật ở di tích mà người ta thấy thực sự không an toàn thì chuyện thu về một đơn vị chức năng quản lý là hoàn toàn hợp lý.
- Xuất phát từ tính an toàn của hiện vật và việc bảo quản BVQG một cách tốt nhất, vậy theo ông thì ở địa phương làm thế nào có thể bảo quản hiện vật như thế, nhất là với những hiện vật rời, dễ vận chuyển?
+ Về giá trị của bảo vật, về ý thức của người dân, chính quyền nơi sở hữu hiện vật trong việc lưu giữ, bảo quản... tất cả là ở nhận thức hết.
Tất nhiên, vẫn có câu chuyện bảo quản bị ảnh hưởng bởi yếu tố chủ quan của ban quản lý hay các chùa. Rõ ràng hiện vật trong hậu cung, mấy lần cửa nhưng việc mất cắp vẫn có thể xảy ra. Trong lịch sử văn hoá Việt Nam chỉ cách đây mấy chục năm thôi chẳng hạn, các cụ thấy sắc phong của đình làng mình quý quá thì mang về nhà mình cất, chẳng may nhà xảy ra hoả hoạn thì cũng mất nhé. Kể cả cất rất kỹ, đến khi bỏ ra mối mọt ăn tiệt thì cũng vậy… Đó là câu chuyện có sự ràng buộc rất nhiều.
Có những bảo vật mà xét thấy để ở chính nơi có di tích hay nơi phát hiện ra nó mà đảm bảo được các yếu tố về văn hoá, về thẩm mỹ, về an toàn… thì người ta vẫn để đấy bình thường. Còn nhìn rộng ra, như bộ 5 đĩa bằng vàng thời Lý của tỉnh Hưng Yên, kể từ khi phát hiện ra cách đây mấy chục năm đều gửi trong kho bạc đấy chứ. Năm vừa rồi địa phương làm hồ sơ công nhận BVQG cũng chỉ mượn về thôi, sau đó lại tiếp tục gửi vào kho bạc. Vậy đấy, chính bảo tàng tỉnh của một địa phương cũng có thể không đảm bảo tính bảo mật, an toàn cho bảo vật.
- Thực tế trong cả nước cho đến nay đã có bảo vật nào bị mất chưa?
+ Cho đến giờ chưa có bảo vật nào bị mất, nhưng cách đối xử với bảo vật thì còn nhiều cái để bàn. Trước đây, ngay cả những nhận thức, quy định nói chung trong việc ứng xử với BVQG và như thế nào là bảo vật chẳng hạn thì cũng có rất nhiều vấn đề. Giờ gỡ được rồi nên trong vài năm trở lại đây, nhiều địa phương trong cả nước mới hăng hái hơn trong việc lập hồ sơ công nhận BVQG, chỗ nọ có thì chỗ kia có, di tích cũng thế. Vậy nên họ cũng có tâm thế để công nhận giá trị hiện vật mà họ có hơn.
Luật hiện nay cũng chỉ nói BVQG là hiện vật được bảo quản theo chế độ đặc biệt, nhưng cụ thể như thế nào thì cũng không có hướng dẫn. Thậm chí, như ở Bảo tàng Quảng Ninh có thuận lợi là được đầu tư mới, chế độ bảo quản chung tốt. Thế nhưng để đáp ứng tiêu chuẩn bảo quản đặc biệt cho BVQG thì cũng chưa có. 8 chiếc tủ trưng bày BVQG của chúng tôi hiện chỉ có 1 chiếc duy nhất là đủ điều kiện bảo quản, xét theo tiêu chí trước tiên là sự an toàn cho riêng hiện vật thôi. Đó là chưa kể đến việc trưng bày cần rất nhiều thứ đi theo, rồi làm sao để “thổi hồn” cho bảo vật, để du khách có thể tương tác đảm bảo thực sự lôi cuốn, hấp dẫn cũng là một vấn đề.
Cùng với đó là quy trình bảo quản cực kỳ khó. Đơn cử như Bình gốm Đầu Rằm mấy nghìn năm tuổi rồi, làm sao bảo quản để giữ nguyên trạng đã… Câu chuyện cuối cùng vẫn phải là kinh phí và những cơ chế đi theo, bởi như bình gốm đó thì không ai dám chắc phương pháp bảo quản nào là khả thi, là tốt nhất, bền vững, trong khi BVQG chỉ có 1 cái, không có sự thử nghiệm, không thể có sai số, lựa chọn. Vậy đấy, không có sự tuyệt đối ở đây.
- Cách ứng xử với BVQG của Bảo tàng Quảng Ninh từng được đánh giá cao với không gian trưng bày riêng, thu hút lượng khách lớn, nhưng xem ra vẫn chưa phải đảm bảo những điều kiện lý tưởng chăng?
+ Chúng tôi có phòng trưng bày BVQG với những điều kiện tương đối tốt, nhưng để nói đó là phòng trưng bày đặc biệt thì chưa. Đơn vị đã đề xuất nhiều lần về việc này với ý tưởng áp dụng nhiều giải pháp, trong đó có công nghệ nhằm làm cho bảo vật sống động hơn, cuốn hút du khách hơn, du khách thậm chí có thể sẵn sàng bỏ thêm một khoản chi phí tăng thêm nhất định để được tham quan không gian trưng bày này.
Và về lâu dài, phòng trưng bày đặc biệt ấy có thể kết hợp với các bảo tàng lớn của quốc gia, thế giới rồi các địa phương hay thậm chí cá nhân đưa những bộ sưu tập hiện vật quý hiếm, đặc sắc về trưng bày tại đây… Đó là xu thế phát triển chung của nhiều bảo tàng trong nước cũng như thế giới, tuy vậy điều kiện của mình hiện nay không đáp ứng được.
Chúng tôi từng ấp ủ phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia làm một triển lãm chuyên đề về 5 con tàu đắm trên vùng biển Việt Nam - một chuyên đề biển rất phù hợp với Quảng Ninh. Bộ sưu tập này rất quý giá, vì hầu như các hiện vật đều là độc bản, từng được trưng bày tại Nhật, Đức rồi. Bảo tàng bạn sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho việc mang bộ sưu tập đó xuống trưng bày tại Quảng Ninh trong vòng ít nhất là 1 năm, bởi sức hút của Bảo tàng Quảng Ninh rất tốt, tuy nhiên đến giờ thì cơ sở vật chất của mình chưa đáp ứng được. Đây là điều rất đáng tiếc, và những cơ hội như thế cũng sẽ tiếp tục trôi qua nếu như chúng ta vẫn chỉ giữ được như hiện nay.
- Với cấp tỉnh còn khó như thế, vậy ông có chia sẻ gì với các địa phương?
+ Những hiện vật xứng đáng, đủ tiêu chí để làm BVQG thì khuyến khích các địa phương, kể cả chủ sở hữu là các tập thể hay tư nhân đăng ký vì nó chỉ tôn vinh thêm giá trị cho hiện vật mà mình sở hữu mà thôi.
Còn để bảo quản tốt, đặc biệt là với các di vật ở di tích, vốn thuộc sở hữu toàn dân, thuộc về cộng đồng thì cộng đồng đó phải có trách nhiệm. Cùng với việc tuyên truyền, quảng bá về giá trị bảo vật thì đi kèm đó là việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng, vì cộng đồng đó là cái cốt lõi để cùng bảo vệ, chứ nếu chỉ có mỗi một nhà sư, một ông thủ từ hay ban quản lý mà giữ thì cũng không giữ được.
Còn cấp quản lý thì phải từ cơ sở hạt nhân bé nhất là phường, xã, thôn đã, bởi việc quản lý di tích hiện đã phân cấp đến cơ sở rồi nên việc phát huy giá trị các bảo vật tại đó cũng phải của các cấp chính quyền sở tại.
Trách nhiệm quản lý toàn diện BVQG trước nhất là thuộc về nơi sở hữu nó, sau nữa mới là các cơ quan chuyên môn ở cấp tỉnh. Chúng tôi có kinh nghiệm đi trước trong việc xây dựng hồ sơ BVQG, vì vậy trong phạm vi của mình sẽ sẵn sàng tư vấn về chuyên môn cho các địa phương, từ việc tìm kiếm, phát hiện các hiện vật giá trị cho tới việc nghiên cứu khẳng định các giá trị ấy tương xứng, theo các tiêu chí của BVQG cũng như việc bảo vệ, phát huy giá trị bảo vật sau công nhận. Tuy nhiên, việc hiện thực hoá những điều ấy ra sao thì vẫn thuộc về địa phương.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Phan Hằng (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()