Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 17:16 (GMT +7)
Cô Tô khắc ghi lời Bác
Chủ nhật, 17/05/2020 | 21:18:44 [GMT +7] A A
Tôi trở lại Cô Tô vào một ngày sau khi lệnh giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid – 19 được nới lỏng. Lệnh giãn cách ở Quảng Ninh được nới lỏng từng bước nên từ bến cảng Cái Rồng, mỗi ngày cũng mới chỉ có 1 chuyến tàu ra Cô Tô rồi về. Chuyến đi của tôi thật ý nghĩa bởi đúng vào dịp kỷ niệm 59 năm ngày Bác Hồ đến thăm đảo Cô Tô, 9/5 (1961 – 2020).
Đúng 12h30, con tàu Mạnh Quang 886 nổ máy rời bến. Biển mùa dịch dường như cũng vắng hơn. Nắng chớm hè chói chang. Trên trời, dưới mặt biển chỉ thảng một màu xanh ngắt. Do tàu chỉ được phép chở 50% số ghế nên trong khoang rất rộng rãi. Máy điều hoà mát rượi.
Tôi vốn hay hoài cổ nên trong lúc sung sướng lại nhớ về những chuyến tàu ra Cô Tô những năm 1990. Khi ấy chỉ có tàu gỗ vừa chở khách, vừa chở hàng, ì ạch mất nửa ngày mới ra đến Cô Tô. Sợ nhất là đoạn qua Cửa Đối, gặp gió, nước triều, tàu lắc say sóng ngất ngây. Giờ thì tàu cao tốc chạy chỉ 1 giờ đồng hồ là đã tới nơi rồi.
Thị trấn Cô Tô mang dáng vóc của một đô thị. |
Chỉ sau mươi phút ngủ chập chờn, tàu đã cập cảng Cô Tô. Trời đầu chiều nắng to nhưng không gắt vì đang cơ nước triều lên, gió biển thổi lồng lộng. Cô Tô vẫn thế, rừng dương xanh ngắt vi vu những bản tình ca biển cả bất tận, bãi cát phía trước tượng đài Bác Hồ nhìn ngang từ cầu cảng trắng xoá. Những con thuyền neo bãi. Tất cả gợi một Cô Tô không gian yên bình, xinh xắn, đẹp mộc mạc như tấm lòng người dân đảo.
Đường thị trấn, bãi biển, nhà nghỉ, quán xá… vắng hiu. Có lẽ mươi năm trở lại đây, chưa bao giờ đến mùa du lịch mà Cô Tô lại vắng như năm nay. Như đoán được suy nghĩ của tôi, Thu – cô em đồng nghiệp ở Trung tâm Truyền thông – Văn hoá huyện đùa, bảo tôi: Anh ra lần này đúng dịp phòng chống dịch, ít khách nên người dân đảo đi biển đánh lưới, bắt ốc cả rồi!
Chàng Sơn là tên cổ nhất của Cô Tô được biết tới. Xưa gọi đảo là đảo Chàng Sơn. Hiện nay ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) có một xã tên là xã Chàng Sơn. Tên nôm Chàng Sơn được giải thích chàng là một dụng cụ làm nghề mộc và quả thực cho đến nay đây là một làng làm nghề mộc truyền thống nổi tiếng. Vậy đảo Chàng Sơn có phải bắt nguồn xưa kia Cô Tô cũng từng thịnh hành nghề mộc để có tên nôm như vậy?
Đại Nam Nhất thống chí từng chép năm 1838, trong khi dẹp giặc biển ngoài khơi Quảng Yên, Thự Tổng đốc Hải Yên là Nguyễn Công Trứ đã tổ chức lính thú khai hoang ở đảo Chàng Sơn, chiêu dụ dư đảng giặc được 180 tên, cho họ cày cấy đất đó, lập thành làng Hướng Hoá (thuộc châu Vân Đồn).
Như vậy, tên đảo Chàng Sơn phải có từ trước đó và nguồn gốc tên đảo vẫn còn là ẩn số. Thời gian trôi, lịch sử thay đổi, làng Hướng Hoá xưa không còn tên nữa mà tới nay thay vào đó những cái tên như Thanh Lân, Đồng Tiến, Cô Tô – tên đảo và cũng là tên thị trấn với hai xã của huyện. Đó cũng như là biểu hiện của một Cô Tô đổi mới không ngừng, xứng đáng là đảo tiền tiêu trên vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc.
Phục dựng ruộng khoai tại Công viên Tùng Cô Tô, nơi Bác đã dừng chân ngày 9/5/1961 xem Bí thư Tỉnh uỷ Hải Ninh Hoàng Chính bới thử xem khoai của bà con có tốt không. |
Chiều dịu nắng, tôi tản bước ra Khu di tích lưu niệm Bác Hồ trên đảo Cô Tô. Lòng dâng trào xúc động vì chỉ còn mấy ngày nữa là đến ngày 9/5 - ngày kỷ niệm Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô (9/5/1961). Cũng vào kỳ này năm ngoái, được cơ quan giao sưu tầm các tư liệu ảnh cho cuốn sách ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh với tỉnh Quảng Ninh”, lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với những bức ảnh quý về chuyến thăm của Bác đến Cô Tô năm ấy do Bảo tàng Hồ Chí Minh gìn giữ, bảo quản.
Nhiều bức ảnh cho đến trước khi tôi sưu tầm có lẽ chưa từng được công bố ở đâu. Hình dung lại các bức ảnh, tôi liên tưởng nơi máy bay chở Bác đỗ xuống, không khí vui mừng đón chào của quân và dân trên đảo, hình ảnh Bác mặc quần áo lụa giản dị tươi cười vẫy chào người dân, Bác cúi người bên ruộng khoai xem đồng chí Hoàng Chính, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Ninh (nay là tỉnh Quảng Ninh) bới thử xem khoai có tốt không…
59 năm đã qua, những người được đón, được gặp Bác ngày ấy hoặc đã khuất, hoặc đã chuyển đi nơi khác. Thay thế họ là lớp lớp người khác đến từ các địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Họ đã đến Cô Tô lập nghiệp, sinh ra các thế hệ và gắn bó với Cô Tô. Tuy vậy, tình cảm của Bác, lời dặn của Bác thì lan toả, như có sự thấm đượm vào tâm hồn, tình cảm mỗi người. Dường như mọi người dân Cô Tô đều thuộc sự kiện Bác Hồ đến thăm đảo ngày 9/5/1961.
Kể từ sau khi được Bác Hồ cho phép Cô Tô là nơi duy nhất dựng tượng Người khi Bác còn sống, đến nay, Khu di tích lưu niệm Bác Hồ trên đảo Cô Tô đã qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo. Vào dịp kỷ niệm 130 năm sinh nhật Bác này, 19/5 (1890 -2020), Công viên Tùng Cô Tô được huyện khánh thành, sẽ góp phần tôn vinh Khu di tích và tượng đài Người.
Những ngày này, công nhân đang hối hả hoàn thiện các công việc cuối cùng của giai đoạn I dự án. Những cây tùng do các cá nhân, đơn vị đóng góp trồng vào Công viên như hợp đất đã nhanh bén rễ nảy chồi. Đáng chú ý là gần trung tâm Công viên, chính nơi Bác dừng chân xem bới khoai ngày 9/5/1961, đơn vị xây dựng đã phục trồng 2 ruộng khoai lang.
Những khách sạn mới đang mọc lên trên con đường xuyên đảo từ thị trấn Cô Tô sang xã Đồng Tiến. |
“Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm tới đồng bào các đảo, mong đồng bào đoàn kết, cố gắng và tiến bộ”. Lời dạy ấy của Bác với quân và dân Cô Tô ngày 9/5/1961 và những tình cảm Người dành cho đảo là nguồn động viên, cổ vũ để cán bộ và nhân dân huyện đảo nỗ lực xây dựng đảo ngày càng giàu đẹp, vững chắc về an ninh quốc phòng nơi tiền tiêu của Tổ quốc.
Cô Tô đang ngày một đổi thay. Chỉ mươi năm trước, chẳng ai có thể hình dung Cô Tô sẽ có điện lưới quốc gia, 5 năm trước, giấc mơ ấy đã thành sự thật. Điện lưới đã tạo ra sức bật mạnh mẽ cho kinh tế - xã hội của Cô Tô, không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống mà lớn hơn là kích thích các ngành dịch vụ phát triển.
Nhờ du lịch, huyện đảo với gần 7.000 nhân khẩu đã thu gần 500 tỷ đồng năm 2018, năm 2019 tăng lên 700 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người/năm của năm 2018 đạt 3.350 USD thì năm 2019 tăng lên 3.850 USD. Thương mại – dịch vụ chiếm trên 60% cơ cấu kinh tế của huyện.
Đời sống người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt nhờ chuyển đổi cơ cấu lao động từ nông nghiệp, thuỷ sản ven bờ sang làm dịch vụ du lịch. Cô Tô có lẽ là huyện duy nhất trong số các huyện, thị xã, thành phố của Quảng Ninh từ năm 2018 đến nay đã không còn hộ nghèo. Huyện đã được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới (năm 2016).
Hồ nước Trường Xuân cung cấp nước ngọt cho huyện. |
Bữa tối thân mật ở Cô Tô do anh em đồng nghiệp ở Trung tâm Truyền thông – Văn hoá huyện Cô Tô tự biên, tự diễn chiêu đãi tôi thật đáng nhớ. Gỏi cá bò, cá song cuốn kèm rau thơm và lá hái trên đồi, canh cá dìa nấu kiểu thuyền chài (tức luộc cá lên, nêm bột canh và vắt chanh vào thôi) – tất cả đều là sản phẩm từ mẻ giăng lưới buổi chiều bên bãi Hồng Vàn.
Bữa cơm có khách mời là anh Đặng Quang Ngạn, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện, kiêm Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ. Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh phòng chống Covid -19, chuyện đánh bắt thuỷ sản của ngư dân, nhưng chiếm nhiều hơn cả là những câu chuyện đổi thay của Cô Tô, về một tương lai đến năm 2025, thị trấn Cô Tô sẽ được xây dựng trở thành đô thị loại IV.
Trong khi chờ đến đích, trung tâm huyện đảo đang đổi thay từng ngày. Trung tâm thị trấn và ven con đường xuyên đảo sang xã Đồng Tiến giờ có rất nhiều nhà cao tầng, các khách sạn lớn 2 -3 sao. Huyện giờ có phố đi bộ, có trung tâm thương mại khá quy mô; quán bar, nhà hàng, quán cà phê nhiều vô kể.
Ai đó đã nói Cô Tô xa nhưng giờ thực sự đã gần với đất liền. Câu nói ấy hoàn toàn đúng bởi giờ có đến mấy tuyến giao thông kết nối Cô Tô với đất liền: Từ Cái Rồng (Vân Đồn), từ Vũng Đục (Cẩm Phả) và dịp sinh nhật Bác này, tuyến tàu cao tốc Tuần Châu – Cô Tô sẽ được khai trương, kết nối thẳng huyện đảo với Hạ Long - trung tâm hành chính, kinh tế, du lịch của tỉnh.
Một Cô Tô đẹp giàu “đoàn kết và tiến bộ” chính là những gì Bác Hồ từng mong muốn, căn dặn quân và dân đảo khi Người ra thăm đảo ngọc vào ngày 9/5/1961.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()