Gừng có tác dụng thúc đẩy tiêu hóa, giảm đầy bụng, kích thích cảm giác thèm ăn, hỗ trợ điều trị tiêu chảy.
Không chỉ là gia vị nấu ăn, gừng được dùng như một vị thuốc trong hỗ trợ điều trị và tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa. ThS.BS Nguyễn Thị Ngọc Bích, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết gừng thúc đẩy nhu động ruột, gia tăng tốc độ tiêu hóa thức ăn, giảm áp lực trong đường tiêu hóa và làm dịu dạ dày. Từ đó, nó giúp giảm cảm giác buồn nôn, nhất là ở những người bị tác dụng phụ do thực hiện hóa trị liệu. Trong quá trình tiêu hóa, khi vi khuẩn đường ruột tiếp xúc với thức ăn tạo ra hiện tượng lên men, gây đầy hơi, chướng bụng. Lúc này, các enzyme trong gừng tác động và đẩy khí ra khỏi cơ thể, làm giảm khó chịu.
Để giải quyết nhanh các tình trạng trên, người bệnh có thể nhấm nháp một lát gừng tươi cho đến khi hết triệu chứng thì ngừng hoặc dùng ngay một cốc trà gừng nóng. Bạn có thể pha trà gừng nóng bằng cách ngâm vài lát gừng tươi mỏng với nước sôi trong 10 phút, để dễ uống hơn, có thể thêm một ít chanh hoặc mật ong.
Trong đông y, khi được kết hợp với nhiều vị thuốc khác, gừng có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh về rối loạn tiêu hóa. Bác sĩ Bích chia sẻ thêm, gừng tươi và gừng phơi khô đều có tác dụng dược lý đáng kể. Cụ thể, gừng tươi có vị cay, tính hơi ôn (ấm), khi được dùng sẽ tác động vào 3 kinh là phế, tỳ và vị. Với tác dụng khu phong tán hàn, giải biểu, ôn trung, làm hết nôn, tiêu đờm nêngừngtươi thường được dùng để điều trị cảm mạo,trướng bụng, nôn ói, ho có đờm...
Trong khi đó, gừng khô có vị cay, tính ôn; sau khi bào chế sẽ chuyển sang vị cay đắng, tính đại nhiệt. Gừng khô tác động vào 6 kinh là tâm, phế, tỳ, vị, thận vàđại tràng. Vị thuốc này có tác dụng ôn trung tán hàn, hồi dương thông mạch, dùng trong điều trị thổ tả, bụng đau, chân tay lạnh, mạch nhỏ, phong hàn thấp tỳ...
Gừng còn có khả năng ức chế thần kinh trung ương, làm tăng hiệu quả của thuốc ngủ, hỗ trợ hệ thống miễn dịch, tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm cholesterol, kiểm soát đường huyết, chống viêm và chống oxy hóa, giảm sốt, giảm ho, chống say xe...
Gừng lành tính trong đa số các trường hợp. Tuy nhiên, bác sĩ Bích khuyến cáo, khi dùng quá 5g mỗi ngày, có thể dẫn đến một số tác dụng phụ như ợ nóng, đầy bụng, đau dạ dày, kích ứng miệng... nhất là tăng nguy cơ chảy máu ở những người bị rối loạn đông máu. Phụ nữ mang thai cũng cần cẩn trọng khi dùng gừng để giảm cảm giác buồn nôn vì nó có thể gây co thắt tử cung, làm tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non. Trong một số trường hợp, gừng có thể không mang lại hiệu quả điều trị như mong muốn nên người bệnh cần lưu ý đến tình trạng sức khỏe, kịp thời đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám và chỉ định điều trị.
Ý kiến ()