Tất cả chuyên mục

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, Cô Tô có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch. Giờ đây, cái tên Cô Tô không còn quá xa lạ với khách du lịch trên mọi miền đất nước. Điều đáng nói, khách du lịch đến Cô Tô không chỉ ấn tượng với vẻ đẹp hoang sơ, vẹn nguyên của thiên nhiên tươi đẹp ở vùng biển đảo này mà còn rất ấn tượng bởi sự thân thiện của người dân...
![]() |
Khách sạn Thái Hà, một trong những khách sạn lớn nhất ở Cô Tô, mới được đưa vào hoạt động phục vụ khách du lịch vào dịp 2-9-2014. |
Có lẽ, bất cứ ai, khi đến Cô Tô bây giờ cũng cảm nhận được sự thay đổi rõ nét nhất, đó là hoạt động du lịch. Sự nhộn nhịp, sôi động của người, phương tiện ra vào đón đưa du khách ngay từ cầu cảng Cô Tô đã minh chứng rất rõ cho sự phát triển du lịch của huyện đảo này. Trong những năm qua, lĩnh vực dịch vụ - du lịch của Cô Tô đang ngày càng được chú trọng đầu tư phát triển, từng bước khẳng định vai trò của mình trong cơ cấu kinh tế của huyện đảo. Sự thay đổi mang tính đột phá của du lịch Cô Tô đó là vào năm 2012 khi đón một lượng khách kỷ lục với 35.000 lượt, tăng gấp 4 lần năm 2011 và 10 lần so với năm 2010. Con số khách du lịch đến Cô Tô liên tục tăng theo từng năm. Năm 2014, Cô Tô đã đón 120.000 lượt khách, doanh thu hơn 180 tỷ đồng. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, Cô Tô đã đón gần 73.000 lượt khách, doanh thu từ du lịch trên 123 tỷ đồng. Đây thực sự là con số ấn tượng đối với một huyện đảo xa xôi, dân số chưa đầy 6.000 người như Cô Tô.
Theo thống kê của Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Cô Tô, tính đến tháng 6-2015, trên địa bàn huyện Cô Tô có: 103 khách sạn, nhà nghỉ với tổng số gần 1.000 phòng; 28 nhà hàng, quán ăn; 31 điểm mua sắm; 12 tàu cao tốc và 3 tàu gỗ kết nối Cô Tô với đất liền; 15 ô tô và 106 xe điện phục vụ khách du lịch trên đảo. |
Một điều rất dễ nhận thấy, khi lượng khách du lịch đến Cô Tô tăng, hệ thống cơ sở lưu trú, phương tiện đi lại phục vụ du lịch được người dân đầu tư thêm rất nhiều. Đặc biệt, từ cuối năm 2013, khi Cô Tô có điện lưới quốc gia, lượng khách du lịch ra tham quan đảo tăng nhanh kéo theo đó là dịch vụ du lịch cũng ngày càng phát triển. Đến nay, số lượng phòng nghỉ trên địa bàn huyện đã lên tới con số gần 1.000 phòng. Theo ông Dương Văn Đại, Phó Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin, so với năm 2014 chất lượng dịch vụ du lịch 6 tháng đầu năm 2015 của huyện đã được cải thiện hơn rất nhiều. Hệ thống cơ sở dịch vụ được đầu tư tăng thêm 30% so với năm 2014. Các dịch vụ vui chơi, giải trí như: Khu vui chơi thể thao dưới nước được đầu tư mới, dịch vụ xe mô tô nước được mở rộng và phát triển, dịch vụ tại các bãi biển cũng tăng; loại hình du lịch khám phá trải nghiệm như câu mực, ngắm san hô v.v.. được đẩy mạnh và thu hút đông du khách...
Nếu như, những năm trước đây, lượng khách du lịch đến Cô Tô chỉ tập trung đông vào những ngày cuối tuần, thì mùa hè năm nay, du khách đến Cô Tô dàn trải liên tục các ngày trong tuần. Ngày cao điểm có đến 18 chuyến tàu đưa khách ra vào Cô Tô, một con số kỷ lục từ trước đến nay. Đây là một tín hiệu khả quan cho ngành du lịch của huyện, doanh thu từ du lịch góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo công ăn việc làm cho một bộ phận lao động không nhỏ trên địa bàn huyện.
Sự phát triển này đã và đang khẳng định vai trò quan trọng của lĩnh vực du lịch trong cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện đảo Cô Tô đúng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cô Tô lần thứ IV (2010-2015) đã xác định: “Tập trung phát triển nhanh ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
Thu Nguyên
Ý kiến ()