Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:49 (GMT +7)
Cô Tô - Điểm hẹn của âm nhạc
Chủ nhật, 16/10/2022 | 14:08:56 [GMT +7] A A
Trại sáng tác âm nhạc năm 2022 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tại Quảng Ninh đã thu được 24 tác phẩm, gồm các thể loại như: 14 tác phẩm romance, 1 tác phẩm khí nhạc và 9 ca khúc. Trong số 9 ca khúc thì có 7 ca khúc viết về huyện đảo Cô Tô. Đây là một điều rất đặc biệt, chứng tỏ sức hấp dẫn của mảnh đất Cô Tô đối với các nhạc sĩ.
Trong thời gian dự trại sáng tác, các nhạc sĩ đã trao đổi về kinh nghiệm sáng tác và có chuyến đi thực tế các danh lam, thắng cảnh tại huyện đảo Cô Tô, giúp cho các nhạc sĩ có thêm nguồn cảm xúc để sáng tác thêm những ca khúc mới. Nhạc sĩ Duy Thái đến từ Hải Phòng cho ra đời ca khúc “Tuyệt vời trên đảo Cô Tô”, nhạc sĩ Đặng Hiếu Nam đến từ Ninh Bình có tác phẩm “Hát với Cô Tô”, nhạc sĩ Phạm Hữu Thắng, Công ty CP Than Cọc Sáu đã dành tặng ca khúc “Khúc hát đảo Cô Tô”, nhạc sĩ Tùng Lâm đến từ Phú Thọ với “Cô Tô ngày nắng”, nhạc sĩ Nguyễn An Hiếu có ca khúc “Dạo chơi Cô Tô cùng anh”, nhạc sĩ Hoàng Thành với ca khúc “Cô Tô hòn ngọc xanh”, nhạc sĩ Tuấn Anh với ca khúc “Cô Tô - thành phố giữa trùng khơi”, nhạc sĩ Đoàn Nguyên Hiếu với ca khúc “Cô Tô rực rỡ góc trời Biển Đông”, nhạc sĩ Văn Hạnh đến từ Hòa Bình với ca khúc “Tình yêu với Cô Tô”.
Đấy là còn chưa kể các tác phẩm âm nhạc khác cũng mang âm hưởng Cô Tô như: "Lời thương trên sóng nước" của nhạc sĩ An Hiếu, "Gió và tình yêu trên đất nước tôi" của nhạc sĩ Đoàn Nguyên Hiếu, "Biển" của Trương Văn Sơn, "Bài ca sau những chuyến đi" của nhạc sĩ Hiếu Nam và "Tổ quốc tôi" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Phượng.
Nhạc sĩ Vũ Thiết xúc động cho biết: Mỗi lần đến Cô Tô lại cho tôi một cảm xúc khác nhau, lần nào cũng vẹn nguyên tình cảm dạt dào với mảnh đất nơi đây. Chỉ mấy năm thôi huyện đảo đã thay đổi rất nhiều, cơ sở vật chất ngày càng khang trang, hiện đại hơn, đời sống của bà con nhân dân cũng tốt hơn rất nhiều. Điều tôi ấn tượng nhất khi đến Cô Tô đó là khung cảnh thiên nhiên ở đây rất tươi đẹp, từ biển trời đến những con đường với hàng phi lao xanh mát, những bờ cát trắng tinh khôi vẫn giữ được vẹn nguyên nét ban sơ. Và rung cảm lớn nhất trong tôi vẫn là hình ảnh những người dân rất thật thà, thân thiện, mến khách, tôi mong rằng nét đẹp ấy sẽ mãi mãi được vun đắp và giữ gìn thành nét đặc trưng riêng có của Cô Tô.
Đấy là đối với các nhạc sĩ ngoài tỉnh, còn với các nhạc sĩ Quảng Ninh, Cô Tô vốn là miền cảm xúc thường trực. Trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của mình, nhạc sĩ Đỗ Hoà An đã có đến 3 ca khúc viết về hòn đảo tiền tiêu Cô Tô. Đó là “Cô Tô”, “Cô Tô nhớ Bác” và “Người chiến sĩ đứng gác trên đảo Cô Tô”. Bằng ca từ và giai điệu thiết tha, sâu lắng, nhạc sĩ đã thể hiện tình yêu đặc biệt của mình với Cô Tô...
Nhạc sĩ Đỗ Hòa An nhớ lại: "Từ khi còn công tác ở Đoàn Ca múa nhạc Quảng Ninh, tôi đã có may mắn nhiều lần đến với Cô Tô. Có lần, chúng tôi ra đảo, chuyến đi kết thúc, hễ cứ bước lên tàu thì tin bão ập về, 3 lần như thế không về được đất liền. Ở trên đảo khó khăn, thiếu thốn đủ bề, gạo thiếu, thức ăn thiếu, chúng tôi phải đi câu cá, câu mực, bắt ếch để ăn mà sống qua ngày chờ bão tan. Mỗi lần trở lại, Cô Tô lại cho tôi cảm hứng rất riêng và rất đặc biệt nữa… Ca khúc “Cô Tô nhớ Bác” ra đời sau khi tôi và một số nhạc sĩ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam ở Trung ương có chuyến thực tế sáng tác ở Cô Tô và một số đảo của Quảng Ninh. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều nhạc sĩ khác đều có sáng tác về Cô Tô…".
Lý giải nguyên nhân có nhiều nhạc sĩ khác nhau viết về Cô Tô, nhạc sĩ Đỗ Hòa An cho biết: Mỗi người có một đối tượng, một hướng đi, một niềm say mê riêng khi khai thác Cô Tô. Như tôi lại thích câu hò, thích những người dân đánh cá đèn, có người thích cát biển, thích màu nước biển, thích mùa cá, hay có người lại thích khai thác hình ảnh người chiến sĩ biên phòng trên đảo. Và hơn nữa mỗi nhạc sĩ có một phong cách sáng tác, một sự thể hiện khác nhau…
Riêng nhạc sĩ Đỗ Hòa An, ông nhớ màu nước biển, màu cát vàng đảo xa ân tình, nhớ hương vị nước mắm, vị muối mặn trong gió biển, nhớ những ngư dân đánh cá. Tất cả đều được ông lồng ghép để đưa vào ca khúc của mình. Về chất liệu ông khai thác là âm hưởng dân gian trong câu hò dô huầy của vùng biển Cô Tô. Đó là câu hò cất lên từ những ngư dân khoẻ khoắn, ăn sóng nói gió, rạng rỡ và phóng khoáng nhưng cũng rất nặng ân tình. Đó là bản sắc riêng của vùng biển đảo này.
"Những cái đó gợi hứng cho tôi, thôi thúc tôi đưa vào trong bài hát. Chất liệu âm nhạc từ Cô Tô nói riêng và chất liệu âm nhạc của vùng biển đảo này nói chung có một cái gì đó rất đặc biệt, khó gọi thành lời nhưng đặc sắc và vang vọng. Khai thác âm hưởng dân gian của vùng đất đó cũng chính là nắm bắt cái tâm tình của con người vùng đất đó mà đưa vào âm nhạc. Tiếng hò trên biển mà tôi nghe được ở Cô Tô đã vang vọng trong tâm thức tôi cho đến tận bây giờ…" - nhạc sĩ Đỗ Hòa An chia sẻ.
Cô Tô là miền đất hấp dẫn với các nhạc sĩ còn là vì sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng yêu nhạc với các ca khúc. Minh chứng là những đêm nhạc vào mỗi dịp cuối tuần tại sân khấu ngoài trời dưới chân tượng Bác như “Cô Tô - Thiên đường biển đảo”, “Cô Tô vào thu” đêm nào cũng thu hút rất đông người dân và du khách. Âm nhạc còn góp phần quảng bá tiềm năng du lịch, thu hút nhà đầu tư và du khách đến với Cô Tô trong mùa thấp điểm; đồng thời tạo ra một sân chơi văn hoá lành mạnh giúp du khách có những trải nghiệm trọn vẹn khi đến với Cô Tô.
Phạm Học
- “Giải Sao Mai giúp tôi thêm tự tin theo đuổi nghệ thuật chuyên nghiệp”
- Nhiếp ảnh Quảng Ninh tại Liên hoan ảnh nghệ thuật 9 tỉnh Đồng bằng Sông Hồng
- Chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XIII năm 2022
- Ấn tượng Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Ninh năm 2022
- Đoàn Quảng Ninh đạt giải nhất Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Đồng bằng Sông Hồng
Liên kết website
Ý kiến ()