Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:04 (GMT +7)
Con người sẽ sớm được tiêm robot vào máu để chống bệnh tật
Thứ 2, 04/04/2022 | 11:23:15 [GMT +7] A A
Điều gì sẽ xảy ra nếu có một con robot ma thuật với khả năng chữa được bất kỳ căn bệnh nào? Đó là một câu hỏi ngớ ngẩn. Ai cũng biết không có cỗ máy nào làm được như vậy. Nhưng có lẽ một bầy hàng chục ngàn con bot tự động hóa siêu nhỏ có thể làm nên chuyện chăng?
Không phải ý tưởng được lấy từ tựa game Metal Gear Solid đâu, mà là viễn cảnh hoàn toàn khả thi đến từ công nghệ y khoa nanobot. Nếu như trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, những con robot kim loại tí hon thường được chế tạo nhờ một loại công nghệ thu nhỏ không khác gì ma thuật, thì công nghệ nanobot trên thực tế thú vị hơn nhiều.
Theo trang TheNextWeb, một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Úc đã phát triển được một nguyên mẫu siêu ấn tượng, phần nào cho chúng ta thấy được tương lai của ngành y khoa hiện đại.
Được gọi là “những cỗ máy phân tử tự hành”, công nghệ nano mới nói trên không dùng đến đội quân robot kim loại tí hon như truyền thống, mà chọn một hướng đi có phần tự nhiên hơn. Tài liệu của nhóm nghiên cứu cho biết: “Lấy cảm hứng từ sinh học, chúng tôi đã thiết kế và tổng hợp một cơ quan thụ cảm origami DNA, có khả năng tương tác đa trị để hình thành nên những tổ chức phức tạp ổn định, và còn có thể nhanh chóng tạo thành những nhóm con nữa”
Nanobot DNA là những cỗ máy nhân tạo kích thước tính bằng nanomet, cấu thành từ DNA và protein. Chúng có khả năng tự hành bởi bản thân DNA đã là một cỗ máy với cơ chế tự lắp ráp.
DNA tự nhiên của chúng ta không chỉ mang mã sinh học, mà còn biết khi nào cần thực thi mã đó. Đó là một phần của lý do tại sao chân trái và chân phải của bạn thường có xu hướng phát triển với tốc độ như nhau.
Những nghiên cứu trước đây trong lĩnh vực công nghệ nano DNA đã cho thấy những cỗ máy tự lắp ráp có khả năng truyền tải mã DNA, giống như DNA tự nhiên vậy.
Nhưng công nghệ mà các nhà khoa học Úc phát triển được thì không giống bất kỳ thứ gì chúng ta từng chứng kiến trước đây.
Theo báo cáo nghiên cứu: “Chúng tôi sử dụng cơ quan thụ cảm origami DNA để biểu diễn quá trình tương tác ổn định, trong đó có hoạt động trao đổi cả DNA lẫn các nhóm con protein một cách nhanh chóng, qua đó làm nổi bật khả năng áp dụng của phương pháp tiếp cận của chúng tôi đối với bất kỳ nhóm phân tử nào...”
Những nanobot đặc biệt nói trên có thể truyền tải nhiều thứ hơn, chứ không chỉ dừng lại ở thông tin DNA. Về lý thuyết, chúng có thể phân phối bất kỳ chuỗi protein nào xuyên suốt một hệ thống sinh học được chỉ định.
Nói một cách đơn giản: chúng ta sẽ có thể lập trình những đàn nanobot để săn lùng vi khuẩn, virus, và tế bào ung thư trong cơ thể mình. Mỗi thành viên của đàn nanobot có thể mang theo một protein cụ thể, và khi chúng tìm thấy tế bào lỗi, chúng có thể sắp xếp protein của mình thành một đội hình để xóa sổ mối đe dọa.
Điều đó giống như sở hữu một đội quân robot sát thủ siêu đẳng, trôi nổi trong dòng máu, săn lùng quái vật để tiêu diệt vậy.
Dù để đến được lúc đó vẫn còn khá xa, nghiên cứu này thực sự là một bước nhảy vĩ đại đến tương lai. Đây là lần đầu tiên một nanobot DNA có khả năng mang một gói hàng bất kỳ!
Các nhà khoa học thậm chí có thể sử dụng những nanobot này để chế tạo những vật liệu thông minh, có khả năng tự động phản ứng trước áp lực - giống như quần áo hay cửa kính tự sửa chữa vậy.
Và có lẽ thú vị nhất là trong tương lai xa, chúng ta có thể chế tạo được những máy tính phân tử hoạt động hoàn hảo bằng các nanobot DNA.
Trong một hoặc hai thế kỷ tới, mọi con người sẽ có những hệ thống máy tính phân tử bên trong cơ thể. Những cỗ máy sống đó về cơ bản sẽ xây dựng và kiểm soát các “nhà máy sinh học” trong cơ thể, nhằm chế tạo ra đội ngũ nanobot sát thủ từ protein mà chúng ta tiêu thụ. Chúng sẽ giúp chúng ta tránh mọi bệnh tật trong suốt cuộc đời mình.
Phần hay ho nhất là: những máy tính này sẽ có tính bảo mật hoàn hảo. Chúng ta kế thừa chúng từ DNA của cha mẹ mình, do đó chúng sẽ giống như một phần của chúng ta, như bộ não hay trái tim vậy - hoàn toàn không cần 5G để vận hành!
Theo Vnreview
Liên kết website
Ý kiến ()