Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:30 (GMT +7)
Công nghiệp chế biến, chế tạo: Động lực dẫn dắt tăng trưởng
Chủ nhật, 23/05/2021 | 15:22:17 [GMT +7] A A
Công nghiệp chế biến, chế tạo được Quảng Ninh xác định động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp trong giai đoạn tới. Đây cũng là lý do, ngay sau Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đã ban hành nghị quyết đầu tiên (Nghị quyết 01-NQ/TU) về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Dù đang trong giai đoạn khởi động, tuy nhiên Quảng Ninh đã sớm đón những tín hiệu vui.
Đón làn sóng đầu tư chuyển dịch mạnh mẽ
Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, kinh tế toàn cầu lao đao bởi đại dịch Covid-19, gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong khi tại Quảng Ninh đang đón nhận sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các doanh nghiệp. Không chỉ các doanh nghiệp, thương hiệu hàng đầu thế giới, như Foxconn, Hyundai, Amata… với số vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD, mà còn hình thành chuỗi cung ứng khép kín trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Đây được coi là động lực tăng trưởng kinh tế hấp dẫn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ, Việt Nam chính thức tham gia các Hiệp định CPTPP, EVFTA và Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEF).
Điển hình, ngày 31/3, Công ty Jinko Solar - một trong những nhà sản xuất tấm quang năng xếp vị trí thứ nhất và nắm giữ 12,6% thị trường toàn cầu, đã chính thức đầu tư 500 triệu USD vào cực tăng trưởng phía Tây của tỉnh là TX Quảng Yên. Đây là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào một trong số những KCN mới của Quảng Ninh là Sông Khoai, cũng là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào KKT ven biển Quảng Yên kể từ khi Chính phủ quyết định thành lập KKT ven biển vào tháng 9/2020.
Ông Huang Jinxing, Tổng Giám đốc Jinko Solar tại Việt Nam, cho biết: Jinko Solar đã khảo sát hơn 20 tỉnh thành, hơn 30 KCN ở Việt Nam và quyết định lựa chọn KCN Sông Khoai để đầu tư sau khi phân tích và so sánh với nhiều KCN khác. Ông đánh giá rất cao hiệu suất làm việc và mức độ chuyên nghiệp của tỉnh Quảng Ninh; tin tưởng vào chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp. Jinko Solar cam kết sẽ đưa dự án chính thức đi vào sản xuất trong năm nay sau 7 tháng thi công.
Trước đó, Foxconn, tập đoàn xếp thứ 24 trong nhóm 500 tập đoàn lớn nhất toàn cầu, là nhà cung ứng, sản xuất linh kiện chính cho Tập đoàn công nghệ Apple, Motorola, Nokia và HP…, đã đầu tư vào KCN Đông Mai (TX Quảng Yên). Cuối năm 2020, sau 1 năm triển khai đầu tư, dự án đã cho ra mắt lô sản phẩm ti vi đầu tiên. Năm 2021, nhà máy của Foxconn tại KCN Đông Mai dự kiến sản xuất khoảng 1 triệu màn hình tinh thể lỏng và ti vi với giá trị xuất khẩu khoảng 250 triệu USD. Foxconn đang chuẩn bị mở rộng dự án và thu hút các nhà đầu tư để tạo thành chuỗi liên kết sản xuất tại KCN Đông Mai, trở thành doanh nghiệp hàng đầu về giá trị xuất khẩu tại tỉnh Quảng Ninh.
Một ngành công nghiệp tổng hợp của rất nhiều ngành công nghiệp khác (cơ khí, điện tử, tự động hóa…) là công nghiệp ô tô - lĩnh vực mang tính chất chuỗi giá trị khép kín, cũng đã xuất hiện tại Quảng Ninh. Cụ thể, Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng được đầu tư tại KCN Việt Hưng (TP Hạ Long) không chỉ là nguồn cung cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh ô tô cốt lõi hiện tại của Tập đoàn Thành Công - doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và phân phối ô tô tại Việt Nam, mà còn hướng tới xuất khẩu; thu hút và quy tụ thêm nhiều doanh nghiệp trong ngành phụ trợ ô tô, sản xuất linh kiện và phụ tùng, đặc biệt là những bộ phận có hàm lượng công nghệ cao tại Quảng Ninh.
Như vậy có thể thấy, chỉ trong thời gian ngắn do tác động của dịch Covid-19, xu hướng mở rộng và dịch chuyển dòng vốn đầu tư giữa các khu vực trên thế giới đang diễn ra rất nhanh chóng. Trong bối cảnh này, Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh cùng nhiều yếu tố thuận lợi đang là điểm đến hấp dẫn trong dòng chảy chuyển dịch.
Nắm bắt cơ hội này, đặc biệt khi tác động của dịch Covid-19 đến những lĩnh vực kinh tế chủ đạo của tỉnh là du lịch và thương mại, gây khó khăn cho nền kinh tế, Quảng Ninh đã sớm nhận diện vai trò quan trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Từ đó có những bước đi mạnh mẽ, cơ cấu lại khu vực công nghiệp, phát triển nhanh, bền vững để trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời góp phần tăng nhanh tỷ trọng đóng góp trong GRDP và thu ngân sách địa phương; thu hút lao động chất lượng cao, lao động kỹ năng tay nghề cao gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số.
Động lực dẫn dắt tăng trưởng
Theo các chuyên gia kinh tế, Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển mạnh mẽ, vượt trội ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khi có hệ thống cảng biển, dịch vụ logistics, các KCN, đường cao tốc, nhất là hệ thống các cặp cửa khẩu song phương với Trung Quốc, tạo thành chuỗi dây chuyền, liên kết khép kín. Tuy nhiên, giá trị tăng thêm của ngành này đóng góp vào GRDP của tỉnh giai đoạn trước lại chưa tương xứng.
Nguyên nhân được nhận định là do đa phần các doanh nghiệp đóng góp tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Quảng Ninh là các doanh nghiệp FDI. Còn lại, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, thiết bị máy móc, công nghệ, nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu từ nước ngoài, làm giảm giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu. Trong 24 mã ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh, nhiều mã ngành chưa đáp ứng được kỳ vọng, chưa theo kịp xu hướng phát triển của thế giới, còn trong giai đoạn sơ chế và chế biến thô, chưa tạo được mối liên kết có hiệu quả và ổn định giữa các doanh nghiệp…
Trong bối cảnh nguồn tài nguyên than ngày một khan hiếm, cạn kiệt dần, tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, ngành dịch vụ, du lịch rơi vào tình trạng “đóng băng”. Hơn bao giờ hết, Quảng Ninh cần định vị lại những lợi thế để phát huy đa dạng nền kinh tế, tạo ra giá trị gia tăng, nguồn cung việc làm ổn định trong giai đoạn mới.
Đây cũng là lý do vì sao ngay sau thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, Hội nghị lần thứ 2 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung thảo luận và ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU, ưu tiên phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo đó, quan điểm của tỉnh sẽ phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với cơ cấu hợp lý, có khả năng cạnh tranh, ưu tiên thu hút doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, ít hao hụt tài nguyên, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số chuyên ngành, lĩnh vực, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu.
Với định hướng được coi là xương sống, tỉnh đã xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị theo hướng tiên tiến, hiện đại, phát triển xanh. Ðồng thời, thực hiện công khai, minh bạch hệ thống thông tin kinh tế - xã hội, pháp luật, chính sách, các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển ngành, lĩnh vực; ưu tiên thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách.
Bà Somhatai, Tổng Giám đốc Tập đoàn Amata (Thái Lan), cho biết: Dù sớm nhìn nhận trước được tiềm năng của dòng dịch chuyển vốn đầu tư và lên kế hoạch cho các dự án triển khai tại Quảng Ninh từ nhiều năm trước, tuy nhiên một trong những yếu tố quan trọng để Amata quyết định đầu tư vào Quảng Ninh là tinh thần của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, sự thống nhất, đoàn kết từ các cấp chính quyền đến nhân dân. Để từ đó, đồng hành, phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong suốt quá trình, vòng đời thực hiện dự án.
Như vậy, với tầm nhìn dài hạn, kinh nghiệm quý báu, Quảng Ninh đã sớm định vị lại thời cơ và thách thức của mình, kịp thời đưa ra những quyết sách đúng đắn, bước đi mạnh mẽ trong cơ cấu lại khu vực công nghiệp, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo để tạo ra những đột phá mới. Với thông điệp: "Hiệu quả của doanh nghiệp là thành công của tỉnh", "Quảng Ninh luôn gìn giữ sự thống nhất, đoàn kết để cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững"..., Quảng Ninh sẽ là mảnh đất màu mỡ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây cũng chính là động lực dẫn dắt tăng trưởng của tỉnh trong giai đoạn tới.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()