PGS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Dinh dưỡng quốc gia, cho biết một phần 330ml đồ uống có đường có ga thường chứa khoảng 35 g đường, tương đương cung cấp khoảng 140 kcal năng lượng, trong khi cung cấp rất ít giá trị dinh dưỡng khác.
"Sử dụng đồ uống ngọt không hợp lý được xác định là nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì", PGS Mai nói, dẫn nghiên cứu uống một lon nước ngọt/ngày trong vòng 1,5 năm sẽ tăng 60% nguy cơ thừa cân, béo phì.
Lý do, những đồ uống này ở dạng lỏng nên được cơ thể dung nạp một cách nhanh chóng. Khi ấy, cơ thể không kịp ghi nhận lượng calo vừa nạp vào và gửi tín hiệu no đến não bộ. Vì vậy, cơ thể sẽ tiếp tục nạp năng lượng một cách không kiểm soát dẫn tới dư thừa năng lượng.
Ngoài ra, vị ngọt kích thích cảm giác thèm ăn các thức ăn ngọt, tăng cảm giác đói, giảm ngưỡng cảm giác no, nhiều carbohydrate. Vì vậy, uống nhiều đồ uống có đường thì tăng năng lượng nạp vào cơ thể, từ đó dẫn tới thừa cân, béo phì.
Lạm dụng đồ uống này còn làm tăng nguy cơ và mắc bệnh đái tháo đường type 2, rối loạn chuyển hóa, bệnh tim mạch, tăng huyết áp. Một người tiêu thụ nước ngọt thường xuyên từ 1-2 lon/ngày (hoặc nhiều hơn) có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 cao hơn 26% so với những người hiếm khi uống các loại thức uống này. Còn nếu thay thế 355ml đồ uống có đường hàng ngày bằng đồ uống khác giảm nguy cơ đái tháo đường từ 2-10%.
Bởi, đường trong đồ uống làm thay đổi quá trình trao đổi chất của cơ thể, ảnh hưởng đến insulin, cholesterol và các chất chuyển hóa gây huyết áp cao và viêm nhiễm. Những thay đổi này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường đái tháo đường type 2, bệnh tim mạch, sâu răng, hội chứng chuyển hóa và bệnh gan.
Thậm chí, tiêu thụ nước ngọt có hàm lượng đường cao và nồng độ axit có thể góp phần gây hại cho sức khỏe răng miệng.
Ý kiến ()