Tất cả chuyên mục

Giữa trùng khơi mênh mông, huyện đảo Cô Tô không chỉ là điểm đến du lịch hấp dẫn, mà còn là nơi ghi dấu sự tận tụy của những “chiến sĩ áo trắng” đang ngày đêm bám đảo, mang lại sự sống cho người dân. Ở nơi tưởng chừng xa xôi ấy, Trung tâm Y tế huyện Cô Tô đang từng bước khẳng định rằng khoảng cách địa lý không làm giảm chất lượng y tế.
Trung tâm Y tế huyện Cô Tô có quy mô 50 giường bệnh, 5 khoa chuyên môn, 2 phòng chức năng và quản lý 3 trạm y tế tuyến xã. Với đội ngũ 62 cán bộ y tế, trung tâm đảm nhiệm trọng trách chăm sóc sức khỏe cho hơn 6.000 cư dân địa phương và hàng trăm nghìn lượt du khách mỗi năm.
Những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh và ngành y tế, Trung tâm Y tế huyện Cô Tô đã được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, bổ sung nhiều trang thiết bị hiện đại, như máy siêu âm màu, máy xét nghiệm sinh hóa, hệ thống chẩn đoán hình ảnh… Đội ngũ y, bác sĩ thường xuyên được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, đảm bảo có thể thực hiện các ca cấp cứu cơ bản và phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp ngay tại đảo. Hiện nay, các y, bác sĩ của trung tâm đã thực hiện được phẫu thuật một số cấp cứu ngoại khoa; phẫu thuật sản khoa (chửa ngoài tử cung, u nang buồng trứng, mổ lấy thai…); nội soi tiêu hóa gây mê… Qua đó giúp giảm đáng kể tình trạng phải chuyển tuyến vào đất liền, tiết kiệm thời gian vàng cho bệnh nhân.
Bác sĩ CKI Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cô Tô là người đã gắn bó với huyện đảo hơn 15 năm, từng đối mặt với nhiều ca phẫu thuật khó quên. Trong đó, đáng nhớ nhất là ca mổ đêm 14/10/2020, khi tiếp nhận một sản phụ 29 tuần ở đảo Thanh Lân vỡ ối giữa bão lớn. Bác sĩ Dũng cùng ê-kíp đã khẩn trương thực hiện ca mổ cấp cứu và đón một bé trai nặng 1kg chào đời. “Khi nghe tiếng khóc của bé giữa đêm bão, tôi thấy mọi cực nhọc đều rất đáng giá” - bác sĩ Dũng xúc động chia sẻ.
Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, Trung tâm Y tế huyện cũng chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số. Theo đó, Trung tâm thường xuyên kết nối hệ thống khám chữa bệnh từ xa (telemedicine) với các bệnh viện tuyến trên, như Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nhờ đó, các bác sĩ tại đảo có thể hội chẩn trực tuyến, nhận hướng dẫn chuyên môn từ tuyến trên mà không cần chuyển bệnh nhân đi xa.
Đặc biệt, Trung tâm đã triển khai hệ thống bệnh án điện tử, giúp bác sĩ dễ dàng tra cứu, theo dõi tiền sử bệnh, đưa ra chẩn đoán chính xác hơn. Người dân có thể sử dụng căn cước công dân gắn chip, thẻ BHYT điện tử để làm thủ tục khám bệnh, giúp giảm thời gian chờ đợi; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt…
Cùng với việc nâng cao chất lượng điều trị, Trung tâm Y tế huyện Cô Tô cũng đẩy mạnh công tác y tế dự phòng, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng một cách chủ động. Duy trì tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 86,92%, đảm bảo đầy đủ các loại vắc xin theo Chương trình tiêm chủng quốc gia. Nhờ hệ thống giám sát dịch chặt chẽ, trên địa bàn huyện không có ca tử vong do bệnh truyền nhiễm, công tác phòng chống sốt xuất huyết, cúm mùa luôn được triển khai đồng bộ. Các chương trình quản lý bệnh không lây nhiễm, như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cũng được triển khai hiệu quả. Đặc biệt, chương trình chăm sóc SKSS giúp nhiều sản phụ trên đảo được theo dõi thai kỳ và sinh nở an toàn ngay tại địa bàn, hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng.
Cô Tô đang trở thành điểm đến hút khách du lịch với hàng trăm nghìn lượt khách mỗi năm. Điều này đặt ra yêu cầu cao hơn trong công tác y tế, đảm bảo sức khỏe cho du khách trong mọi tình huống. Huyện đã triển khai tổ cấp cứu 24/7, sẵn sàng hỗ trợ du khách khi gặp sự cố, như đuối nước, say nắng, ngộ độc thực phẩm… Ngoài ra, các cơ sở lưu trú cũng được yêu cầu trang bị dụng cụ sơ cứu cơ bản và có phương án hỗ trợ y tế khi cần thiết.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cô Tô Phạm Tiến Dũng khẳng định: Dù Cô Tô có xa đất liền về địa lý, nhưng chất lượng y tế sẽ không xa với người dân và du khách. Trong năm 2025, Trung tâm Y tế huyện tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng cường thu hút và đào tạo nhân lực, đầu tư trang thiết bị hiện đại, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Đồng thời, tiếp tục triển khai chính sách mời gọi bác sĩ về làm việc theo Nghị quyết số 28/NQ-HĐND của tỉnh. Đây sẽ là nguồn lực rất quan trọng để đơn vị tiếp tục triển khai được nhiều kỹ thuật y tế mới, nhằm phục vụ hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong thời gian tới.
Ý kiến ()