Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:25 (GMT +7)
Cô Tô xanh rừng, xanh biển...
Chủ nhật, 26/11/2023 | 08:15:15 [GMT +7] A A
Quần đảo Cô Tô nổi tiếng với những cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, được ví như viên ngọc xanh vùng Đông Bắc. Nơi đây được các nhà khoa học đánh giá có mức độ đa dạng sinh học cao, là một trong 8 ngư trường lớn của Vịnh Bắc Bộ với nguồn lợi thuỷ hải sản phong phú, có nhiều hệ sinh thái đặc trưng như rạn san hô, rừng ngập mặn và hệ sinh thái vùng triều rạn đá, gò đồi ngầm, bãi đẻ của nhiều loài thủy sản có giá trị...
Khám phá thú vị trên rừng
Theo chân các nhà nghiên cứu của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Tài nguyên Môi trường biển (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) trong chuyến khảo sát Cô Tô dịp đầu năm nay, chúng tôi đã có những khám phá thú vị về các giá trị đa dạng sinh học của quần đảo này.
Ở trên cạn, các nhà khoa học đặc biệt chú ý tới khu rừng Chõi nguyên sinh với những cây Chõi cổ thụ cao lớn nằm trên tuyến đường ven biển tại xã Đồng Tiến. Khu vực này có hệ thảm thực vật phong phú, tạo sinh cảnh đặc sắc với một bên là rừng, một bên là bãi biển trong xanh. Nơi đây có những hàng cây phong ba lâu năm, tán xoè rộng cả chục mét, vươn mình hướng ra phía biển. Vào mùa hoa nở vào dịp cuối năm, hoa phong ba nở trắng tạo một vẻ đẹp đặc sắc cho nhiều bãi biển ở Cô Tô.
Đáng nói hơn, phong ba cũng là cây được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Theo TS Nguyễn Thế Cường, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, sở dĩ như vậy vì cây phong ba sinh trưởng ở khu vực bãi cát ven biển, những năm gần đây thì các bãi biển đa phần đều trở thành những điểm du lịch lý tưởng, dẫn đến môi trường sống của cây bị thu hẹp và có nguy cơ suy giảm, biến mất…
Cây tùng La hán Cô Tô cũng được TS Cường rất chú ý khi nghiên cứu thực vật ở vùng đảo này. Thực ra, chỉ quan sát đơn giản, chúng tôi cũng nhận ra sự phổ biến của cây tùng La hán ở Cô Tô, bởi lẽ cây không chỉ được trồng ở công viên, di tích mà còn được người dân trồng làm cảnh trong các gia đình. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của người làm khoa học như TS Cường thì ông lại bày tỏ sự lo ngại vì cây tùng Cô Tô hiện nay tương đối có giá trị (cả về kinh tế và nguồn gen bảo tồn), trước thực trạng bà con khai thác trong rừng tự nhiên thì loại cây này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên. Việc tìm kiếm cây trong rừng hiện nay rất khó khăn, chỉ tìm thấy số ít cây tái sinh…
Qua trò chuyện, chúng tôi cũng được biết, đảo Cô Tô lớn là khu vực có thành phần loài cây ngập mặn phân bố đa dạng và có diện tích lớn nhất của quần đảo Cô Tô. Thảm thực vật ngập mặn ở đây phân bố chủ yếu tại khu vực dưới đập Đồng Tiến với diện tích khoảng 80ha. Đây cũng là diện tích rừng ngập mặn tự nhiên lớn bậc nhất trong cả nước còn giữ được cho đến nay.
Các nhà khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho hay, việc nghiên cứu về đa dạng sinh học trên đảo Cô Tô thời gian qua chưa nhiều. Vì vậy, đợt khảo sát lần này được làm khá toàn diện, từ thực vật trên cạn cho tới các loài chim, thú nhỏ, các loại côn trùng, bò sát, ếch nhái và các loại thuỷ sinh ở 2 đảo Cô Tô lớn và Thanh Lân.
Qua đó sơ bộ có những phát hiện đáng quan tâm. TS Đỗ Văn Tứ chuyên nghiên cứu về các loài động vật thuỷ sinh, đã chia sẻ việc phát hiện một số loài mới ở Cô Tô. TS Lê Mạnh Hùng, chuyên gia nghiên cứu về chim hoang dã, chia sẻ về hình ảnh chú chim sẻ đồng ngực vàng và con chim diều hâu ông chụp được ở đảo.
Ông cho hay, sẻ đồng ngực vàng là loài chim di cư từ phương Bắc và chỉ có khoảng 5 chục cá thể chim này di cư tới Việt Nam hàng năm. Chim diều hâu là loài chim ăn thịt, có tính chỉ thị về môi trường, nơi nào có nhiều cho thấy hệ sinh thái nơi đó khoẻ mạnh. Diều hâu trước kia vốn rất phổ biến ở các làng quê nước ta nhưng hiện nay cũng rất hiếm hoi vì đồng ruộng sử dụng chất bảo vệ thực vật nhiều nên nguồn thức ăn của nó ít đi. Ở Cô Tô, thức ăn của diều hâu có thể chuyển sang chủ yếu là cá…
Suy giảm nguồn lợi sinh vật biển
Khác với các hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái biển là đặc trưng nổi trội của Cô Tô. Việc nghiên cứu về vùng biển này được các nhà khoa học của Viện Tài nguyên - Môi trường Biển bắt đầu thực hiện sớm, từ những năm 90 thế kỷ XX cho tới nay.
Kết quả cho thấy, nguồn lợi hải sản ở vùng biển Cô Tô khá phong phú, mức độ đa dạng loài cao khi có hầu hết các giống loài ở vịnh Bắc Bộ, với tổng số 163 loài và nhóm loài hải sản. Cùng với hàng trăm loài cá biển thì Cô Tô còn có 4 loài rùa biển, các loài thú biển mà phổ biến nhất là loài Cá heo không vây và Cá heo trắng Trung Quốc. Trong đó, có 20 loài sinh vật biển quý, hiếm, có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng nằm trong Sách Đỏ Việt Nam, Danh lục Đỏ của IUCN.
San hô ở Cô Tô được đánh giá cao. Qua trò chuyện với họ, chúng tôi được biết, vùng biển Cô Tô có nước trong và sạch là điều kiện rất thích hợp cho san hô phát triển. Tại đây từng có những rạn san hô với diện tích lớn nhất vùng biển Đông Bắc Việt Nam, được đánh giá là đẹp nhất, vô cùng phong phú với những loài quý hiếm, nằm trong Sách Đỏ Việt Nam.
Đáng tiếc là, quần đảo Cô Tô từ một khu vực có chất lượng các rạn san hô cao nhất nay đã trở thành khu vực có diện tích và độ phủ san hô sống thấp nhất Vịnh Bắc Bộ. Độ che phủ của các rạn san hô đang thấp đến mức báo động, chỉ còn khoảng 10-15%, nhiều vị trí còn dưới 5%. Các rạn san hô Hồng Vàn và Bắc Vàn từng được coi là rạn lớn nhất Vịnh Bắc Bộ với độ phủ cao trên 45% nhưng đến nay, toàn bộ đã chết hết mà chưa có dấu hiệu phục hồi. Các rạn khác ở xung quanh quần đảo Cô Tô và Thanh Lân cũng ở tình trạng tương tự...
Anh Võ Văn Sắt, người dân xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô, bày tỏ sự nuối tiếc: Tôi ra sinh sống ở Cô Tô được gần 20 năm rồi. Xưa đánh bắt thuỷ sản dễ dàng, nguồn lợi phong phú lắm, giờ suy giảm nhiều do tác hại của con người. Có một thời, người ta cứ ném thuốc nổ xuống uỳnh uỳnh để bắt cá nên thuỷ sản mới ít đi. San hô cũng thế, những bãi san hô lớn ở Hồng Vàn giờ không còn. Người dân Cô Tô giờ không khai thác vậy nữa nhưng ngư dân các vùng biển khác tới đây khai thác kiểu tận diệt thì vẫn còn…
Cơ hội nào cho phục hồi?
Không chỉ san hô mà ở khu vực bãi Hồng Vàn vào những năm 90 của thế kỷ trước, theo chia sẻ của PGS.TS Đàm Đức Tiến, Viện Tài nguyên - Môi trường Biển, cũng từng có những thảm rong mơ dày đặc như rừng. Giờ đây không còn vậy nữa nhưng khu vực Hồng Vàn vẫn là bãi rong có sinh lượng lớn, phong phú bậc nhất về thành phần loài ở vùng biển Cô Tô hiện nay.
Mặc dù bị xâm hại nhiều nhưng hiện nay qua khảo sát, các nhà khoa học cũng nhận định, một số vùng ven bờ đá của quần đảo Cô Tô vẫn còn những rạn san hô tương đối tốt, tạo vùng điều kiện để hình thành các quần xã sinh vật sống trên rạn vừa đa dạng, vừa có sinh lượng lớn, trong đó có nhiều loài giá trị kinh tế cao, quý hiếm.
TS Nguyễn Đức Thế, Viện Tài nguyên - Môi trường Biển, sau những đợt lặn khảo sát, điều tra về đa dạng sinh học ở khu vực biển Cô Tô lần này, đã chia sẻ với chúng tôi hình ảnh anh quay được về những đàn cá bơi lội trên rạn san hô. Đó là các nhóm cá thia, cá bàng chài, cá bướm… là các loài cá chỉ thị cho sức khoẻ của rạn san hô. Anh cũng cho hay, khu vực mà các dự án của tỉnh tiến hành trồng phục hồi san hô ở Cô Tô cũng có sự sinh trưởng nhất định. Đây là cơ sở để tiếp tục thực hiện các dự án bảo tồn khi khu bảo tồn biển Cô Tô – Đảo Trần có quyết định phê duyệt, đi vào hiện thực hoá…
Đây cũng là mong muốn của các nhà khoa học tham gia đợt khảo sát kể trên. Bởi lẽ, hiện nay, khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần được quy hoạch chi tiết muộn trong danh mục 16 khu bảo tồn biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Việc chậm được Phê duyệt quy hoạch, thành lập và đưa vào hoạt động đã làm cho hệ sinh thái biển tại khu vực không được quản lý chặt chẽ dẫn đến đa dạng sinh học biển, nguồn lợi hải sản và môi trường sống tại khu vực này sẽ tiếp tục bị suy thoái nghiêm trọng.
Vì vậy, việc sớm thành lập khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần là rất cấp thiết, không chỉ có ý nghĩa bảo tồn các hệ sinh thái, cải thiện sinh kế cộng đồng, phát triển kinh tế biển mà còn là cơ sở pháp lý cho bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia nơi vùng biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()