Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:31 (GMT +7)
Coi trọng phát triển đảng viên mới
Thứ 2, 22/10/2012 | 05:47:11 [GMT +7] A A
Phát triển đảng viên mới là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng đảng, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, quyết định sự tồn tại, phát triển của Đảng ta. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Nếu Đảng ta không biết chọn lọc, kết nạp, đề bạt đồng chí mới thì đâu có như ngày nay”. Người vạch rõ tính tất yếu, yêu cầu, phương châm, phương pháp của công tác phát triển đảng là: “Để làm tròn nhiệm vụ rất nặng nề nhưng rất vẻ vang… Đảng phải phát triển tổ chức của mình một cách thận trọng, vững chắc và rộng rãi trong quần chúng”. Các Nghị quyết Đại hội Đảng cũng luôn nhấn mạnh đến công tác này. Đặc biệt, Chỉ thị 51-CT/TW, ngày 21/1/2000 của Bộ Chính trị BCH T.Ư Đảng (khóa VIII) đã chỉ rõ: “Kết nạp đảng viên là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, có tính quy luật trong công tác xây dựng Đảng cũng như trong quá trình phát triển, hoạt động lãnh đạo của Đảng, nhằm tăng thêm sức chiến đấu và bảo đảm sự kế thừa, phát triển của Đảng”.
Thực tế hơn 80 năm qua, nhờ làm tốt công tác phát triển đảng viên, Đảng ta đã không ngừng lớn mạnh, từ chỗ chỉ có hơn 5.000 đảng viên trước khi giành chính quyền, Đảng ta đã phát triển lên hàng triệu đảng viên, với hàng vạn cơ sở đảng, đủ sức lãnh đạo quân và dân ta làm nên những thắng lợi thần kỳ, đánh đổ những tên đế quốc, thực dân đầu sỏ, hùng mạnh nhất của thời đại, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn trong công tác phát triển đảng, ở một số địa phương, đơn vị công tác này chưa được quan tâm đúng mức. Thậm chí có những chi, đảng bộ do quá “tuyệt đối hóa” tiêu chuẩn đảng viên nên nhiều năm gần như “đóng cửa Đảng”, cả nhiệm kỳ không kết nạp được đảng viên nào. Ngược lại, có những nơi lại chạy theo chỉ tiêu, số lượng, ít chú ý đến chất lượng nên sau khi kết nạp đảng viên mới không thật sự “tỏa sáng”, trở thành những cán bộ chủ chốt có năng lực, có phẩm chất đạo đức, tác phong gương mẫu, được quần chúng tin yêu. Nhiều đảng viên trẻ vẫn chưa phát huy hết vai trò xung kích, mới chỉ “làm nền” cho các cuộc hội họp, bỏ phiếu… thậm chí có người còn mau chóng lụi tàn, phải xóa tên khỏi tổ chức Đảng. Thực tế hiện nay nhiều tổ chức cơ sở đảng không phát huy được vai trò hạt nhân lãnh đạo, mất sức chiến đấu cũng một phần do kết nạp những đảng viên chưa đủ tiêu chuẩn, biết đúng không ủng hộ, biết sai không dám đấu tranh ‘Mười rằm cũng ư, mười tư cũng gật”.
Rõ ràng nếu phát triển đảng viên mà không bảo đảm chất lượng là điều rất nguy hiểm. Bác Hồ đã từng cảnh báo: Đảng mạnh không phải chỉ do số lượng đảng viên quyết định; số lượng đảng viên chỉ trở thành sức mạnh một khi nó đạt những yêu cầu về chất lượng. Theo Người, nếu không quán triệt và thực hiện đúng đắn vấn đề có tính nguyên tắc đó, thì dù có kết nạp được nhiều đảng viên, dù số lượng đảng viên tăng, vẫn không làm cho tổ chức đảng mạnh lên mà trái lại có khi còn làm cho tổ chức đảng trở nên lỏng lẻo, biến Đảng thành câu lạc bộ, không làm tròn vai trò người lãnh đạo. Do vậy, Người luôn nhắc nhở: “Đảng không phải chỉ cần số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên”.
Xã hội càng phát triển, càng đặt ra những yêu cầu cao đối với công tác xây dựng đảng, trong đó có công tác phát triển đảng viên mới. Nói cách khác, công tác phát triển đảng viên mới là một khâu quan trọng trong việc xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Do đó, cần phải làm thật tốt công tác này để làm sao Đảng ta thật sự thu hút được những người ưu tú nhất, tiêu biểu nhất về phẩm chất, năng lực, trí tuệ trong giai cấp công nhân, nông dân, trí thức và các thành phần xã hội khác. Chỉ có kết nạp được những người như vậy, Đảng ta mới có đủ uy tín, năng lực, trí tuệ để lãnh đạo cách mạng.
Để công tác phát triển đảng thật sự có chất lượng, các cấp ủy, tổ chức đảng cần phải thực hiện tốt nhiều khâu, nhiều bước theo một qui trình chặt chẽ, nghiêm túc: từ tuyên truyền, giáo dục, tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đến giúp đỡ đảng viên dự bị trở thành đảng viên chính thức, trong đó khâu tạo nguồn, bồi dưỡng đối tượng kết nạp đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì chỉ có tạo nguồn, bồi dưỡng tốt thì mới bổ sung được cho Đảng những người ưu tú nhất, tiêu biểu nhất, góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo, uy tín và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Ngược lại, nếu làm không tốt, không chỉ triệt tiêu tính tích cực phấn đấu của quần chúng mà tổ chức đảng, đảng viên sẽ mắc bệnh hẹp hòi, cầu toàn hoặc tùy tiện hạ thấp tiêu chuẩn và điều kiện của người vào Đảng, gây tác hại nhiều mặt, làm cho công tác phát triển đảng viên không thực hiện được yêu cầu đề ra. Do vậy, các tổ chức đảng cần chủ động có kế hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng đối tượng kết nạp đảng; phân công cấp ủy viên, các đoàn thể theo dõi, giúp đỡ và giao chỉ tiêu cụ thể về phát triển đảng viên cho từng chi bộ. Hằng năm lấy kết quả công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên ở cơ sở làm căn cứ tính điểm thi đua khen thưởng cuối năm. Mặt khác, phải thông qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao và qua phong trào cách mạng của quần chúng ở cơ sở để bồi dưỡng, rèn luyện người vào Đảng. Hiện nay vai trò, trách nhiệm của đảng viên trong việc phát hiện, tạo nguồn phát triển đảng viên chưa được quan tâm đúng mức, mới chỉ dừng lại ở việc bồi dưỡng, giúp đỡ những quần chúng ưu tú theo sự phân công của chi bộ. Cần nâng cao trách nhiệm của đảng viên trong việc chủ động phát hiện, giới thiệu người vào Đảng và trách nhiệm trước chi bộ về hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng, về động cơ phấn đấu vào Đảng, về chất lượng của người vào Đảng trước khi kết nạp... Có như vậy, quần chúng mới tự giác phấn đấu, tha thiết đến với Đảng ngày một nhiều hơn.
Nguyễn Mai Thúy
(Viện KSND tỉnh)
Liên kết website
Ý kiến ()