Truyền hình không khán giả
Trong các kỳ Olympic, bộ phận Dịch vụ phát sóng (OBS) sẽ làm nhiệm vụ ghi lại các cảnh quay. Tại Olympic Tokyo 2020 năm nay, OBS dự kiến sẽ quay số lượng khoảng 9.500 cảnh quay, nhiều hơn 30% so với Olympic Rio 2016.
Tuy nhiên, với việc khán đài không có khán giả do dịch bệnh, Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 và các đài truyền hình đang dựa vào công nghệ để mang đến cho người xem trải nghiệm sống động hơn.
Trong số này, OBS đã áp dụng công nghệ 3D Athlete-Tracking, một hệ thống cho phép lấy hình ảnh từ nhiều camera và kết hợp chúng bằng AI, sau đó hiển thị các cảnh thể thao từ mọi góc độ. "Mọi cảnh quay sẽ được tổng hợp từ các camera trong vài giây, sau đó đưa ra cảnh ấn tượng nhất với khán giả, từ đó giúp họ cảm nhận được đầy đủ nhất những thứ đang diễn ra mà không cần tới bình luận viên", Yiannis Exarchos, người đứng đầu OBS, chia sẻ.
Bên cạnh đó, OBS cũng đã sử dụng các bản ghi âm tiếng cổ vũ của khán giả, sau đó lồng ghép vào các cảnh quay tùy theo từng môn thi đấu. AI sẽ làm nhiệm vụ chọn âm thanh thích hợp để giúp cảnh quay sống động hơn.
Olympic Tokyo 2020 cũng là kỳ Olympic đầu tiên các cảnh quay được ghi và phát sóng ở độ phân giải 4K, thay vì Full HD như trước đây. Riêng tại Nhật Bản, khán giả của đài Truyền hình quốc gia NHK có thể xem các chương trình thi đấu ở độ phân giải 8K nếu đường truyền Internet cho phép.
Một số sân vận động cũng áp dụng công nghệ True View của Intel. Công nghệ này cho phép dựng hình ảnh video 3D hoặc video 360 độ với độ phân giải 4K thông qua hệ thống camera độ nét cao lắp đặt khắp sân vận động, ghi lại cảnh quay từ bất kỳ góc độ nào trên sân đấu với độ chi tiết cao.
Ngoài ra, do hầu như các khán đài tại Olympic Tokyo 2020 không có khán giả, Ban tổ chức đã nghĩ ra cách để khán giả có thể cổ vũ cho vận động viên nước mình thông qua các video được gửi đến. Cụ thể, Ban tổ chức sẽ nhận video cổ vũ dưới dạng "tự sướng" của người hâm mộ trên toàn thế giới. Những video này sau đó được tổng hợp thành từng quốc gia. Mỗi khi vận động viên của quốc gia thi đấu xong, video cổ vũ này sẽ được phát trên màn hình lớn trên sân vận động. Tuy vậy, video không có âm thanh.
Công nghệ đếm giờ siêu chính xác
Trong kỳ Olympic hiện đại đầu tiên năm 1896, một số môn áp dụng hình thức đếm giờ, như chạy bộ. Tuy nhiên, cách làm khi đó khá sơ sài, bằng cách sử dụng đồng hồ cơ và dùng xe đạp chạy trước vận động viên để đếm thời gian.
Kể từ đó đến nay, việc đếm giờ liên tục được cải tiến. Mexico 1968 là kỳ Olympic đầu tiên áp dụng hoàn toàn hệ thống đếm giờ điện tử, nhưng mãi tới Olympic London 2012, các hệ thống đếm giờ siêu chính xác với tỷ lệ 1/1.000.000 giây mới được áp dụng.
Tại Olympic Tokyo 2020 năm nay, Ban tổ chức sử dụng hệ thống đếm giờ của Omega. Hệ thống mới kết nối với camera Scan'O'Vision Myria với khả năng chụp 10.000 hình ảnh/giây, kết hợp với tia laser và các cảm biến để xác định quãng thời gian vận động viên chạy từ khi xuất phát đến khi về đích. Hệ thống sẽ đồng bộ với tiếng súng khởi động, giúp phát hiện vận động viên phạm luật nếu xuất phát sớm. Ngoài chạy bộ, hệ thống đếm giờ của Omega được áp dụng với hầu hết bộ môn, gồm leo núi, bơi lội, điền kinh, thể dục dụng cụ, cưỡi ngựa...
Các công nghệ khác
Omega cũng cung cấp hệ thống AI cho một số bộ môn khác. Chẳng hạn với bóng chuyền bãi biển, các cảm biến và camera AI có thể phân tích thao tác vận động viên, hướng bóng, tính toán tốc độ di chuyển của vận động viên và bóng... sau đó truyền dữ liệu đến trung tâm kỹ thuật để xử lý và hiển thị chúng trên màn hình TV.
Đối với thể dục dụng cụ, AI sẽ giúp kiểm tra độ chính xác của động tác, cung cấp dữ liệu cho trọng tài khi chấm điểm. Với môn đua xe đạp, các cảm biến sẽ được gắn trên khung xe để đo thời gian xuất phát và về đích chính xác. Với chạy bộ, các cảm biến nhỏ được gắn vào áo của tất cả vận động viên, thu thập và phân tích khoảng 2.000 bộ dữ liệu mỗi giây, chẳng hạn tốc độ hoặc thời điểm tăng tốc. Theo Alain Zobrist, CEO Omega Timing, độ chính xác của hệ thống mà hãng cung cấp tới 99%.
Ở một số môn thi đấu khác, Ban tổ chức cũng áp dụng công nghệ cảm biến không tiếp xúc với mục đích theo dõi nhịp tim trực tiếp và các dữ liệu sinh trắc học khác của vận động viên. Ngoài ra, mạng 5G cũng được phủ sóng tại Olympic Tokyo 2020, phục vụ xem các nội dung độ nét cao hoặc áp dụng cho nhận dạng khuôn mặt tại các địa điểm thi đấu để tăng tốc độ kiểm tra ID.
Ý kiến ()