Tất cả chuyên mục

Muốn dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra thì phải công khai mọi chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước, thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan công quyền, của cán bộ, công chức. Việc công khai, minh bạch không còn là yêu cầu của xã hội mà đã trở thành giải pháp trong việc điều hành của Chính phủ hiện nay.
Công bố công khai các khu đất dành để phát triển nhà ở thương mại trên phạm vi địa bàn để các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế biết và tham gia đăng ký đảm nhận chủ đầu tư dự án (Nghị định 90/2006/NĐ-CP). Công khai các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước, các vùng, các tỉnh, huyện và các ngành lĩnh vực để mọi công dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận nghiên cứu, khai thác (Nghị định 92/2006/NĐ-CP) .
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký chỉ thị số 32/2006/CT-TTgvề một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. Nội dung chỉ thị này có yêu cầu: Công bố công khai các số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ hộp thư điện tử của cơ quan, đơn vị, tổ chức mình để tiếp nhận các góp ý về quy trình, thủ tục; các thông tin, vướng mắc của cá nhân, tổ chức đối với những việc làm sai trái, sách nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức. Trước ngày 1-11-2006, tại tất cả các điểm tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, những nơi làm việc với người dân, doanh nghiệp của cơ quan, đơn vị, tổ chức phải thực hiện niêm yết công khai: Toàn bộ quy trình, thủ tục, thời hạn giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp; họ tên, chức vụ của những cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết công việc; Quyền, nghĩa vụ của công dân, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan đến nội dung thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị, tổ chức đó; Quyền và trách nhiệm khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức đối với những hành vi vi phạm, gây phiền hà, sách nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc; họ tên, chức vụ của người có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết những khiếu nại, tố cáo này.
Hoạt động phòng, chống tham nhũng cũng phải được công khai, minh bạch. Ngày 20-10, Chính phủ đã ban hành Nghị định 120/2006/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng. Nghị định quy định rõ: Người có trách nhiệm tiếp nhận tố cáo không tiếp nhận tố cáo, cố tình trì hoãn hoặc không chuyển cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo thì theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ý kiến ()