Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:20 (GMT +7)
Còn lúng túng trong thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người
Thứ 7, 08/06/2024 | 15:00:00 [GMT +7] A A
Theo đại biểu Quốc hội, thực tế hiện nay cho thấy vẫn còn nhiều khoảng trống nhất định trong việc bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua người. Do đó, rất cần có quy định cụ thể để hỗ trợ nạn nhân mua bán người trên cơ sở đáp ứng nhu cầu giới, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nạn nhân.
Xu hướng gia tăng nạn nhân nam bị mua bán người
Sáng 8/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Phát biểu ý kiến thảo luận tại Tổ 8, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật Phòng, chống mua bán người.
Đại biểu cho rằng để bảo đảm đầy đủ quyền của nạn nhân bị mua bán, Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) cần có những quy định cụ thể về cơ sở chuyên biệt để hỗ trợ nạn nhân mua bán người, dành cho nam giới và phụ nữ.
Đồng thời, có những quy định cụ thể về việc thành lập, quản lý, vận hành những cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân trên cơ sở đáp ứng nhu cầu giới, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nạn nhân và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
Theo đại biểu, thực tế hiện nay cho thấy vẫn còn nhiều khoảng trống nhất định trong việc bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ hỗ trợ giữa nạn nhân nam và nữ. Nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp nhận hỗ trợ thường chuyển đến các trung tâm bảo trợ xã hội hoặc trung tâm công tác xã hội, còn lại được tiếp nhận ở các cơ sở xã hội khác.
Ngoài ra, họ còn được tiếp nhận, hỗ trợ ở các cơ sở địa chỉ mô hình do tổ chức quốc tế hỗ trợ hoặc sự chủ động hỗ trợ của các cơ quan đơn vị, địa phương, như ở một số tỉnh có mô hình nhà nhân ái, nhà bình yên của Trung tâm Phụ nữ và phát triển.
Hầu hết các cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện việc tiếp đón nạn nhân bị mua bán không có khu vực để trợ giúp nạn nhân mua bán người chuyên biệt, hiện nay thường lồng ghép chung với nhóm đối tượng khác.
Mặt khác, theo đại biểu, các dịch vụ hỗ trợ hiện nay thường chú trọng đến việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân là nữ, những nhóm nguy cơ khác như nam công nhân, thanh thiếu niên như đối tượng đặc thù thường ít có hỗ trợ chuyên biệt. Từ đó, nhu cầu, quyền lợi chính đáng của nạn nhân nam và các đối tượng đặc thù khác dường như đang bỏ ngỏ.
Ngoài ra, qua nghiên cứu báo cáo với khoảng hơn 70% nạn nhân là phụ nữ ở độ tuổi 18-30, hiện nay từ năm 2022 đến nay, nạn nhân nam có xu hướng gia tăng, bị mua bán nhằm thực hiện vào mục đích bóc lột sức lao động.
Từ thực tế này, đại biểu đề xuất bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đoàn trong việc tham gia phòng ngừa mua bán người, cần thiết kế một điều riêng cụ thể, bởi theo bà Trang, độ tuổi hiện nay bị mua bán người thường ở nhóm tuổi trẻ, có thanh thiếu niên, nên việc tham gia, vai trò trách nhiệm của tổ chức đoàn là rất cần thiết.
Liên quan đến công tác tuyên truyền, bà Trang cơ bản thống nhất với các quy định tại Điều 7 của dự thảo luật về thông tin tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mua bán người. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng trong bối cảnh phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
“Phổ biến vẫn là lừa tìm việc làm theo hình thức việc nhẹ, lương cao, môi giới lấy chồng nước ngoài, mua bán nội tạng, mua bán trẻ em… Đây là những nguyên nhân khiến cho một bộ phận phụ nữ, trẻ em dễ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người”, bà Trang nói.
Nữ đại biểu cũng đề nghị các cơ quan trực tiếp làm công tác này cần tập trung mạnh mẽ vào tuyên truyền đối với các nhóm có nguy cơ cao trở thành nạn nhân.
Đồng thời, trong quá trình cụ thể hóa thi hành luật cần quan tâm việc lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, lứa tuổi cũng như địa bàn tuyên truyền.
Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, những dấu hiệu nguy cơ trở thành nạn nhân và phương thức phòng tránh tội phạm mua bán người.
Đề xuất bổ sung quy định hành vi mua bán thai nhi cũng là một hành vi mua bán người
Tham gia góp ý dự thảo Luật, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) đề nghị đây là lĩnh vực rất phức tạp nên cần có những quy định rất rõ và sát thực tiễn.
Đại biểu cho rằng có nhiều khái niệm trong dự thảo luật còn chung chung. Về khái niệm mua bán người quy định: “Mua bán người là việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác bằng cách sử dụng vũ lực, đe dọa lừa gạt và các thủ đoạn khác”.
Theo đại biểu, trong khái niệm trên có nhiều khái niệm về “mục đích vô nhân đạo khác”, “lừa gạt bằng thủ đoạn khác”. Đại biểu đề nghị làm rõ “khác” này là gì và đã thể hiện được hết thực trạng hiện nay hay chưa.
Đại biểu Hạnh cũng bày tỏ sự băn khoăn hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ, cũng như nhiều vấn đề liên quan đến thai nhi, tình trạng mang thai hộ không chính đáng… Đối với những hành vi này, đại biểu cho rằng cần phải xử lý nghiêm minh.
“Tôi đề nghị ban soạn thảo xem xét, bổ sung hành vi mua bán thai nhi cũng là một hành vi mua bán người để có căn cứ, xem xét xử lý trách nhiệm hình sự”, nữ đại biểu nêu ý kiến.
Bày tỏ thống nhất với ý kiến của đại biểu Lý Tiết Hạnh về việc chưa quy định về đối tượng “mua bán thai nhi trong bụng mẹ”, đại biểu Đào Chí Nghĩa - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ cho hay, trong giai đoạn hiện nay cũng đã có những vụ án liên quan đến vấn đề mua bán thai nhi, biến tướng trong việc mang thai hộ.
Nhấn mạnh đây là hành vi rất nguy hiểm, do đó đại biểu cho rằng cần phải được cân nhắc đưa vào hành vi nghiêm cấm.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm hình thức trong thủ đoạn mua bán người đó là việc lợi dụng nhận nuôi con nuôi.
Cũng liên quan các hành vi bị nghiêm cấm, Khoản 2 quy định “2. Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác”. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung cụm từ “hỗ trợ, tiếp sức” vào sau cụm từ chuyển giao để thể hiện tính bao quát của các hành vi phạm tội.
Về thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung đối tượng cần tuyên truyền sâu, rộng, thường xuyên đó là vùng đồng bào người dân tộc thiểu số.
Theo đại biểu, hiện nay, một bộ phận người dân tộc thiểu số ở nước ta do cuộc sống còn khó khăn nên việc nắm bắt, hiểu biết kiến thức pháp luật còn hạn chế, chưa hiểu rõ các thủ đoạn của tội phạm nên dễ trở thành nạn nhân và tội phạm mua bán người.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()