Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 12:35 (GMT +7)
Cống hiến là lẽ sống
Thứ 2, 20/12/2021 | 08:17:30 [GMT +7] A A
Trong lời bài hát Để gió cuốn đi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không. Để gió cuốn đi...". Và nhân vật chúng tôi kể dưới đây là những con người như vậy. Không ngại khó, không ngại khổ và không ngại sự gian nan, ở bất cứ vị trí nào, họ vẫn đang không ngừng cống hiến cho địa phương, quê hương và xã hội.
Tình nguyện là đam mê, lẽ sống
Chị Bùi Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch CLB Đầu tư và khởi nghiệp Quảng Ninh, Chủ tịch CLB Đầu tư và khởi nghiệp TP Hạ Long là một trong 50 thanh niên trên cả nước vinh dự được nhận bằng khen vì thành tích xuất sắc thực hiện phong trào thanh niên tình nguyện năm 2021 của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Đây là sự ghi nhận, là niềm vui, động viên, khích lệ đối với tình nguyện viên.
Chị Hương chia sẻ: "Mỗi phần thưởng đều có ý nghĩa quan trọng đối với những người làm tình nguyện, bởi đó là nguồn động viên rất lớn để giúp tôi tiếp tục cống hiến. Song dù có hay không những phần thưởng đó thì bản thân tôi vẫn luôn tích cực thực hiện các hoạt động thiện nguyện, bởi tôi mong muốn giúp đỡ nhiều hơn những mảnh đời cơ cực, chia sẻ những hoàn cảnh khó khăn, chung tay vì cộng đồng. Tôi cũng mong muốn những hoạt động của mình sẽ lan tỏa sự tích cực trong cộng đồng, nhất là các bạn trẻ".
Còn nhớ thời điểm cuối tháng 5/2021, tỉnh Bắc Giang trở thành tâm dịch Covid-19 với ổ dịch lớn nhất cả nước. Thời điểm đó, các địa phương như: Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Phòng, Yên Bái, Đà Nẵng... đã cử hàng trăm y, bác sĩ chi viện cho Bắc Giang để địa phương này sớm đẩy lùi dịch bệnh. Với tinh thần chung tay chống dịch, chị Hương đã kêu gọi các thành viên trong CLB Đầu tư và khởi nghiệp tỉnh và thành phố cùng doanh nghiệp, tổ chức, các nhà hảo tâm ủng hộ nhu yếu phẩm để gửi tới địa phương này. Chỉ sau 2 ngày kêu gọi, lượng lớn nhu yếu phẩm, như: Bánh, nước khoáng, nước yến, sữa, mật ong, mì, thịt hộp... và vật tư y tế gồm quần áo bảo hộ, khẩu trang, găng tay y tế, nước sát khuẩn… với tổng giá trị khoảng 300 triệu đồng đã được ủng hộ. Đây là tình cảm, tri ân, động viên của nhân dân Quảng Ninh đến những “chiến sĩ áo trắng” đang nỗ lực ngày đêm chống dịch ở tuyến đầu.
Thời gian qua, chị Hương còn có nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa như: Ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung; ủng hộ giải chạy và Hội trại do Thành Đoàn Hạ Long tổ chức; thăm và tặng quà tri ân người có công với cách mạng; đỡ đầu hàng tháng cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Không chỉ vậy, với mong muốn tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho Cung văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh, cũng như tạo địa điểm vui chơi, tham quan, trải nghiệm kỹ năng sống, giáo dục ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường cho thanh thiếu nhi, chị Hương đã đầu tư công trình Vườn hoa Thanh niên khởi nghiệp tại đây. Công trình có diện tích trên 4.000m2 với tổng mức đầu tư trên 2 tỷ đồng. Trong đó, chị Hương đã đóng góp 500 triệu đồng, số còn lại được huy động từ ủng hộ của các thành viên CLB Đầu tư và khởi nghiệp tỉnh.
Chị còn cùng bạn bè đã sáng lập ra Công ty CP Trà hoa vàng Quảng Ninh để đưa nông sản địa phương vươn ra thị trường quốc tế và khu vực. Sau nhiều năm lặn lội tìm tòi, nghiên cứu, đầu tư, sản phẩm trà hoa vàng Quảng Ninh hiện đã được phân phối tại các đại lý, siêu thị thuộc 8 tỉnh, thành phố trong nước.
Ông Lê Mạnh Quy, chủ vườn trà Quy Hoa, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà, chia sẻ: Tôi hợp tác với Công ty CP Trà hoa vàng Quảng Ninh từ năm 2020. Ở Hương, tôi thấy sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, tâm huyết đối với cây trà hoa vàng và cả tinh thần sáng tạo. Tôi mong muốn trà hoa vàng Quảng Ninh trở thành sản phẩm mạnh trong nước và cả thế giới.
Chia sẻ về hoạt động thiện nguyện của mình, chị Hương nói: Hoạt động thiện nguyện rất dễ “nghiện” bởi khi làm một lần rồi thì sẽ có động lực rất lớn để tiếp tục làm thêm nhiều lần. Từ đây yêu thương sẽ được nối dài, đánh thức được trách nhiệm, tình cảm của mỗi người, phát huy sức mạnh của cộng đồng trong hoạt động từ thiện.
Người lính quân hàm xanh nơi tuyến đầu
Để hoàn thành “nhiệm vụ kép”, gần 2 năm nay, hàng nghìn lượt CBCS Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh vẫn đang ngày đêm bám trụ nơi tuyến đầu. Trong trận chiến không tiếng súng với “giặc Covid-19" đầy cam go này, những tấm gương CBCS BĐBP đã và đang tiếp thêm sức mạnh cho đồng đội trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh. Thiếu tá Nguyễn Văn Diện, Phó Đội trưởng Đội vũ trang, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, là một trong số đó.
Chốt kiểm soát biên phòng tại mốc 1302 được quây bằng tôn nằm chênh vênh trên một mỏm núi bên đường vành đai biên giới, là ngôi nhà thân quen của anh Diện đã gần 2 năm nay. Đây cũng là chốt xa xôi và khó khăn nhất tuyến biên giới Đông Bắc. Giống nhiều chốt biên phòng dã chiến, điểm chốt này nằm ở độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển, một bên là vách núi cao, một bên là vực sâu thăm thẳm. Khu vực này người dân sống thưa thớt, chủ yếu là đồng bào người Dao, Tày… Điện, nước và sóng điện thoại là điều xa vời đối với anh em trên chốt.
Anh Diện chia sẻ: Cuộc sống sinh hoạt của CBCS nơi đây gặp muôn vàn khó khăn. Để có nước sinh hoạt hằng ngày, các CBCS trực tại chốt phải thay nhau đi hàng cây số đường rừng đến khe nước để cõng nước về phục vụ sinh hoạt. Song bất cứ trong môi trường khắc nghiệt nào, người lính cũng thích nghi, tìm cách để vượt qua khó khăn và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Mỗi chiến sĩ đều nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, vừa phòng chống dịch vừa giữ gìn an ninh chủ quyền biên giới...
Vất vả là thế, Ban Chỉ huy Đồn cũng chỉ đạo luân chuyển ở các vị trí chốt 1 tháng 1 lần song với tinh trần trách nhiệm, anh Diện đã nhiều lần tình nguyện xung phong ở lại bám chốt. Với anh, hạnh phúc nhất là không để dịch bệnh xâm nhập qua biên giới vào địa bàn. "Tôi gắn bó với chốt 1302 từ ngày mới thành lập. Công việc của tôi và CBCS tại chốt không kể ngày hay đêm. Đặc điểm khu vực biên giới nhiều rừng núi, sông, suối cộng thêm thời điểm cuối năm nguy cơ khiến chúng tôi gặp không ít khó khăn, phải “căng quân” liên tục. Nhiều lúc nghe điện thoại người thân cũng không khỏi chạnh lòng, nhưng anh em chiến sĩ vẫn luôn cố gắng mạnh mẽ động viên gia đình hãy là hậu phương vững chắc. Bởi chiến dịch chống dịch còn dài, anh em xác định xây dựng ý chí quyết tâm, tư tưởng lạc quan, vững vàng, kiên trì bám chốt, góp phần cùng cả nước chiến thắng dịch bệnh.
Trên từng đường mòn, lối mở, tuyến biên giới từ cột mốc 1300 đến 1305, đều có bước chân của anh Diện. Những bước chân không mỏi xuyên rừng, băng suối, những ánh mắt sáng ngời ý chí trong đêm tối và sự kiên cường, mạnh mẽ của người lính như tiếp thêm sức mạnh vào niềm tin chống dịch của cả dân tộc. Ngay cả khi băng giá phủ kín khiến cho quá trình thực hiện nhiệm vụ gặp rất nhiều khó khăn, anh Diện cùng CBCS đốt lửa ở những vị trí đứng gác để đảm bảo sức khỏe. Trong gian khó, anh Diện vẫn luôn động viên, khích lệ các CBCS kiên cường bám chắc biên giới để thực hiện nhiệm vụ, giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
“Những ngày cuối năm đang cận kề. Mùa xuân đang sắp về. Ngày Tết ai cũng mong muốn được đoàn tụ gia đình, nhưng năm nay tôi tiếp tục ở lại cùng CBCS trong đơn vị tham gia trực chốt biên giới phòng chống xuất nhập cảnh trái phép, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập địa bàn, trực sẵn sàng chiến đấu. Vì cuộc sống bình yên của nhân dân nên anh em được phân công trực chốt luôn nêu cao quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ”, Thiếu tá Nguyễn Văn Diện chia sẻ.
Ở bất cứ vị trí nào, những con người đang sống và cống hiến vì cộng đồng, quê hương và xã hội đều là tấm gương sáng cần được lan tỏa.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()