Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 07:32 (GMT +7)
Cô Tô con, ngày trở lại
Chủ nhật, 14/06/2020 | 14:23:27 [GMT +7] A A
Có ý kiến cho rằng, đến Cô Tô mà chỉ khám phá đảo Cô Tô lớn mà bỏ qua Cô Tô con thì coi như chưa đến Cô Tô. Quả thực, với riêng tôi, Cô Tô con có một hấp lực lạ kỳ, khó diễn đạt.
Đảo Cô Tô con nhìn từ trên cao. |
Nhiều du khách trong nước cứ mải mơ ước đến Hawai của Mỹ hay Phutket của Thái Lan mà quên đi một Cô Tô con chẳng kém bất cứ một thiên đường biển đảo nào. Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch, người đã có nhiều cuộc đồng hành của chúng tôi bảo ông đã đi nhiều nơi cũng đã ra Cô Tô mấy lần nhưng vẫn thấy thiếu thiếu một cái gì đó vì chưa ra Cô Tô con.
Vì vậy, lần này ra dự chương trình Chào hè Cô Tô 2020, ông quyết tâm phải ra cho bằng được hòn đảo nhỏ xinh đẹp này để kiểm chứng xem những gì du khách ngợi ca Cô Tô con đến thế. Còn với riêng tôi thì đây là lần thứ hai tôi trở lại, sau lần đến thăm Thượng úy Lê Quý Lộc, chàng "robinson giữ đảo" cách đây đã 5 năm tròn.
Từ thị trấn Cô Tô, chúng tôi di chuyển bằng ô tô đến cảng Bắc Vàn để thuê tàu sang Cô Tô con. Cùng nằm trong quần thể đảo Cô Tô lớn, Cô Tô con là một hòn đảo nhỏ, khiêm nhường với diện tích khoảng 200ha. Cô Tô con nằm ở phía Đông Bắc xã Đồng Tiến của huyện đảo Cô Tô.
Đứng từ đảo Cô Tô, chúng tôi đã có thể nhìn thấy rất rõ ràng sự hiện diện của hòn đảo xinh đẹp này trên cái màu xanh ngắt của biển trời Tổ quốc.
Một bãi tắm trên đảo Cô Tô con. |
Một ngư dân địa phương lái tàu gỗ đưa chúng tôi tới đảo Cô Tô con. Gọi là tàu cho sang chứ thực ra chỉ giống như chiếc bè mảng mỗi chuyến chở được từ 10 đến 12 người nhưng đi thuyền nhỏ kiểu này bù lại chúng tôi lại có được cái thú cảm nhận hết được sóng biển Cô Tô.
Chỉ mất 25 phút bồng bềnh trên biển là chúng tôi cập đến Cô Tô con. Anh ngư dân là chủ tàu thân thiện chỉ lấy tiền tàu của chúng tôi chưa đầy 1 triệu đồng cho cả 2 lượt đi và về.
Cô Tô con chào đón chúng tôi với nắng vàng rực rỡ. Biển gọi nắng cho cát vàng óng ánh. Biển gọi gió cho phi lao vi vu tựa như thể bản hòa ca chào mời bước chân du khách lãng du. Biển lúc chúng tôi đến sóng cũng tương đối lặng. Sóng dịu dàng không đủ để làm cho những cô gái mong manh yếu đuối nhất cũng không phải e dè, sợ sệt. Sóng mơn man những bước chân trần thiếu nữ đang nô đùa trên bờ cát.
Họa hiếm lắm mới thấy một con tàu đánh cá lạch cạch nổ máy neo đậu vào Cô Tô con. Những thanh âm của đời sống công nghiệp dường như tránh xa Cô Tô con để nhường chỗ cho sóng vỗ vào gềnh đá bờ cát, cho gió vỗ về hàng phi lao.
Du khách tham gia các trò chơi dưới nước. |
Đến với Cô Tô con, du khách sẽ có cơ hội ngắm nhìn những rặng san hô đẹp lộng lẫy. Anh Nguyễn Hải Linh, Phó trưởng Phòng VH-TT huyện Cô Tô chỉ ra hàng phao màu đỏ đang dập dềnh cùng sóng và bảo với tôi rằng, bên dưới là những rạng san hô vừa được nuôi cấy ở Cô Tô con.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện, đồng hành với chúng tôi cho biết một thông tin rất đáng mừng: Nhằm bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, cuối năm 2019, Sở NN&PTNT đã triển khai Dự án Tạo dựng bãi rạn nhân tạo vùng biển đảo Cô Tô giai đoạn 2018-2019 trên diện tích 8.700m2. Đến nay, Dự án đã tiến hành thả 500 giá thể tại 2 điểm thuộc khu vực đảo Cô Tô con và 1 điểm tại Hòn Khói thuộc xã Đồng Tiến.
Mỗi khu vực có diện tích 2.900 m2, gồm 300m2 rạn nhân tạo kết hợp trồng phục hồi san hô và 2.600 m2 rạn nhân tạo kết hợp chà nổi. Một điều rất mừng là sau thời gian tiến hành thả các khối bê tông, thiết lập rạn nhân tạo, ươm giống, hiện san hô đạt tỷ lệ sống trên 80%, phát triển tốt và đã thu hút nguồn lợi cá, giàn nuôi nhuyễn thể, tạo nơi sinh cư mới cho các loài động vật đáy có giá trị cao sinh sống.
Theo kế hoạch, tháng 12/2020, khi Dự án Tạo dựng bãi rạn nhân tạo vùng biển đảo Cô Tô giai đoạn 2018-2019 hoàn thành sẽ có gần 9.000m2 rạn san hô nhân tạo được thiết lập, tạo dựng nền tảng cho san hô phát triển, góp phần khôi phục lại sự đa dạng sinh học cho huyện đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Từ đó, tăng thêm thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương cũng như giảm áp lực lên các hệ sinh thái tự nhiên đã và đang bị suy thoái nghiêm trọng.
Nhiều du khách thích thú với vẻ đẹp hoang sơ của Cô Tô con. |
Là tôi đã đến mà còn mê thì nếu ai đó lần đầu tiên đặt chân lên đảo chắc hẳn sẽ thấy choáng ngợp với vẻ đẹp hết sức tinh khôi của Cô Tô con. Có thể người mơ mộng sẽ cảm thấy như lạc vào một chốn thần tiên nào đó trên trần gian. Tôi nhận ra sự thích thú đó ở trong đôi mắt và nụ cười đùa của những du khách phương xa.
Điều đó có được là do Cô Tô con không có người sinh sống. Môi trường trên đảo rất sạch và không khí thì vô cùng trong lành. Nước biển xanh đến nao lòng. Đến bậc thầy ngôn ngữ bút ký như nhà văn Nguyễn Tuân mà còn phải thốt lên rằng nước biển Cô Tô con xanh màu xanh "quá đáng".
Chắc hẳn Cô Tô con đẹp đến nỗi mà ngôn ngữ của họ Nguyễn tài hoa cũng đã bất lực trong việc diễn tả màu xanh của nước biển. Nước biển trong veo khiến tôi nhìn rõ từng ngón chân của mình. Du khách rất thích thú với việc tắm biển hay chụp ảnh trên bờ cát trắng mịn.
Cô bạn đồng hành của tôi vốn mê ốc nên đã nhanh tay nhặt cho mình những vỏ ốc đa dạng hình dáng màu sắc để làm kỷ niệm. Tôi lại khác, tôi thích tham quan bìa rừng xanh ngắt, hòa mình thư giãn dưới những tán cây xanh, lắng nghe những âm điệu của gió hòa vào từng kẽ lá, tiếng chim.
Tôi và chủ tàu lao vào rừng dứa dại ngắt những quả chín vàng ươm mang về. Nhưng dứa không phải là cây gây chú ý ở đây mà lại chính là phong ba và phi lao. Phi lao và phong ba đua nhau triển lãm màu xanh tự nhiên cho đảo Cô Tô con này. Độc đáo nhất ở Cô Tô con vẫn là cây thông giẻ một loại gỗ quý chuyên dùng để đóng hòm đạn và vá tàu thuyền.
Nhưng cũng chính cái hoang sơ lại làm người ta vẫn thường ví Cô Tô con tựa như một thiên đường ngủ quên, một nàng thơ còn ngủ quên giữa biển trời tươi đẹp. Vốn là người làm du lịch, ông Thanh và cộng sự không chịu đi tàu vòng quanh quan sát Cô Tô con từ xa mà nhất định phải lên đảo để khảo sát tiềm năng của mảnh đất này.
Ông Thanh và cộng sự hòa cùng nhóm du khách đã tổ chức những trò chơi team building phấn khích trên bãi biển của đảo Cô Tô con. Một cơ sở còn chuẩn bị tổ chức tiệc BBQ trên bãi biển cho du khách.
Một chỗ khác du khách lại đang chơi mô tô nước. Những điều đó làm cho dân xúc tiến du lịch như ông Thanh và cộng sự mừng thầm trong lòng về một triển vọng tươi sáng cho du lịch ở Cô Tô con.
Du khách chụp ảnh trên bãi cát. |
Cô Tô con trước đây là hòn đảo thuần quân sự, đến nay cũng mới có 7 hộ dân lên đây mở những gian hàng nhỏ bán nước và đồ ăn vặt cho du khách đến đây nghỉ chân hoặc có thể gửi trông đồ. Ban ngày các hộ dân sang đây bán hàng tối lại về bên đảo Cô Tô lớn.
Hôm tôi đến, anh Lộc, chàng "robinson ngoài đảo hoang", nhân vật của tôi cũng về đảo Cô Tô lớn để họp cơ quan Ban Chỉ huy Quân sự huyện. Không gặp anh Lộc nhưng chúng tôi vẫn được nghe kể nhiều câu chuyện về người lính lặng thầm vừa làm du lịch vừa đảm bảo nhiệm vụ canh giữ biển trời Tổ quốc.
Với chúng tôi, những người ưa khám phá và thích xê dịch kiểu Nguyễn Tuân thì có lẽ những chuyện thú vị không đầu không cuối của Cô Tô con còn dài bất tận. Nhưng chuyến hành trình thám hiểm Cô Tô con buộc phải kết thúc trước khi hoàng hôn xuống bởi nơi đây không có nhà nghỉ khách sạn cho người lưu trú. Chúng tôi cũng chẳng ai mang theo lều bạt để qua đêm cả. Vậy là phải lên tàu trở về Cô Tô lớn.
Dường như hiểu được sự lưu luyến chẳng muốn lìa xa Cô Tô con, cô bạn đồng hành đưa tặng tôi một chiếc vỏ ốc biển. Vào đến bờ, tôi đưa con ốc lên áp vào tai cho đỡ nhớ. Dường như, tiếng sóng, tiếng gió biển, tiếng phi lao vi vút ở Cô Tô con còn vang vọng bên tai, ngay trong con ốc nhỏ nhắn xinh xinh này.
Phạm Học
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()