Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 17:32 (GMT +7)
“Cõng điện” lên khai trường
Thứ 4, 01/11/2023 | 07:22:56 [GMT +7] A A
Môi trường làm việc khắc nghiệt, nặng nhọc, bất kể nắng, mưa, những người thợ điện làm nhiệm vụ vận hành, kéo dây, trồng cột điện trên tầng than các mỏ lộ thiên thường xuyên có mặt tại những vị trí xung yếu, nguy hiểm nhất. Gian nan, vất vả, khó khăn là thế, những “lính đường dây” vẫn hoàn thành “cõng điện” lên các khai trường, giữ vững dòng điện an toàn, phục vụ sản xuất than.
Công việc gian truân
Cuối tháng 10/2023, không khí lao động trên khai trường Công ty CP Than Cọc Sáu nhộn nhịp, khẩn trương hơn bao giờ hết. Công ty hiện khai thác than ở mức -300m. Đây là mỏ lộ thiên lâu đời, sâu nhất của TKV. Trong điều kiện áp lực mỏ ngày càng xuống sâu, ngoài lực lượng lao động chính còn có 2 yếu tố: Điện an toàn phục vụ sản xuất và bơm nước dưới đáy moong, quyết định đến sự sống còn của mỏ. Hiện nay phần lớn các thiết bị hệ thống bơm, khoan… hoạt động phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp điện của công ty. Vì vậy, công việc của những người thợ điện được ví như những chiến binh thầm lặng.
Trải qua 10 mùa than là từng đó năm anh Vũ Văn Quý (Phân xưởng Trạm mạng, Công ty CP Than Cọc Sáu) đội trên mình chiếc mũ màu cam tượng trưng công việc đặc thù thợ điện. Chục năm gắn bó với nghề thợ điện, dấu chân anh cùng với đồng nghiệp đã in khắp khai trường mỏ Cọc Sáu. Diện sản xuất của công ty thường xuyên thay đổi đồng nghĩa hệ thống đường điện phục vụ sản xuất phải di chuyển liên tục. Để đáp ứng điện phục vụ sản xuất, công việc hằng ngày của các anh là trồng cột điện và kéo đường dây trên các khai trường, vất vả, gian truân chẳng kém gì những thợ mỏ.
Tay vừa thoăn thoắt kéo dây điện khu vực bãi thải mức +270m, anh Quý chia sẻ: Vất vả nhất là khâu trồng cột điện. Chúng tôi phải đào hố sâu từ 1-1,5m. Đào cột điện trên nền đất khai trường rất vất vả, nặng nhọc. Nhiều vị trí đang đào giữa chừng gặp phải đá cứng, phải mất công sức phá đá hoặc di chuyển đào cột mới. Những ngày nắng trên mỏ làm việc đã vất vả, vào mùa mưa thợ điện chúng tôi phải thường xuyên đối mặt với nguy hiểm. Lúc đó chúng tôi phải thay phiên nhau túc trực 24/24h đi kiểm tra cột điện, củng cố đường điện bị gãy, đổ do sạt lở gây ra. Nhọc nhằn gian nan là vậy nhưng ở đâu cần điện phục vụ sản xuất là ở đó chúng tôi sẵn sàng có mặt để làm nhiệm vụ kéo điện đến tận nơi.
Anh Nguyễn Thành Đô, Quản đốc Phân xưởng Trạm mạng, chia sẻ: Phân xưởng đang được Công ty giao thực hiện nhiệm vụ thi công, lắp đặt hệ thống cung cấp điện và quản lý các trạm biến áp trung gian. Phân xưởng có 84 thợ điện. Khung giờ làm việc của chúng tôi khá khác thường, khi các thiết bị nghỉ giữa hoặc cuối ca, lịch cắt điện cố định được Công ty xây dựng tại các khung giờ: 7h15- 8h15; 11h15-12h15; 15h-16h45; 18h-19h cũng là lúc thợ điện chia nhau công việc, di chuyển khắp vị trí công trường để sửa chữa, đấu nối, dựng, kéo dây điện. Tất cả anh em tranh thủ khung giờ vàng này để làm việc, vì vậy công việc của những người thợ điện vì thế cũng áp lực, căng thẳng hơn, tăng gấp đôi, gấp ba so với trước đây.
Với tổng số 118 cán bộ, công nhân, Phân xưởng có 4 tổ sản xuất chính với nhiệm vụ quản lý, thi công, lắp đặt hệ thống cung cấp điện từ 6kV đến 0,4kV; 3 trạm biến áp 35/6kV, trong đó 1 trạm cung cấp điện cho khai trường, 2 trạm cung cấp điện cho hệ thống băng tải đá; quản lý 9 tuyến đường điện 6kV với tổng chiều dài đường dây 40km. Hệ thống này cung cấp điện phục vụ sản xuất cho toàn công ty. Xác định cung cấp điện phục vụ cho sản xuất là nhiệm vụ rất quan trọng nên đơn vị sẵn sàng xây dựng phương án, chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, thiết bị, phương tiện để đảm bảo điện cho sản xuất.
Quản đốc Phân xưởng Trạm mạng (Công ty CP Than Cao Sơn) Nguyễn Văn Quang cho biết: Với đặc thù của phân xưởng, công tác đảm bảo an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Tất cả cán bộ, công nhân đều thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất, biện pháp an toàn, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị trong quá trình sản xuất. Công việc chủ yếu làm ngoài trời, thời tiết nắng nóng, nhiều việc phải làm thủ công nên rất vất vả… Ngoài công việc quản lý, thi công, vận hành hệ thống điện, Phân xưởng còn thường trực để giải quyết sự cố khi có mưa bão, công việc đột xuất khác. Nguyên tắc bất di bất dịch khi có sự cố mất điện thì Phân xưởng phải xử lý ngay, không cho phép mất điện quá 2 giờ.
“Còn nhớ dịp tháng 7/2022, tại khai trường Khe Chàm 2 do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, làm tụt lở, đổ 4-5 cột điện, đứt đường dây điện 6kV cấp điện cho hệ thống bơm thoát nước moong. Do yêu cầu cấp thiết phải bơm thoát nước moong, cuộc họp khẩn cấp diễn ra trong đêm đưa ra phương án khắc phục sự cố để cứu mỏ bị ngập. Chúng tôi đã huy động 20 cán bộ, công nhân cùng các thiết bị để khắc phục ngay trong đêm, từ 21h30 đến 23h30 thì hoàn thành. Việc giải quyết khắc phục sự cố đã cấp điện kịp thời cho hệ thống bơm, tránh ngập moong, ngập thiết bị… Dù khó khăn, vất vả nhưng cứ thấy điện sáng hay nghe tiếng máy reo, tiếng than rơi đó cũng chính là nhịp đập trái tim của những người thợ điện chúng tôi” - Anh Quang chia sẻ.
Để dòng suối than chảy đều
Sứ mệnh phát triển của TKV được xác định là một trong 3 trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Từ lâu than và điện có mối quan hệ gắn bó rất chặt chẽ, cùng hỗ trợ nhau phát triển bền vững. Hằng năm TKV sản xuất khoảng 35-40 triệu tấn than nguyên khai, chiếm khoảng 85% sản lượng khai thác than cả nước; nhập khẩu khoảng 5-10 triệu tấn, tiêu thụ 35-45 triệu tấn than thương phẩm, chủ yếu là cho sản xuất điện.
Riêng các đơn vị sản xuất than lộ thiên chiếm gần 3/4 sản lượng khai thác than của Tập đoàn. Để đáp ứng than cho thị trường, đội ngũ thợ điện đóng vai trò quan trọng. Hiện các mỏ than lộ thiên của TKV tiếp tục khai thác xuống sâu với tốc độ trung bình 10-15m/năm. Ở chiều sâu khai thác ngày một lớn và kích thước khai trường hạn chế, việc đưa điện kịp thời đến các vị trí sản xuất gặp nhiều khó khăn. Song các đơn vị đã chủ động xây dựng phương án thi công, đầu tư các hạng mục điện đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất.
Công ty CP Than Cao Sơn là đơn vị khai thác than lộ thiên có quy mô và sản lượng lớn nhất TKV hiện nay. Năm 2022 Công ty sản xuất hơn 6,7 triệu tấn than; bốc xúc đất đá trên 58 triệu m³. Để thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh với sản lượng lớn như vậy, hằng năm Công ty tiêu thụ trung bình khoảng 150 triệu kWh điện, trong đó điện phục vụ cho bơm thoát nước moong khoảng 20 triệu kWh, riêng hệ thống băng tải đất đá tiêu thụ khoảng 70 triệu kWh điện, chiếm khoảng 50% sản lượng điện tiêu thụ, ngoài ra còn phục vụ các thiết bị khai thác mỏ như máy xúc, máy khoan…
Theo lãnh đạo Công ty CP Than Cao Sơn, trong quá trình khai thác than, đơn vị luôn xác định cung cấp điện phục vụ cho sản xuất là nhiệm vụ rất quan trọng; thời gian gần đây, việc đảm bảo an toàn cung cấp điện được ưu tiên hàng đầu. Công việc của thợ điện trên khai trường đòi hỏi luôn phải giữ vững “tinh thần thép”. Nhiều năm gần đây, đội ngũ thợ điện của đơn vị đã thực hiện tốt công tác an toàn lao động, quy trình sản xuất, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, do đặc thù công việc thợ điện khá vất vả nên công tác thu hút thợ điện lành nghề khó khăn. Thu nhập bình quân thợ điện của công ty hiện là 10-12 triệu đồng/người/tháng. Đơn vị đang tích cực cải thiện điều kiện việc làm, chính sách thu hút lao động là thợ điện, đáp ứng nhu cầu công việc thời gian tới.
TKV hiện có 4 đơn vị sản xuất than lộ thiên, gần 500 thợ điện làm việc tại các mỏ lộ thiên. Đây là lực lượng nòng cốt bất kể ngày đêm, sẵn sàng có mặt tại các vị trí sản xuất kéo điện giúp các đơn vị sản xuất than lộ thiên ổn định nguồn điện. Để thu hút đội ngũ thợ điện lành nghề làm việc trong các mỏ lộ thiên hiện nay, TKV yêu cầu các đơn vị có chính sách cải thiện điều kiện làm việc, tăng lương, quan tâm nhà ở cho công nhân. TKV yêu cầu các đơn vị rà soát vị trí việc làm, tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề, thợ bậc cao cho đội ngũ này. Đây là một trong những giải pháp giúp các đơn vị chủ động nguồn nhân lực là đội ngũ thợ điện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Phạm Tăng - Việt Trung (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()