"Chúng tôi thực sự sợ hãi, mỗi giây phút trôi qua chúng tôi đều cảm thấy cái chết đã cận kề", Deepak Kumar, một trong số 41 công nhân được giải cứu, hôm 28/11 cho hay. "Chúng tôi không chắc liệu mình có thể được cứu hay không".
Nhóm 41 công nhân mắc kẹt sau khi đoạn hầm đường bộ đang thi công ở bang miền bắc Uttarakhand, thuộc khu vực dãy Himalaya, bị sập hôm 12/11. Hy vọng tiếp cận nhóm công nhân mắc kẹt từng nhiều lần tiêu tan bởi những mảnh vỡ rơi xuống và máy khoan gặp sự cố. Những công nhân cho biết họ đã rất khó khăn mới giữ vững được tinh thần.
"Việc đó không hề dễ dàng", Kumar nói. "Sau 3-4 ngày bên trong đường hầm bị sập và đội cứu hộ không thể tiếp cận, thực tế là niềm tin của chúng tôi cũng phai nhạt dần".
Nhóm công nhân được chào đón như người hùng sau khi được đưa ra ngoài an toàn bằng cáng chuyên dụng qua đường ống hẹp hôm 28/11, kết thúc 17 ngày mắc kẹt. Các công nhân đeo trên cổ những vòng hoa cúc màu cam giữa tiếng reo hò cuồng nhiệt.
"Đối với chúng tôi, thế giới đã tươi đẹp trở lại", công nhân Sabah Ahmad nói, đồng thời mô tả cảm giác đau lòng khi nghe giọng nói "lo lắng và vô vọng" của vợ lúc biết anh bị mắc kẹt. "Tôi biết đó là thời điểm khó khăn đối với những người mắc kẹt, nhưng còn khó khăn hơn đối với các gia đình chờ đợi bên ngoài".
Chamra Oraon, 32 tuổi, đến từ bang Jharkhand, mô tả nỗi kinh hoàng khi nghe thấy tiếng động và các mảnh vụn bắt đầu rơi xuống bên trong đường hầm ngày 12/11, tiếp đó là cảnh hàng tấn đá chặn lối thoát duy nhất của họ.
"Tôi cố chạy thoát nhưng không thành. Khi biết rõ sẽ phải ở lại đường hầm khoảng thời gian dài, chúng tôi thấp thỏm, đói khát. Nhưng chúng tôi vẫn cầu nguyện để được giải cứu", Oraon cho hay.
Hầu hết người bị mắc kẹt là lao động từ các vùng khác. Họ làm việc tại công trường ở vùng chân đồi Himalaya lạnh giá, cách nhà hàng trăm km. Lực lượng cứu hộ đã lập đường dây điện thoại để các gia đình ở xa có thể liên lạc được công nhân mắc kẹt.
"Tôi nói với gia đình rằng mình vẫn ổn và khỏe mạnh, mọi người đừng lo lắng, mọi chuyện sẽ ổn và chúng tôi sẽ thoát ra ngoài. Nhưng khi nói những lời đó, đôi lúc tôi có linh cảm sẽ không bao giờ gặp lại bố mẹ nữa", Kumar cho biết.
Guriya Devi, vợ của công nhân Sushil Kumar, cho biết gia đình đã "trải qua những ngày khủng khiếp và đôi khi mất hy vọng".
Dù bị mắc kẹt, nhóm công nhân vẫn có nhiều không gian trong đường hầm, với khu vực bên trong cao 8,5 m và kéo dài khoảng 2 km. Subodh Kumar Verma nói rằng 24 giờ đầu tiên trong đường hầm là điều tồi tệ nhất, khi họ lo sợ nếu không chết ngạt thì cũng có thể chết đói.
"Chúng tôi phải đối mặt các vấn đề liên quan thức ăn và không khí trong 24 giờ đầu tiên ở trong đó", Verma cho biết.
Tinh thần của nhóm công nhân được cải thiện khi đội cứu hộ đưa được đường ống bơm oxy vào hầm. Thực phẩm ban đầu chỉ là bỏng gạo và các loại hạt, nhưng vài ngày sau là đậu lăng và cơm được đóng vào chai nhựa, đưa qua đường ống.
"Tình hình tốt hơn sau khi thực phẩm được đưa vào", Verma nói thêm.
Trong lúc chờ cứu hộ, nhóm công nhân chơi game nhờ vẫn có thể sạc điện thoại trong đường hầm. "Chúng tôi cũng nói chuyện và hiểu nhau hơn", Oraon kể.
Khi hay tin chồng mình, Ahmad, đã được giải cứu, người vợ Musarrat Jahan nói qua điện thoại từ Bihar rằng "không lời nào" diễn tả được cảm giác hạnh phúc của cô.
"Không chỉ chồng tôi được tái sinh mà chúng tôi cũng được tái sinh. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên việc đó", Jahan cho hay.
Ý kiến ()