Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:00 (GMT +7)
Công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2021
Thứ 5, 29/07/2021 | 14:47:58 [GMT +7] A A
Ngày 29/7 tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức hội thảo trực tuyến công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu”.
Báo cáo đi sâu vào phân tích vị thế cạnh tranh Việt Nam trên cơ sở đánh giá lợi thế so sánh và sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Báo cáo có ý nghĩa trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng và để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu; trong đó, có Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế cho biết, Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2021 quy tụ một số lượng lớn các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu kinh tế, các giảng viên từ các viện nghiên cứu và trường đại học tham gia. Báo cáo nhận được sự cố vấn, phản biện của nhiều chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực kinh tế, trở thành tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như cho tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề về kinh tế vĩ mô và chính sách phát triển tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Đây cũng là sản phẩm được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tiến hành và liên tục xuất bản, công bố trong 12 năm qua. Báo cáo tập trung phân tích độc lập, khách quan những thành tựu, khó khăn, cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển. Từ đó, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô và thảo luận có chọn lọc một số vấn đề kinh tế lớn và chuyên sâu của Việt Nam.
Đánh giá tổng quan về kinh tế thế giới năm 2020, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách nhận định, trong bối cảnh biến động toàn cầu vài năm gần đây và đặc biệt là sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã làm cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm và khó dự đoán.
Mức giảm ước tính là 4,3% trong năm 2020; trong đó, các nền kinh tế phát triển chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có mức sụt giảm ít hơn và riêng Trung Quốc lại tăng trưởng dương. Đại dịch cũng làm giảm tiềm năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu xét trong cả thập kỷ 2020-2029. Tương ứng với sự thu hẹp trong sản lượng toàn cầu, việc làm và thu nhập cũng giảm mạnh. Thương mại và đầu tư quốc tế cũng bị ảnh hưởng sâu sắc và suy giảm trầm trọng. Cả thương mại hàng hoá và dịch vụ đều giảm tốc trong năm 2020, tương ứng là -7% và -20%, đặc biệt là ngành du lịch và vận chuyển....
Trong bối cảnh ấy, nền kinh tế Việt Nam cũng đã khép lại năm 2020 đầy sóng gió với kết quả tăng trưởng ấn tượng. Việt Nam đạt tốc độ tăng GDP cả năm ở mức 2,91% và là một trong số hiếm hoi các nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng dương. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát và khu vực sản xuất cũng như tiêu dùng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ tăng chậm lại ở cả ba khu vực; số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng nhanh...
Đề cập tới triển vọng kinh tế Việt Nam 2021, TS. Vũ Thanh Hương, Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế bình luận, bức tranh kinh tế toàn cầu sẽ sáng hơn trong năm 2021 nhưng không đồng đều giữa các khu vực và vẫn còn nhiều bất định.
Với nền kinh tế Việt Nam, động lực cho tăng trưởng kinh tế được dự báo tiếp tục đến từ xuất khẩu và đầu tư công. Với việc dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam (mặc dù có chậm lại do tác động của đại dịch) thì xuất khẩu của khu vực này vẫn đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế trong nhiều năm tới.
Tuy nhiên, tốc độ tăng xuất khẩu sẽ phụ thuộc nhiều vào sự hồi phục của kinh tế thế giới và xuất khẩu của những mặt hàng truyền thống vốn chịu ảnh hưởng nặng nề trong năm qua. Trong khi đó, đóng góp trực tiếp của đầu tư công vào tăng trưởng sẽ không cao như năm 2020 do hạn hẹp về nguồn lực tài khóa.
Bên cạnh đó, sự mở rộng tiền tệ hay hạ lãi suất chủ yếu có vai trò giúp hạ gánh nặng nợ lãi của các khoản vay hiện tại, hơn là thúc đẩy các khoản vay mới để mở rộng sản xuất. Một khi khả năng kiểm soát đại dịch chưa chắc chắn, niềm tin chưa quay trở lại thì đầu tư của các doanh nghiệp sẽ khó tăng mạnh ngay cả khi lãi suất có thực sự giảm. Nhiều ngành dịch vụ được dự kiến chưa thể hồi phục trong năm 2021.
Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm và diễn biến phức tạp của tình hình bệnh dịch hiện nay, VEPR cho rằng, triển vọng kinh tế những tháng cuối năm phụ thuộc nhiều vào kiểm soát dịch bệnh, tốc độ và quy mô tiêm chủng vaccine; hiệu quả, phản ứng phụ của các biện pháp phòng chống bệnh dịch; các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng ở trong nước.
Dự trên tình hình thực tiễn, VEPR cũng đưa ra các kịch bản dự báo với giả định rằng, các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam sẽ triển khai thành công việc tiêm vaccine vào đầu quý IV/2021 và khống chế được tình trạng tái bùng phát; hoạt động kinh tế được khôi phục. Trong khi đó, tình hình kiểm soát bệnh dịch tại Việt Nam có thể diễn biến theo các chiều hướng khác nhau.
Theo đó, VEPR cũng xây dựng kịch bản cơ sở là nếu dịch bệnh được kiểm soát vào cuối qúy III/2021, việc tiêm chủng được triển khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý II/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức từ 4,5 - 5,1%.
Nếu theo kịch bản thuận lợi là khi dịch bệnh được kiểm soát ngay trong tháng 8/2021, việc tiêm vaccine được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý I/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức từ 5,4 - 6,1%.
Tuy nhiên, cần chủ động ứng phó nếu gặp phải kịch bản bất lợi. Đó là khi dịch bệnh chưa thể được kiểm soát và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường cho tới qúy IV, quá trình tiêm chủng vaccine được triển khai chậm do thiếu nguồn cung. Các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số được thúc đẩy nhưng dịch vụ, thương mại và thu hút vốn FDI phục hồi chậm. Khi đó, kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng từ 3,5 - 4%.
Cũng tại hội thảo, tất cả các đại biểu đều đánh giá cao tính chuyên môn và chất lượng của báo cáo; nhất là sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu của nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, báo cáo cần có đưa ra nhóm các giải pháp cụ thể hơn nữa, mang tính cập nhật thời sự hơn nhất là với tình hình dịch COVID-19 và những quyết sách mới nhất mà Quốc hội đang tiến hành.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()