Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:32 (GMT +7)
Còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động
Thứ 4, 22/01/2020 | 11:50:01 [GMT +7] A A
Tai nạn lao động (TNLÐ) trở thành nỗi ám ảnh khi cướp đi tính mạng hoặc làm suy yếu, mất sức lao động đối với người lao động. Tuy nhiên, nguy cơ mất an toàn lao động vẫn còn hiện hữu, nhiều vụ TNLÐ trên địa bàn tỉnh đã xảy ra… mà không ít vụ do chính người lao động chủ quan, không chú ý vấn đề bảo hộ lao động, bảo đảm an toàn khi lao động.
Công nhân Công ty CP Than Vàng Danh tham dự Lễ phát động Tháng hành động về vệ sinh an toàn lao động năm 2019. Ảnh: Mai Hương |
Nhiều năm nay làm việc tại các công trình xây dựng nhà cao tầng, nhà ở dân cư trên địa bàn tỉnh, anh Phạm Quốc Toản, quê ở Nam Định cho biết, công việc thường làm của anh là phụ hồ, vận chuyển vật liệu xây dựng. Ðược chủ thầu trả lương từ 7 - 8 triệu đồng/tháng (tùy theo số ngày làm việc). Ăn ở sinh hoạt hàng ngày đều tại lán tạm công trình.
Dù làm việc vất vả, nhưng tằn tiện, tiết kiệm chi tiêu mỗi tháng anh cũng để dành được 4 - 5 triệu đồng gửi cho gia đình trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, hỏi về vấn đề bảo hộ lao động trong quá trình làm việc, anh Toản cười xòa trả lời: Khi thi công công trình từ 2 đến 3 tầng, chúng tôi hầu như không đội mũ bảo hiểm, vì rất bất tiện; giày bảo hộ lao động thì càng ít sử dụng, vì không quen.
Giải pháp bảo vệ an toàn khi đứng thi công trên giàn giáo, chúng tôi tự chủ động lo cho bản thân là chính, ít khi sử dụng dây nịt hoặc lưới bảo vệ... Đa phần công nhân làm việc ở các công trình xây dựng dân dụng là lao động phổ thông, làm tự do, thời vụ nên ý thức bảo hộ lao động còn thấp, trong khi nhiều chủ thầu thì chủ quan, chưa quan tâm tới việc đảm bảo ATLĐ cho công nhân.
Còn tại các doanh nghiệp, theo đánh giá của đoàn điều tra TNLĐ của tỉnh thì việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật an toàn vẫn chưa đầy đủ; công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện AT,VSLĐ chưa hiệu quả chiếm đến 80,3% số vụ.
Thêm vào đó, công tác lập, duyệt hồ sơ kỹ thuật, hộ chiếu, biện pháp thi công, biện pháp kỹ thuật an toàn chưa đảm bảo; chưa dự báo, kiểm soát hết các nguy cơ có thể xảy ra TNLĐ để lập các biện pháp phòng tránh và chỉ đạo tổ chức thực hiện chiếm 35,7% số vụ.
Đối với người lao động chưa chấp hành nghiêm túc nội quy, kỷ luật lao động; chủ quan, vi phạm quy trình, quy định kỹ thuật an toàn; sự phối hợp công việc trong nhóm thợ chưa tốt dẫn đến tai nạn cho bản thân và đồng đội chiếm 83,6% số vụ.
Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH năm 2019 tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xảy ra 602 vụ TNLĐ làm 635 người bị nạn, trong đó: số vụ TNLĐ chết người là 29 vụ, số người chết là 33 người; số người bị thương nặng là 408 người, số người bị thương nhẹ là 194 người. So với năm 2018, tổng số vụ TNLĐ tăng 26 vụ, tổng số nạn nhân tăng 47 người; số vụ TNLĐ chết người giảm 3 vụ, số người chết giảm 1 người.
Một số vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người như: Vụ TNLĐ xảy ra ngày 18/5/2019, tại Công ty than Hạ Long - TKV do cháy khí CH4 làm chết 2 người, bị thương 3 người. Tiếp đó tháng 6/2019, cũng tại Công ty than Hạ Long - TKV do sự cố xuất lộ nước trong lò chợ khai thác than làm chết 1 người, bị thương 1 người; ngày 8/11/2019, tại Công ty TNHH Tâm Thành do đất đá bãi thải sạt lở làm chết 4 người, bị thương 1 người.
Nhiều đơn vị đã chú trọng triển khai các biện pháp đảm bảo ATLĐ. Ảnh: Sản xuất gạch ngói tại Nhà máy gạch không nung Thanh Tuyền. |
Nhìn vào số liệu trên cho thấy, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động vẫn đáng báo động, nhất là thời điểm sau thời gian nghỉ Tết khi công nhân bắt đầu quay trở lại làm việc. Nguyên nhân do những tháng đầu năm người lao động thường thay đổi môi trường làm việc cộng với sau kỳ nghỉ Tết, tác phong công nghiệp của một bộ phận công nhân bị hạn chế, chủ quan, lơ là, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ. Đặc biệt, hàng năm số vụ TNLĐ chết người của các đơn vị thuộc ngành Than thường chiếm tỷ lệ từ 60-70% số vụ và số người chết trên địa bàn tỉnh.
Từ thực tế, rõ ràng nguy cơ tiềm ẩn về TNLĐ vẫn còn cao, thiết nghĩ để bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động trong quá trình làm việc, đơn vị sử dụng lao động cần có trách nhiệm trước việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Các đơn vị là chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu thi công phải thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về ATLĐ và đề ra các biện pháp bảo đảm ATLĐ hợp lý, hiệu quả. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm những đơn vị vi phạm…
Hiểu Trân
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()