Ba ngày nay, Hoàng Quỳnh (TP HCM) thường xuyên đăng những bức tranh với nét vẽ lạ mắt lên mạng xã hội để khoe với mọi người.
Khi thấy bạn bè bất ngờ vì cô có thể tạo ra tác phẩm độc đáo, Quỳnh giải thích thực ra chỉ có ý tưởng của cô, còn chúng là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo. Công cụ mà Quỳnh sử dụng là tính năng vẽ tranh bằng AI Midjourney.
"Nếu không tiết lộ, chắc sẽ không ai nghĩ đây là ảnh được tạo ra bằng cách ra lệnh cho máy tính và được vẽ trong vài phút", Lê Trang, chuyên viên thiết kế đồ họa tại Hà Nội, nói về những bức tranh AI.
Từ khi biết đến Midjourney vài ngày trước, Trang dành hàng giờ trên ứng dụng Discord để xem tác phẩm mà AI vẽ dựa trên câu lệnh người dùng. "Có lẽ giờ tôi không cần học vẽ nhiều nữa, mà sẽ học tiếng Anh bởi chỉ cần mô tả là có thể ra những bức tranh ấn tượng", Trang nói vui.
Midjourney đang trở thành từ khóa "hot" trên nhiều hội nhóm về thiết kế. Công cụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo này ra mắt từ năm 2021, nhưng rộ lên thời gian gần đây khi cho phép tạo tranh miễn phí. Để sử dụng, người dùng cần có tài khoản và tham gia cộng đồng trên Discord của Midjourney. Mỗi tài khoản được dùng miễn phí 25 lần, sau đó phải trả phí 10-30 USD mỗi tháng tùy tần suất, tốc độ.
Để vẽ tranh, người dùng chỉ cần nhập câu mô tả ý tưởng của mình kèm câu lệnh /Imagine. Mô tả này bằng tiếng Anh, có thể dưới dạng văn nói hoặc các cụm từ rời rạc, không cần đúng cấu trúc. Ví dụ: /Imagine neon lights, a girl with book, stones, sky in night with moon (ánh sáng neon, một cô gái với quyển sách, các viên đá, bầu trời có ánh trăng).
Hệ thống hoạt động dưới dạng một chatbot sẽ "đáp lại" bằng bốn bức tranh theo bốn kiểu khác nhau. Sau đó, người dùng có thể chọn một bức và phát triển thêm các chi tiết, tạo biến thể mới cũng như chọn độ phân giải. Tùy thuộc độ phức tạp của ý tưởng được mô tả, thời gian AI "sáng tác" có thể diễn ra ngay lập tức hay sau vài chục giây.
Dưới vai trò một người làm trong ngành thiết kế đồ họa, Lê Trang đánh giá kết quả mà AI của Midjourney khá sát với câu lệnh đưa ra, nhưng không phải lúc nào cũng khiến người dùng thấy ưng ý. "Tuy nhiên, việc khó đoán trước kết quả chính là điều thú vị của công cụ này", Trang nói.
Hạn chế của Midjourney là chỉ được cung cấp qua Discord - một nền tảng cộng đồng không thực sự phổ biến ở Việt Nam. "Ngoài ra, giải pháp này mới chỉ hiểu tiếng Anh, vì vậy người có vốn từ tiếng Anh càng nhiều, mô tả càng kỹ, kết quả sẽ càng sát với ý tưởng", Trang cho hay.
Bên cạnh đó, người dùng miễn phí không thể giữ bức tranh cho riêng mình, bởi mọi giao tiếp đều được thực hiện qua nhóm chat và bất cứ thành viên nào cũng có thể nhìn thấy. Trong trường hợp muốn làm việc riêng với hệ thống hoặc tăng tốc độ xử lý, người dùng có thể chọn gói trả phí.
TheoThe Verge, hiện có khoảng 10 công cụ phổ biến sử dụng AI để tạo hình ảnh, trong đó có một số công cụ chỉ cho ra những hình đơn giản, ví dụ ảnh chế hoặc ảnh bìa tạp chí. Midjourney là một trong những công cụ mới "gây sốt" thời gian gần đây.
Giải pháp này được xây dựng bởi nhóm 10 người, với nhà sáng lập David Holz, từng là tiến sĩ cơ học chất lỏng tại NASA. Ông cũng là nhà sáng lập công ty phần cứng Leap Motion trước khi rời bỏ tất cả để tập trung cho công nghệ AI. Theo Holz, công cụ này là sự kết hợp của hai ứng dụng phổ biến nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo là khả năng hiểu ngôn ngữ và tạo hình ảnh. Công cụ hoạt động dưới dạng chatbot trên Discord nên không yêu cầu bất cứ quyền và dữ liệu nào từ người dùng.
Để sáng tác tranh bằng AI, Holz cho biết dự án hoạt động trên những máy chủ có giá 20.000 USD và thời gian thuê được tính đến từng phút. "Chưa bao giờ có một dịch vụ nào cho người dùng thực hiện hàng nghìn nghìn tỷ thao tác trong 15 phút mà không cần lo về chi phí như vậy", ông nói.
Tuy nhiên, Midjourney cũng bị đặt câu hỏi về tính pháp lý, khi sử dụng "chùa" các tác phẩm nghệ thuật để làm dữ liệu đào tạo AI. Nhiều người nghi ngờ các tác phẩm mà công cụ này tạo ra được học hỏi từ ArtStation - một cộng đồng các nhà thiết kế, họa sĩ với kho tranh ảnh đồ sộ.
Hồi đầu tháng 8, nhà sáng lập Holz cho biết để xây dựng AI hoạt động như hiện tại, nhóm của ông không sử dụng tác phẩm nghệ thuật để huấn luyện, mà hoàn toàn sử dụng dữ liệu từ sở thích của người dùng trên Internet. Ông cũng cho biết nhiều họa sĩ "cảm thấy thú vị" vì tác phẩm của họ có thể truyền cảm hứng cho AI tạo ra các tác phẩm mới.
Việc hoạt động trên Discord thay vì một ứng dụng riêng, theo Holz, là cách để cộng đồng cùng đóng góp ý tưởng và tạo nên tác phẩm trong một không gian chung. Cộng đồng của Midjourney trên Discord hiện có khoảng một triệu thành viên hoạt động.
Trong phần hướng dẫn sử dụng, Midjourney cũng "cấm người dùng tạo những hình ảnh phản cảm, gây khó chịu, máu me hoặc nội dung người lớn".
Ý kiến ()