Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:45 (GMT +7)
Coi trọng định hướng nghề nghiệp cho học sinh
Thứ 4, 14/07/2021 | 06:46:06 [GMT +7] A A
Giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh được xác định là giải pháp nâng cao chất lượng bậc học THPT và hướng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tại Quảng Ninh, những năm qua chủ trương này được tỉnh đặc biệt quan tâm, bước đầu mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Từ năm 2018, Sở GD&ĐT đã chủ động tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành Kế hoạch số 165/KH-UBND về việc triển khai Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”.
Với mục tiêu là tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác định hướng phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh.
Hàng năm, Sở GD&ĐT tích cực phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Tỉnh Đoàn tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên (HSSV), đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), phụ huynh, thông qua các hoạt đông: Ngày hội tư vấn mùa thi, ngày hội khởi nghiệp, lập nghiệp cho HSSV các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, ĐVTN có nhu cầu việc làm.
Các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh cũng tích cực kết nối với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng để hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho HSSV...
Em Phạm Xuân Cao, lớp Điện lò TC2CP K45, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, chia sẻ: "Ngay khi học xong THCS, được thầy cô, bố mẹ tư vấn, em lựa chọn học ngành Điện lò. Môi trường học ở đây rất tốt và em tin vào quyết định lựa chọn của mình".
Công tác phân luồng học sinh của tỉnh những năm qua cũng nhận được nhiều sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh. Hằng năm, tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng, mua sắm thiết bị dạy học, dành quỹ đất để quy hoạch xây dựng trường mới. Quy mô trường lớp ngày càng mở rộng, đáp ứng yêu cầu trong học tập.
Theo Sở GD&ĐT, năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 198 trường có cấp THCS, 58 trường có cấp THPT, 13 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên (GDNN&GDTX) cấp huyện, 1 Trung tâm Hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên (HN&GDTX) cấp tỉnh, 7 cơ sở GDTX tại các trường đại học, cao đẳng.
Ngành Giáo dục cũng tích cực đưa nội dung giáo dục hướng nghiệp vào chương trình học từ lớp 9 đến 12, với thời lượng 9 tiết/năm học. Riêng hoạt động giáo dục nghề phổ thông thực hiện đối với học sinh lớp 11, thời lượng là 105 tiết/năm học. Quá trình học tập của học sinh theo chương trình hướng nghiệp đã gắn liền với thị trường lao động, làng nghề, việc làm ở địa phương; thiết thực đối với việc định hướng nghề nghiệp tương lai của mỗi học sinh.
Mặc dù vậy, công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh sau THCS tại Quảng Ninh vẫn còn một số khó khăn. Hệ thống thông tin thị trường lao động còn thiếu và chậm cập nhật, chưa đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp cho học sinh; nhận thức của một bộ phận người dân đối với công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp chưa đầy đủ; tâm lý trọng bằng cấp trong việc lựa chọn tuyển dụng của nhiều ngành đã gây khó khăn cho chủ trương phân luồng học sinh sau THCS...
Được biết, giai đoạn 2021-2025, Sở GD&ĐT tiếp tục tham mưu tỉnh có thêm cơ chế chính sách phù hợp với những giáo viên tham gia công tác hướng nghiệp trong các cơ sở giáo dục.
Mặt khác, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và giáo viên về giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông; tiếp tục lồng ghép thực hiện các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình phổ thông với công tác tuyển sinh...
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()