Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 gồm hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn. Ngoài ra thí sinh được chọn hai môn trong các môn còn lại trong chương trình phổ thông, gồm: Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (7 thứ tiếng: Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn).
Tổng cộng, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cấu trúc đề minh họa thi tốt nghiệp THPT 2025 của 17 môn.
Bộ cho biết đề thi được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Dựa vào bảng năng lực - cấp độ tư duy được đính kèm đề thi, người học sẽ biết đề gồm mấy phần, có những câu hỏi trắc nghiệm và thành phần năng lực nào có trong đề.
Do chương trình 2018 mới triển khai tới lớp 11, đề minh họa chủ yếu sử dụng kiến thức lớp 10 và 11. Bộ cho biết thêm các câu hỏi trong đề "cố gắng gắn với các bối cảnh có ý nghĩa", tức có tác dụng, giá trị nhất định đến đời sống, thực tiễn khoa học.
Về các dạng câu hỏi, trừ môn Ngoại ngữ sử dụng duy nhất dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn như mọi năm, các môn còn lại sẽ có thêm trắc nghiệm đúng - sai và câu hỏi điền đáp án.
"Dạng thức câu hỏi mới đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện mới đạt điểm tối đa, hạn chế việc dùng mẹo mực", Bộ nhận định.
Về số lượng câu hỏi, đề thi môn Toán và Ngoại ngữ lần lượt giảm từ 50 xuống 34 và 40 câu, các môn khác không đổi. Lý do với môn Toán là việc thêm dạng thức câu hỏi nhằm kiểm tra tư duy, năng lực của học sinh ở mức cao hơn, nên các em cần nhiều thời gian mới có thể trả lời.
Còn môn Ngoại ngữ giảm số lượng câu hỏi do thời gian làm bài của môn này cũng rút ngắn 10 phút so với hiện nay. Việc này do Ngoại ngữ trở thành môn thi tự chọn nên thời gian làm bài sẽ tương đương với các môn còn lại.
Ý kiến ()