Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:36 (GMT +7)
Công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng: Bài học và cơ hội cho Việt Nam
Thứ 4, 10/04/2024 | 09:34:01 [GMT +7] A A
Theo chuyên gia, Việt Nam có cơ hội học hỏi và được hưởng lợi từ tốc độ phát triển công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Theo báo cáo tháng 3 từ Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA), doanh số chip bán dẫn của Trung Quốc đã tăng 26,6% so với cùng kỳ trong tháng 1, có tốc độ nhanh hơn bất kì quốc gia nào trên thế giới.
Dữ liệu từ Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cho thấy, tổng sản lượng mạch tích hợp (IC) của Trung Quốc vào năm 2023 đã tăng 6,9% so với một năm trước đó lên 351,4 tỷ chiếc. Ngược lại, số lượng IC nhập khẩu vào Trung Quốc đã giảm 10,8% vào năm ngoái, dựa trên số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Sự phát triển này đã phản ánh nỗ lực đầu tư mạnh mẽ từ chính phủ Trung Quốc vào ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, chi tiêu tài chính cho phát triển khoa học và công nghệ đã tăng từ 832,7 tỷ nhân dân tệ vào năm 2018 (tương đương 2.870 tỷ đồng) lên gần 1,06 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 3.657 tỷ đồng) vào năm 2023. Trong tương lai, nước này sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu về công nghệ đột phá và tiên tiến, đặc biệt là về mảng Trí tuệ Nhân tạo (AI). Cũng theo Báo cáo, Trung Quốc cũng sẽ phát hành trái phiếu kho bạc dài hạn về những lĩch vực trọng điểm, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ, trong vòng vài năm tới.
Tuy vậy, sự tăng trưởng nhanh chóng gần đây của ngành chip bán dẫn Trung Quốc cũng đã góp phần gia tăng căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Trước kia, mối quan hệ trong ngành bán dẫn của Mỹ và Trung Quốc từng khá khăng khít, khi mà Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào công nghệ chip có nguồn gốc từ Mỹ, và Mỹ kiểm soát xuất khẩu để hạn chế tiến bộ công nghệ của Trung Quốc. Nhưng hiện nay, khi tình thế đã đảo ngược, Mỹ đang phát triển các chiến lược mới để ngăn mình tụt hậu hơn nữa so với Trung Quốc khi lĩnh vực sản xuất.
Tiềm năng và bài học cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam
Theo Giáo sư Tiến sĩ Trần Xuân Hoài - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, căng thẳng thương mại Mỹ Trung đang kéo theo nhiều hệ lụy cho ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, nhưng cũng không ít cơ hội. Cụ thể, cạnh thăng thương mại có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất chip do hạn chế khả năng tiếp cận nguồn cung. Hơn nữa, việc chế tạo sản phẩm bán dẫn rất phức tạp và đi kèm với chi phí rất lớn. Một xưởng đúc chip mới có thể tiêu tốn khoảng 15 tỷ – 20 tỷ USD, trong khi cơ sở lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip có thể tiêu tốn từ 5 tỷ USD đến 7 tỷ USD. Tuy vậy, chính tình trạng thiếu chất bán dẫn toàn cầu và nhu cầu về vi mạch ngày càng tăng có thể sẽ thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào những nhà máy chi phí cao như trên.
Đa dạng hóa đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn là đặc biệt quan trọng với Mỹ, nước đang mong muốn làm suy yếu khả năng sản xuất chip của Trung Quốc. Đặc biệt, nước này đang ngắm tới Việt Nam là một điểm đến đầu tư tiềm năng trong ngành. Cụ thể, chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai, theo tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt – Mỹ hôm 10/9/2023. Cũng trong tuyên bố chung, chính phủ hai nước đã đồng thời “ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam”.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp FDI đã bắt đầu đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Tiêu biểu như tập đoàn Intel đã có nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip ở TP.HCM, với sản lượng hiện nay lên tới 3 tỷ chip. Do Việt Nam chưa có tiềm lực về tài chính như Trung Quốc, nên việc thu hút vốn đầu tư FDI là vấn đề then chốt để phát triển ngành công nghiệp này. “Nếu người Việt Nam chịu khó học hỏi và nhà đầu tư FDI có thiện chí lan tỏa thì hy vọng sau độ chục năm, người Việt có thể thay thế trên 50% chuyên gia quốc tế.” - Giáo sư Trần Xuân Hoài chia sẻ trên tạp chí Tia Sáng.
Cũng theo Giáo sư Trần Xuân Hoài, Việt Nam đã có đủ điều kiện về mặt kĩ thuật để bắt đầu các dự án bán dẫn ít tốn kém và dễ thực hiện hơn. Với khoản đầu tư dưới chục triệu USD và lượng nhân sự ít ỏi, doanh nghiệp Việt có thể bắt đầu thiết kế chip ở thế hệ cũ, hay tạo ra những con chip chuyên dụng, từ đó sẽ phát triển thành nhà cung cấp chip cho ô tô, vũ khí, y tế và thiết bị dân dụng. Các công ty bán dẫn tại Trung Quốc, châu Âu và Nga cũng đã từng đi theo con đường này và đạt được nhiều thành công.
Đặc biệt, Giáo sư Trần Xuân Hoài đã nhấn mạnh vào yếu tố nghiên cứu và con người. Trong báo cáo tháng 3, Chính phủ Trung Quốc đã đặt việc thu hút và đào tạo các nhà khoa học hàng đầu là nền móng cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong tương lai. Tương tự tại Việt Nam, chính phủ cũng đã đặt nghiên cứu khoa học là trọng tâm trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Trong nghị quyết 144/NQ-CP 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã được giao nghiên cứu kế hoạch xây dựng phòng thí nghiệm bán dẫn tại một số trường đại học lớn, tạo điều kiện cần thiết để bắt đầu phát triển ngành này.
Tuy vậy, theo Giáo sư Trần Xuân Hoài, chỉ đơn thuần đào tạo về chuyên môn là chưa đủ, mà cần đào tạo về cả phẩm chất và thái độ với ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là điều người Việt Nam cần học hỏi nhiều, không chỉ từ Trung Quốc, mà còn từ những nước lớn trong ngành bán dẫn như: Nhật, Hàn và Đức.
Theo Báo Công Thương
Liên kết website
Ý kiến ()