Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 23:38 (GMT +7)
Chốn du lịch thiên đường
Thứ 2, 16/10/2023 | 16:36:01 [GMT +7] A A
Một hành trình trải nghiệm giàu cảm xúc với thiên nhiên tuyệt đẹp cùng những khung cảnh lãng mạn, nên thơ, viên ngọc xanh giữa biển trời Đông Bắc đang chờ đợi bạn đến để khám phá và trở lại.
“Nàng thơ” giữa biển biếc
Đảo Cô Tô lớn có tài nguyên du lịch còn rất nguyên sơ và đặc biệt hấp dẫn với các bãi biển tự nhiên đẹp lãng mạn. Đặc biệt là hệ sinh thái biển với các loài sinh vật biển quý hiếm, cùng nguồn hải sản với trữ lượng cao, có các bãi san hô đẹp và là nơi thích hợp nuôi cấy ngọc trai.
Cùng với đó là những cánh rừng nguyên sinh với nhiều loài cây quý và động vật phong phú. Đảo còn có khoảng 2.000ha rừng với những cánh rừng nguyên sinh thơ mộng và thư thái, bình yên, là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật, chim muông hoang dã, mở ra tiềm năng hấp dẫn trong phát triển du lịch khám phá.
Đảo Cô Tô lớn đang khai thác hiệu quả các tiềm năng về cảnh quan, môi trường để hình thành các tuyến điểm tham quan trên đảo, như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt tượng đài Bác Hồ, nhà lưu niệm Bác Hồ, các bãi biển Hồng Vàn, Vàn Chảy, rừng cây nguyên sinh, cảng quân sự Bắc Vàn, ngọn hải đăng, bãi đá Móng Rồng, đê chắn sóng Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc Vịnh Bắc Bộ.
Huyện cũng hình thành các tuyến tham quan kết nối đảo Cô Tô lớn với đảo Thanh Lân, đảo Cô Tô con và một số đảo nhỏ khác; tổ chức cho du khách tham quan các bãi biển đẹp, cơ sở sản xuất, chế biến hải sản, cắm trại, tắm biển, lặn biển ở Cô Tô con và tham gia đánh cá, câu mực ở khu vực gần bờ các đảo… tiếp tục phát triển hình thức du lịch cộng đồng với sự tham gia của đông đảo người dân trên đảo.
Không tấp nập như đảo Cô Tô lớn - trung tâm huyện đảo, đảo Cô Tô con sở hữu bãi biển, cảnh quan hoang sơ. Cô Tô con không có dân cư sinh sống. Trên tàu đi ra đảo, khách du lịch có thể ngắm những rạn san hô, rong biển và cả hệ sinh thái biển đa dạng dưới làn nước trong xanh.
Đảo Thanh Lân có nhiều bãi biển thơ mộng, tự nhiên như bãi Hải Quân ở thôn 3, hay bãi Ba Châu ở thôn 1 - những địa điểm lý tưởng để khách du lịch dựng lều ngủ lại, giao lưu với các chiến sĩ hải quân trên đảo, hoặc có thể cùng với ngư dân ra biển cào ngao, bắt ốc, câu cá, câu mực, đánh hà, kéo lưới, tự chế biến và thưởng thức những đặc sản từ biển.
Hệ thống lưu trú du lịch, giao thông ra đảo đã phát triển, thuận tiện hơn. Để ra đảo Cô Tô, trước đây chỉ có tàu cao tốc tại cảng Vân Đồn, cảng Vũng Đục thì nay đã có thêm tàu cao tốc 5 sao tại Cảng Tuần Châu. Mới đây đã có thêm đường bay thủy phi cơ trực tiếp từ Tuần Châu ra Cô Tô, chỉ hơn 20 phút bay là đã ra đến đảo, rất thuận tiện cho bạn nếu muốn di chuyển từ Hạ Long và được ngắm nhìn cả một vùng biển đảo hùng vĩ từ trên cao trong suốt hành trình di chuyển.
Đô thị sinh thái biển của tương lai
Từ năm 2014 Cô Tô triển khai xây dựng các quy hoạch, nhất là Quy hoạch phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, để đáp ứng với tốc độ phát triển nhanh của huyện đảo trong giai đoạn vừa qua, Cô Tô đã được tỉnh Quảng Ninh phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000 huyện đảo Cô Tô đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu quy hoạch nhằm định hướng không gian phát triển, đưa Cô Tô thành khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao với các chức năng vui chơi giải trí tổng hợp, dịch vụ du lịch, lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp. Cô Tô sẽ kết nối với quần thể du lịch Cát Bà - Hạ Long - Vân Đồn - Cô Tô - Móng Cái qua tuyến cao tốc Hạ Long - Móng Cái; sân bay Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long tạo thành vùng kết nối du lịch.
Thời gian tới, Cô Tô được quy hoạch phát triển theo hướng bổ sung các không gian phù hợp cho bố trí một số dịch vụ du lịch mới như sân golf, các loại hình du lịch bãi biển và đặc biệt là tổ hợp vui chơi giải trí phía Đông đảo, đa dạng hoá các loại hình du lịch như khu du lịch nổi trên hồ, cung cấp dịch vụ cho khu neo đậu du thuyền cao cấp, tận dụng khu vực san hô phía Đông đảo để tổ chức các hoạt động khám phá biển.
Đồng thời, Cô Tô cũng kết nối cùng với Tuần Châu, Vân Đồn để phát triển các sản phẩm dịch vụ kinh tế ban đêm. Trong đó đầu tư khu kinh tế đêm ở quỹ đất quy hoạch phía Bắc cảng Cô Tô với các dịch vụ vui chơi giải trí đêm, dịch vụ mua sắm, ăn uống, âm nhạc đường phố và các dịch vụ hòa cùng thiên nhiên lãng mạn ban đêm tại các bãi biển…
Mục tiêu đặt ra đến năm 2030 Cô Tô đón khoảng 600.000 lượt khách và có 3.400 phòng lưu trú; đến năm 2040 đón khoảng 1,5 triệu lượt khách và có 9.400 phòng lưu trú.
Huyện cũng chủ động tổ chức các hội thảo quảng bá xúc tiến du lịch tại Hà Nội và một số tỉnh thành khác, tổ chức đoàn famtrip xúc tiến du lịch Cô Tô; duy trì tổ chức Tuần Văn hóa - Thể thao và Du lịch huyện Cô Tô hằng năm với nhiều nội dung phong phú, đưa vào một số sản phẩm du lịch mới mang nét đặc trưng của Cô Tô, thu hút được sự quan tâm và trải nghiệm của du khách trong nước và quốc tế.
Các hoạt động này sẽ góp phần rất lớn thúc đẩy phát triển ngành du lịch của địa phương, tiến tới xây dựng Cô Tô trở thành một huyện đảo có nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, hướng tới du lịch đẳng cấp cao; là đô thị sinh thái biển thông minh với kết cấu hạ tầng hiện đại, chốn du lịch “thiên đường” vùng Đông Bắc.
Xuân Hòa
Liên kết website
Ý kiến ()