Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Thống Nhất, ngày 30/9, cho biết nam bệnh nhân 69 tuổi, ngụ quận Bình Tân, nhập viện trưa 29/9 với biểu hiện ngộ độc methanol rất rõ. Bệnh nhân nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, hôn mê, suy hô hấp cấp, trụy tim mạch.
Các bác sĩ cho ông thở máy, dùng thuốc vận mạch, nâng huyết áp, lọc máu sớm để cải thiện tình trạng nhiễm toan. Hiện, tình trạng bệnh nhân vẫn rất nặng, hôn mê sâu, đồng tử giãn, mất phản xạ ánh sáng. "Trường hợp này tiên lượng rất dè dặt", bác sĩ Quang nói.
Người con trai vào viện buổi tối cùng ngày, cùng biểu hiện nhiễm toan rất nặng, hôn mê sâu. Sau khoảng một giờ lọc thận cấp cứu, bệnh nhân ngưng tim, tử vong.
Theo bác sĩ Quang, kết quả xét nghiệm độc chất của người bố ghi nhận ngộ độc methanol với nồng độ chất này trong máu là 160 mg/dL. Trong khi đó, theo y văn, nồng độ này ở từ mức 20mg/dL đã có thể gây ngộ độc. Nồng độ methanol trong máu trên 50 mg/dL thường phải lọc máu cấp cứu và trên 80 mg/dL đã có khả năng tử vong cao.
Theo bác sĩ Quang, rượu thường dùng để uống là rượu ethanol làm từ ngũ cốc, giá thành cao hơn. Trong khi đó, cồn methanol là hoá chất, chỉ dùng trong công nghiệp vì rất độc với người, sản xuất từ gỗ lên men, giá rẻ hơn. "Một số người bán trộn hai loại này lại để giảm giá thành, tăng lợi nhuận, khiến người mua uống vào có thể ngộ độc", bác sĩ Quang chia sẻ.
"Methanol khi uống vào trong máu có thể chuyển sang dạng chất gây độc, tác động đến rất nhiều cơ quan", bác sĩ Quang phân tích. Chất này có thể tác động gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, suy hô hấp cấp, suy tim, tụt huyết áp, sốc nặng, suy thận cấp, mù mắt... Việc điều trị thường khó khăn, tỷ lệ tử vong cao.
Tình trạng bệnh nhân ngộ độc rượu methanol vào Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu đang ở mức báo động. Theo phó giáo sư Hồ Thượng Dũng (phó giám đốc bệnh viện), trong tháng 9, bệnh viện tiếp nhận 12 ca ngộ độc rượu methanol, trong đó 6 trường hợp tử vong.
"Đặc biệt hai tuần gần đây, có những ngày bệnh nhân nhập viện liên tiếp nhau", phó giáo sư Dũng nói. "Nạn nhân phần lớn là người lao động, hoàn cảnh khó khăn sau thời gian dài giãn cách chống dịch". Có những người may mắn giữ được tính mạng nhưng di chứng nặng nề, mù mắt vĩnh viễn, giảm thị lực...
Trộn methanol vào rượu uống rất nguy hại với sức khỏe người dùng, trái pháp luật. Bệnh viện Thống Nhất báo cáo những trường hợp này với Sở Y tế TP HCM, Công an và các cơ quan chức năng.
Ý kiến ()