Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:00 (GMT +7)
Công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 8 tăng 3,5%
Thứ 3, 05/09/2023 | 15:30:02 [GMT +7] A A
Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8/2023 ước tính tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo cho thấy dấu hiệu tăng trưởng tích cực trở lại khi tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,8%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%.
Mặc dù vậy, Tổng cục Thống kê nhìn nhận, tình hình kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước.
Tính chung 8 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,2%); trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 0,6% (cùng kỳ năm 2022 tăng 10,1%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,8%; ngành khai khoáng giảm 2,5%.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất 8 tháng năm 2023 của một số ngành công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 9,9%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 8,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 8,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 7%; khai thác quặng kim loại tăng 6,5%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 5,6%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 5,4%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số công nghiệp của một số ngành giảm: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 3,9%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 4,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 4,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy cùng giảm 4,8%; sản xuất trang phục giảm 5,1%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 6%; sản xuất xe có động cơ giảm 6,5%.
Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Việc một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao là do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm.
Trong 8 tháng năm 2023, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực cũng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: đường kính tăng 34,9%; phân hỗn hợp N.P.K tăng 14,2%; xăng, dầu tăng 10,1%; ti vi tăng 10%; sơn hóa học tăng 9,5%... Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Ô tô giảm 20,4%; điện thoại di động giảm 17,7%; thép thanh, thép góc giảm 15,5%; xe máy giảm 7,4%...
Bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho biết, do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành Việt Nam có lợi thế (dệt may, da giầy, điện tử…) lại phụ thuộc khá nhiều vào cầu từ nước ngoài.
Không những thế, các doanh nghiệp sản xuất sau thời gian dài chịu tác động của dịch COVID-19 gặp càng nhiều khó khăn, đặc biệt là do thiếu vốn, khó khăn về thủ tục vay vốn, trong khi đầu ra (đơn hàng) giảm so với năm trước, lượng tồn kho vẫn còn cao, nhiều doanh nghiệp lao động có tay nghề nghỉ việc từ dịch COVID-19 và chưa quay trở lại làm việc hoàn toàn…
Để đẩy mạnh sản xuất, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các Sở Công Thương, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện các đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại địa phương để kịp thời tích hợp trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung rà soát, tháo gỡ thực chất những khó khăn, vướng mắc đối với từng doanh nghiệp, dự án, nhất là doanh nghiệp, dự án lớn trên địa bàn. Từ đó, nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách địa phương và đề xuất Trung ương ban hành cơ chế, chính sách quốc gia để gỡ khó cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư – nhất là vốn dân doanh...
Tổng cục Thống kê nhận định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp trong các tháng còn lại của năm 2023 vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể lấy lại đà tăng trưởng cao trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm 2023 sẽ khởi sắc hơn.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()