Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:12 (GMT +7)
Còn ít phim truyện hay về đề tài miền núi và dân tộc thiểu số
Thứ 4, 06/04/2022 | 14:00:09 [GMT +7] A A
Đã lâu, điện ảnh Việt thiếu vắng phim truyện hay về miền núi và dân tộc thiếu số - một mảng đề tài quan trọng. Kể từ sau bộ phim truyện điện ảnh gây nhiều ấn tượng như “Chuyện của Pao”, “Đỉnh núi mờ sương”, “Tình thắm Sa Pa”...
Số lượng ít nhưng dư âm đọng lại
Nhìn lại quá khứ, điện ảnh Việt Nam từng có những phim hay về miền núi và dân tộc thiểu số, trong đó có cả những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt. “Vợ chồng A Phủ” được chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài, do đạo diễn Mai Lộc cầm chịch với các nghệ sĩ Trần Phương, Đức Hoàn thể hiện hai vai chính A Phủ và Mỵ.
“Chom và Sa” của đạo diễn Phạm Kỳ Nam với sự tham gia của các diễn viên Lê Vân, Nguyễn Đăng Khoa, NSƯT Đào Bá Sơn...
Phim “Cô gái vùng cao của đạo diễn: Nông Ích Đạt, với các diễn viên: Tố Uyên, Đành Tấn, Nguyễn Đức...
“Trở về Sam Sao” của đạo diễn:Xuân Chân, Dân Thanh với các diễn viên: Phương Thanh, Thế Anh, Đăng Khoa...
“Đất nước đứng lên” của đạo diễn Lê Đức Tiến, diễn viên: KSo Nham, Y Panh…
Phim về đề tài đương đại, có “Chuyện của Pao” là 1 phim tâm lý về cuộc đời của một cô gái người Mông tên là Pao, được chuyển thể từ truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của nhà văn Đỗ Bích Thúy có cách dựng phim độc đáo, và câu chuyện có nhiều chi tiết hay, giàu cảm xúc. Đây cũng là phim có sự gắn kết của cặp bài trùng thuở nào Ngô Quang Hải (đạo diễn) và Đỗ Thị Hải Yến (diễn viên). Phim được coi là diễn tả khá chân thực cuộc sống với niềm vui, nỗi bất hạnh và khát khao hạnh phúc, tình yêu đôi khi được giấu kín trong lòng nhưng vẫn âm ỉ cháy của người đàn bà vùng cao.
Ngoài ra, một số phim khác do Cục Điện ảnh đặt hàng và sản xuất như “Tình thắm Sa Pa” (đạo diễn Hoàng Thanh Du), “Đỉnh núi mờ sương” (đạo diễn Vũ Đình Thân), “Tình yêu Seo Ly” (đạo diễn Trần Quốc Dũng) và “Chim phí bay về cội nguồn” (đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo)... cũng góp thêm vào đề tài miền núi và dân tộc thiểu số với những mảng màu đa dạng.
Bên cạnh mảng phim truyện điện ảnh thì phim truyền hình “Đàn trời” (36 tập) của đạo diễn Bùi Huy Thuấn thể hiện cuộc chiến chống tham nhũng của các nhà báo ở đài Phát thanh - truyền hình tỉnh Bình Lãng (một địa danh hư cấu) xung quanh Chương trình 135 ở một vùng nông thôn miền núi...
Quan tâm nhiều hơn tới nhu cầu của đồng bào thiểu số
Trong hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 29.3.2022, khi góp ý về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) nêu lên thực trạng trong những năm gần đây, mảng phim về dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng thiếu vắng, khiến cho sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các miền ngày càng lớn, làm cho đời sống tinh thần của đồng bào đã khó khăn lại càng thêm khó khăn. Theo báo cáo tổng kết 14 năm thi hành Luật Điện ảnh, từ năm 2015 đến năm 2020, chỉ có 45 phim truyện video và chương trình phục vụ đồng bào miền núi được Cục Điện ảnh đặt hàng. Như vậy, trung bình chỉ 7, 8 phim và chương trình 1 năm.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc mới đây, lãnh đạo Đảng đã xác định 2 quan điểm quan trọng. Tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng văn hóa của người dân các dân tộc, các vùng, miền. Trong dự thảo Luật đã có một số quy định về điện ảnh cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, như tại Điều 5 và Điều 23 nhưng mới chỉ giới hạn trong việc đưa phim đến người xem. Mà chưa có các quy định cụ thể, đầy đủ nhằm phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng như điện ảnh, công nghiệp điện ảnh phục vụ cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với các quy định cụ thể hơn, bảo đảm tính khả thi hơn để đồng bào vừa là chủ thể tham gia, vừa là đối tượng được hưởng thụ từ hoạt động điện ảnh.
Để phim đúng và hay
Rõ ràng, không những cần tăng về số lượng mà cả về chất lượng của các phim về đề tài miền núi và dân tộc thiểu số ngày càng phải nâng lên.
Trước hết, để mỗi bộ phim về đề tài này được bà con đón nhận nồng nhiệt, phim phải đúng - tức là chân thực về cuộc sống của đồng bào, để bà con nhận ra chính mình trên phim. Từ trang phục, tiếng nói, chữ viết, đặc biệt là tác phong lao động, sinh hoạt và khẩu ngữ hàng ngày. Đã có một số phim, diễn viên người Kinh nhập vai người thiểu số chưa thuyết phục do cách nói năng, ứng xử chưa đúng, nếp sống chưa đúng với phong tục tập quán của bà con. Ngay cả phim khá thành công như “Chuyện của Pao”, diễn viên Đỗ Hải Yến dù nhập vai đạt nhưng vẫn bị “chê” là mặt diễn viên đẹp quá so với nhân vật.
Muốn có phim về dân tộc thiểu số hay, trước hết đòi hỏi phải có kịch bản hay. Tác giả là người miền xuôi thì rất cần “đi thực tế” để sáng tác, nằm vùng ăn, ở với bà con còn nếu chỉ “thực tế” qua Internet sẽ khó đầy đủ để có những chi tiết sống động khi viết. Có kịch bản hay lại cần đạo diễn giỏi và hơn thế một tình yêu với vẻ đẹp hoang sơ của miền núi, và sự đa dạng trong văn hóa các dân tộc vùng cao để có thể thẩm thấu những ý tưởng thú vị và dồn mọi tâm huyết khi làm phim.
Một điều đáng mừng là trong một số phim về đề tài miền núi đã có những hình ảnh đẹp mênh mang, có chút kỳ ảo, huyền bí về vùng đất đó, để quảng bá du lịch. Điển hình như “Chuyện của Pao” khi một số bối cảnh quay trong phim đã thành điểm “check in” của quần chúng.
Bởi thế nếu khai thác tốt đề tài miền núi và dân tộc thiểu số, điện ảnh Việt sẽ có thêm nhiều phim hay, hấp dẫn khán giả cả nước và hoàn toàn có khả năng “đem chuông đi đấm xứ người” thành công. Tại sao không?
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()