Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:55 (GMT +7)
Công nghiệp chế biến, chế tạo: Động lực tăng trưởng mới
Thứ 7, 20/01/2024 | 07:27:02 [GMT +7] A A
Bằng tư duy đột phá, quyết sách đúng đắn, bước đi chiến lược và tầm nhìn dài hạn, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp quyết liệt phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Sau 3 năm triển khai thực hiện, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng khẳng định là động lực tăng trưởng của Quảng Ninh.
Tạo động lực mới
Công nghiệp chế biến, chế tạo được Quảng Ninh xác định là một trong những ngành kinh tế quan trọng và trở thành một trong 3 trụ cột chính của nền công nghiệp. Bởi vậy, tỉnh đã tập trung thu hút có chọn lọc các dự án chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên, đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách. Tỉnh tập trung phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” (KCN - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Bằng các định hướng đúng đắn, Quảng Ninh đã tích cực mở cửa đón đầu làn sóng đầu tư chuyển dịch mạnh mẽ vào khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Điển hình, sau dự án đầu tiên triển khai tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên), năm 2023 Công ty TNHH Kỹ thuật Điện tử Tonly Việt Nam tiếp tục đầu tư dự án sản xuất linh kiện điện tử thông minh với tổng mức đầu tư trên 40 triệu USD, gấp đôi so với dự án đầu tiên. Ông Liu Mu Sheng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tonly Việt Nam, cho biết: Có 3 lý do để chúng tôi tiếp tục đầu tư dự án sản xuất thứ hai tại Quảng Ninh là hạ tầng giao thông đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào và đặc biệt là sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Với dự án thứ hai dự kiến đi vào hoạt động trong khoảng đầu năm 2024, giá trị sản xuất của công ty tại KCN Đông Mai tăng gấp nhiều lần, đáp ứng được kỳ vọng và giúp chúng tôi chủ động trong sản xuất. Trong định hướng phát triển tầm nhìn dài hạn của công ty, chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu, đầu tư thêm các dự án mới tại KCN này. Qua đó, sẽ hiện thực hóa mục tiêu từng bước hình thành chuỗi dây chuyền sản xuất đồng bộ, hiệu quả.
Tới nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có rất nhiều dự án thuộc các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp nền tảng đã được triển khai, như: Tổ hợp nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô công suất tối đa 300.000 xe/năm và một số nhà máy sản xuất linh kiện, phụ kiện (công nghệ phụ trợ cho sản xuất ô tô) tại KCN Việt Hưng; các dự án thuộc lĩnh vực dệt may, sợi tại KCN Cảng biển Hải Hà, KCN Việt Hưng, KCN Hải Yên; chuỗi dự án sản xuất tấm quang năng Jinko Solar tại KCN Sông Khoai và KCN Cảng biển Hải Hà (giai đoạn 1); các dự án sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử tại KCN Đông Mai...
Đặc biệt, việc phân bố không gian, quy hoạch các KKT, KCN, CCN để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo cũng đã được tỉnh định hướng cụ thể theo các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cơ bản hiện nay các KCN nằm trong các KKT nên có đầy đủ ưu đãi là động lực để phát triển, lợi thế thu hút các dự án thứ cấp. Hạ tầng giao thông kết nối đã và đang được triển khai đồng bộ tạo hành lang kết nối thuận lợi hai phía Đông - Tây của tỉnh, kết nối thuận tiện đến các KKT, KCN tạo điều kiện thuận lợi để phát triển KT-XH nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng.
Tới thời điểm hiện tại, các dự án trong KKT, KCN đã đóng góp trên 2.892 tỷ đồng vào ngân sách, kim ngạch XNK đạt xấp xỉ 13,79 tỷ USD; thu hút 42 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn cho 13 lượt dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, với tổng vốn đầu tư đã thu hút đạt 160.820 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn FDI đạt 4,620 tỷ USD, tương đương trên 110.884 tỷ đồng). Hoạt động của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang chủ yếu tập trung tại các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh, các dự án mới thu hút hầu hết đều tập trung tại các KCN.
Các KCN tại địa bàn TX Quảng Yên được coi là điểm sáng trong thu hút dự án đầu tư mới. Riêng năm 2023, TX Quảng Yên đã thu hút được 21 dự án đầu tư mới. Trong đó có 19 dự án FDI với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD. 2 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 37.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND TX Quảng Yên, cho biết: Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai dự án, TX Quảng Yên tập trung hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đẩy nhanh tiến độ GPMB, huy động mọi nguồn lực tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại đảm bảo liên thông, tổng thể... Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện việc đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến, hỗ trợ, thu hút đầu tư và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn để “tạo đà” phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo nhanh và bền vững.
Đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 1.098 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, với tổng vốn đăng ký đạt 230.000 tỷ đồng. Trong đó, khu vực ngoài các KKT, KCN có 980 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký đạt trên 15.000 tỷ đồng (bình quân trên 15,3 tỷ đồng/doanh nghiệp), tạo việc làm cho hơn 75.800 người. Các ngành có đóng góp lớn là sản xuất thực phẩm; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim... Tại các KKT, KCN có 122 dự án công nghiệp chế biến, chế tạo còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt xấp xỉ 215.000 tỷ đồng, trong đó 86 dự án có vốn FDI với tổng vốn đăng ký đạt 6,484 tỷ USD, 36 dự án có vốn đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 60.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp hoạt động tại các KKT, KCN tuy có số lượng không nhiều, nhưng hầu hết đều là những doanh nghiệp đầu tư các dự án trung bình và lớn, có đóng góp đáng kể vào GRDP của tỉnh.
Tới nay, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, các mục tiêu thực hiện đều đạt và vượt mức đã đề ra. Cụ thể: Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu GRDP năm 2021 đạt 11,3% (tăng 1,5% so với năm 2020), năm 2022 đạt 11,5% (tăng 0,2% so với năm 2021), năm 2023 đạt 11,6% (tăng 0,1% so với năm 2022); số lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh tăng 23.886 người, bằng 80% với mục tiêu đã đề ra là tạo ra thêm 30.000 việc làm mới đến năm 2025; tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 19,68% và cao hơn so với mức bình quân đã đề ra theo Nghị quyết số 01/NQ-TU là 17%/năm; tổng vốn thu hút đầu tư đạt xấp xỉ 160.820 tỷ đồng, đạt 321% mục tiêu đã đề ra là 50.000 tỷ đồng đến năm 2025.
Quyết tâm đạt những mục tiêu lớn
Với lợi thế cảng biển và cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, Quảng Ninh đang trở thành trung tâm kinh tế lớn ở phía Bắc, có vị trí, vai trò quan trọng trong hợp tác quốc tế của cả nước. Giai đoạn 2021-2030, Quảng Ninh có thể hưởng lợi từ các hiệp định tự do thế hệ mới nếu sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, lực lượng lao động và cơ sở hạ tầng hiện có để thu hút đầu tư vào KKT, KCN, CCN.
Các ngành có thế mạnh trên địa bàn tỉnh nói chung và KKT, KCN, CCN nói riêng có thể xuất khẩu mạnh như dệt, sản xuất hàng may mặc, điện tử, ô tô, sản xuất linh kiện cho ngành sản xuất năng lượng tái tạo... Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng có nhiều cơ hội phát triển các ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, như công nghiệp điện tử - bán dẫn, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Tuy nhiên, song song với những thuận lợi sẵn có, việc phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng gặp phải những tồn tại, hạn chế nhất định, như: Thu hút vốn đầu tư vào KKT, KCN và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa có nhiều đột phá; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo chuyển biến tích cực, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế; tỷ lệ các KCN hoàn thành đồng bộ hạ tầng theo dự án được duyệt còn chưa cao; việc đầu tư xây dựng các tiện ích xã hội, nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động, trong đó có lao động chất lượng cao phục vụ cho KKT, KCN chưa tương xứng; kết quả hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo không đạt theo kịch bản tăng trưởng...
Để khắc phục khó khăn, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng bền vững, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu trong giai đoạn 2023-2025 tập trung thu hút vốn đầu tư đạt trên 2 tỷ USD/năm, tạo ra từ 20.000 chỗ làm việc mới/năm trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; tốc độ tăng trưởng ngành hằng năm đạt từ 20% trở lên; giai đoạn 2026-2030, thu hút vốn đầu tư đạt trên 3 tỷ USD/năm, tạo ra ít nhất 30.000 việc làm mới/năm.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đã đề ra, tỉnh Quảng Ninh sẽ chú trọng tăng cường chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, chỉ đạo liên quan đến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư tại các KCN, KKT trên địa bàn; đẩy mạnh công tác GPMB và giao đất cho chủ đầu tư hạ tầng KCN, đảm bảo đủ điều kiện thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án đồng thời; triển khai hiệu quả đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021-2030”; nâng cao chất lượng thẩm định các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động sản xuất công nghiệp...
Cùng với đó, đổi mới cách thức, nâng cao năng lực xúc tiến và thu hút đầu tư, tiếp cận nhà đầu tư theo hướng chủ động; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn, doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan...
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()