Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:36 (GMT +7)
Coi trọng phát triển đội ngũ cán bộ nữ
Thứ 5, 20/10/2022 | 08:34:46 [GMT +7] A A
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nhận và khẳng định phụ nữ có vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mỗi giai đoạn, phụ nữ luôn ra sức phấn đấu góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân làm nên thắng lợi, đưa non sông gấm vóc Việt Nam thêm tốt đẹp, rực rỡ. Vì vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng phụ nữ nói chung, cán bộ nữ nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là công việc gốc của Đảng để phát huy vai trò, năng lực của họ đối với sự phát triển của xã hội... Thấm nhuần quan điểm của Người, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, thực hiện bình đẳng giới trong công tác cán bộ nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ nữ trên mọi lĩnh vực, đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương.
Thời gian qua, Quảng Ninh đã dành nhiều quan tâm đến công tác cán bộ nữ. Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Luật Bình đẳng giới và công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và thực hiện Chương trình công tác Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh hằng năm.
Cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương về công tác phụ nữ, tỉnh chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến công tác phụ nữ và công tác cán bộ nữ, trong đó quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, đánh giá, quy hoạch, bồi dưỡng, tạo nguồn, thực hiện luân chuyển, bố trí cán bộ nữ vào các vị trí để rèn luyện, đào tạo từ thực tiễn; quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ nữ giữ chức danh lãnh đạo trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp; chế độ, chính sách đặc thù cho cán bộ nữ theo từng giai đoạn; phê duyệt các dự án, phân bổ nguồn vốn liên quan đến các hoạt động phát triển của phụ nữ...
Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo lồng ghép mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp về bình đẳng giới, nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ, hướng tới bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ trong các lĩnh vực đời sống, việc làm. Trong đó, chú trọng thực hiện bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm. Đối với các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Đối với công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp, Tỉnh uỷ cũng ban hành kế hoạch và hướng dẫn tổ chức đại hội, quy định về cơ cấu cấp uỷ theo quy định của Trung ương và định hướng cơ cấu ban thường vụ cấp uỷ nhất thiết phải có nữ, tỷ lệ nữ trong quy hoạch cấp uỷ, ban thường vụ cấp ủy và tập thể lãnh đạo chính quyền các cấp.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC chất lượng cao cũng được tỉnh quan tâm, trong đó có nhiều chính sách dành cho cán bộ nữ, như nữ thuộc đối tượng đặc thù, điều kiện cử đi đào tạo sau đại học có thời gian công tác từ 3 năm trở lên kể từ khi có quyết định tuyển dụng (quy định là 5 năm trở lên); nữ được hưởng mức trợ cấp hằng tháng bằng 1,5 lần so với nam. Nếu đang nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi, được trợ cấp thêm 0,5 lần mức lương tối thiểu chung/tháng học. Nữ CBCCVC công tác tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn được hưởng mức trợ cấp hằng tháng bằng 2,25 lần so với mức trợ cấp hằng tháng quy định chung đối với nam giới…
Bên cạnh đó, các đơn vị trong tỉnh cũng chủ động phối hợp rà soát, đánh giá việc triển khai các cơ chế, chính sách, kế hoạch phát triển KT-XH lồng ghép các yếu tố về giới; đồng thời điều chỉnh, ban hành cơ chế, chính sách mới nhằm đảm bảo thúc đẩy bình đẳng giới vào chương trình phát triển bền vững đến năm 2030 của tỉnh Quảng Ninh. Các ngành, địa phương cũng lồng ghép mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp thực hiện bình đẳng giới trong kế hoạch của đơn vị, địa phương hằng năm và theo từng giai đoạn; lồng ghép trong các đề án, chính sách về bảo trợ xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, dạy nghề, việc làm, phòng chống tệ nạn xã hội, hỗ trợ giáo dục, y tế, trợ giúp pháp lý… Đồng thời, quan tâm bố trí kinh phí triển khai các mô hình, hoạt động bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phu nữ từ tỉnh đến cấp huyện…
Hiện tỉnh đang tập trung xây dựng đề án "Phát triển đội ngũ cán bộ KHCN, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số"; nghiên cứu, triển khai thực hiện thí điểm các mô hình rèn luyện, đào tạo lãnh đạo nữ trẻ đối với CBCC và sinh viên; rà soát, xây dựng quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2025-2030 (2026-2031) đảm bảo tỷ lệ nữ trong quy hoạch... Ngoài ra, tỉnh cũng xây dựng phần mềm thu thập cơ sở, dữ liệu thông tin về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; hướng dẫn cài đặt, nhập dữ liệu cho cán bộ cấp huyện; tập huấn, hướng dẫn các đơn vị, địa phương đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu bình đẳng giới…
Đến nay, tỷ lệ cán bộ nữ của tỉnh được bố trí vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo quản lý trong cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Tính đến tháng 7/2022, số cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý là 71/363 đồng chí, chiếm 19,56%. Trong 2 nhiệm kỳ qua, Quảng Ninh có tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, đại biểu HĐND nữ cao hơn quy định. Trong đó, nữ cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 ở cấp cơ sở chiếm 25,2%, cấp huyện chiếm 19,08% và cấp tỉnh chiếm 17%. Nhiệm kỳ 2020-2025, nữ cấp ủy cấp cơ sở chiếm 29,3%, cấp huyện chiếm 22% và cấp tỉnh là 17%. Nữ đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 cấp cơ sở chiếm 33,43%, cấp huyện chiếm 31,33%, cấp tỉnh chiếm 36%. Nhiệm kỳ 2021-2026, cấp cơ sở là 36%, cấp huyện là 34% và cấp tỉnh là 40,9%...
Gánh vác nhiều trọng trách, đội ngũ cán bộ nữ luôn nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, cùng với tập thể lãnh đạo các đơn vị, địa phương bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, kịp thời lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Gần 3 năm qua, dưới tác động tiêu cực của dịch Covid-19, phụ nữ trong tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, nỗ lực cống hiến trên mọi lĩnh vực, góp phần chung tay cùng tỉnh giữ địa bàn an toàn, ổn định, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()