Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 01:31 (GMT +7)
Kỷ niệm 61 năm ngày Bác Hồ về thăm Cô Tô 9/5 (1961-2022) Cô Tô ghi nhớ ơn Người!
Thứ 2, 09/05/2022 | 10:29:04 [GMT +7] A A
Ai đã từng đặt chân đến huyện đảo Cô Tô hẳn không thể nào quên hình ảnh của hòn đảo xanh giữa biển khơi. Đặc biệt, được đứng trước Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, thắp nén hương tưởng niệm Người, trong mỗi chúng ta đều trào dâng niềm xúc động, tự hào vô hạn, bởi đây là nơi đầu tiên và duy nhất được Bác Hồ cho phép dựng tượng khi Người còn sống.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh và thợ mỏ một tình cảm đặc biệt. Cùng với những lần về thăm, động viên, căn dặn cán bộ, công nhân ngành than, nhân dân, học sinh, bộ đội… Bác Hồ còn nhiều lần gửi thư, điện khen ngợi, hỏi thăm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc toàn tỉnh.
Riêng với những người dân Cô Tô, thời khắc lịch sử ngày 9/5/1961 luôn là một dấu mốc đầy tự hào. Giữa lúc miền Bắc đang bước đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa, miền Nam chuyển sang giai đoạn đấu tranh mới ác liệt, giữa bộn bề công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian tới thăm quân, dân đảo Cô Tô, nơi tiền tiêu xa xôi cách đất liền 60 hải lý.
Cô Tô càng vinh dự hơn khi là địa phương duy nhất trên cả nước được Bác đồng ý cho dựng tượng mình lúc sinh thời. Đây không chỉ là niềm tin yêu của Bác, của Đảng và Chính phủ dành cho đồng bào, cán bộ, chiến sỹ huyện đảo Cô Tô nói riêng, mà còn là niềm tự hào của toàn thể nhân dân các dân tộc Quảng Ninh nói chung.
Cùng với Tượng đài Bác Hồ, năm 1968 huyện Cô Tô đã xây dựng Khu di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô. Công trình được xếp hạng Di tích quốc gia vào năm 1997 và xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2022. Ngoài ra, nhiều hạng mục khác như vườn cây, ao cá cũng được huyện quan tâm đầu tư tôn tạo, thể hiện lòng thành kính của người dân trên đảo Cô Tô đối với Bác. Mỗi ngày được ngắm nhìn tượng Bác và ghi nhớ lời căn dặn của Người, đồng bào và chiến sĩ trên đảo luôn cố gắng phấn đấu lao động sản xuất, chắc tay súng để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Hơn 60 năm kể từ ngày Bác Hồ ra thăm đảo, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân huyện đảo Cô Tô luôn tự hào có Bác ở bên, luôn một lòng đoàn kết, biến tình cảm thiêng liêng, thành kính đối với Bác thành ý chí hành động thiết thực; không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong từng hành động, việc làm cụ thể để từng bước vươn lên, phát triển mạnh mẽ.
Trở lại Cô Tô vào những ngày đầu tháng 5 là chuyến đi rất ý nghĩa và đầy cảm xúc đối với các cựu học sinh lớp Y sĩ của Trường Trung cấp Y tế Quảng Ninh niên khóa 1968-1971, đặc biệt là đối với bà Trần Thị Bớt, người đã có 3 năm làm y sĩ của Bệnh xá Cô Tô (nay là Trung tâm Y tế huyện Cô Tô).
Bà Bớt nhớ lại: Cách đây 51 năm, khi mới tốt nghiệp, tôi được phân công ra đảo Cô Tô công tác. Hồi đó, để ra được đảo rất khó khăn, vất vả, phải đi gần 3 ngày mới đến nơi. Trên đảo cái gì cũng thiếu thốn. Cơ sở vật chất để khám, chữa bệnh còn rất hạn chế, cả đảo chỉ có 4 y, bác sỹ; đường xá đi lại toàn là đường đất, lầy lội... Giờ đây Cô Tô đổi khác quá nhiều so với sự tưởng tượng của tôi. Cô Tô vắng vẻ, thưa thớt ngày nào giờ trở nên sôi động, sầm uất với sự phát triển của cơ sở hạ tầng và sự nhộn nhịp của khách du lịch ra thăm đảo. Những con đường đất, những mái nhà tranh đã được thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng, nhà mái bằng kiên cố dọc theo trục đường đã được mở rộng và bê tông hóa. Cô Tô giờ đã có điện lưới, thời gian từ đất liền ra đảo đã được rút ngắn rất nhiều, chỉ hơn 1 giờ đồng hồ...
Cô Tô hôm nay đã và đang từng ngày thay da đổi thịt. Từ một huyện đảo nghèo có 2.000 dân, nhưng có tới 85% số hộ đói nghèo, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết; bệnh viện, trường học không đủ đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh, thông tin liên lạc gần như cô lập với đất liền. Đến nay Cô Tô đang trở thành một "hòn ngọc xanh" của vùng Đông Bắc Tổ quốc, điện lưới được thắp sáng đến đảo Trần, ước mơ ngàn đời của nhân dân thành hiện thực. Trình độ dân trí được nâng lên, nhân dân tiếp cận với công nghệ thông tin, đi trước đón đầu trong việc chuyển đổi số, rút ngắn khoảng cách giữa huyện đảo và đất liền...
Cô Tô bước sang một trang mới và là huyện đảo đầu tiên của cả nước được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân của huyện năm 2021 đạt 105 triệu đồng/người. Toàn huyện không còn hộ nghèo. Văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội được đảm bảo…
Ngày nay, những người dân đất Việt khi đến với Cô Tô, đứng giữa 4 bề sóng nước mênh mông, có thể cảm nhận được chiều cao, bề rộng của các tượng đài không phải bằng những con số, mà bằng tình yêu Tổ quốc và lòng tự hào dân tộc... Còn với những người sống trên đảo Cô Tô, khi ngắm nhìn tượng Bác, đồng bào và chiến sỹ nơi đây như được tiếp thêm sức mạnh để sống, học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức của Người, sẵn sàng bảo vệ, giữ gìn từng tấc đất quê hương.
Chặng đường phía trước đang mở ra cho Cô Tô nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn và thách thức. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện đảo quyết tâm đồng lòng, đoàn kết, nỗ lực xây dựng Cô Tô trở thành tiền đồn vững chắc nơi tiền tiêu Đông Bắc của Tổ quốc.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Nguyễn Việt Dũng chia sẻ: Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị toàn đảo Cô Tô quyết tâm xây dựng Cô Tô trở thành 1 trong những địa phương giàu mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng - an ninh. Trong đó, tập trung ưu tiên phát triển du lịch dịch vụ chất lượng cao; đẩy mạnh chuyển đổi số để phấn đấu là huyện đảo đầu tiên trong cả nước hoàn thành chuyển đổi số và gắn với hoạt động về du lịch, dịch vụ để phát triển kinh tế trên địa bàn. Cùng với đó, Cô Tô tập trung cho nhiệm vụ cải cách hành chính để xây dựng chính quyền phục vụ người dân, doanh nghiệp; xây dựng Cô Tô trở thành huyện nông thôn mới nâng cao vào đầu năm 2023, nhân dân khá giả và trở thành trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()