Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 20:07 (GMT +7)
Có thể phát hiện dấu hiệu phình động mạch não?
Thứ 4, 30/08/2023 | 10:05:21 [GMT +7] A A
Phình động mạch não nguy hiểm nếu vỡ hoặc chèn ép các tổ chức xung quanh. Khi bị vỡ phình mạch, máu chảy tràn trong não, gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh cho biết, phình động mạch não là dị dạng mạch não rất hay gặp, với tỉ lệ khoảng 3-5% dân số, nhưng không phải ai cũng cần điều trị
Theo thống kê, phình động mạch não gặp nhiều ở nữ hơn nam, tuổi hay gặp nhất là 40-60. Phình động mạch não hiếm khi gặp ở trẻ em.
Đến nay vẫn chưa xác định nguyên nhân rõ ràng gây phình động mạch não. Tuy nhiên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị phình động mạch não được ghi nhận như: chấn thương, nhiễm trùng, huyết áp cao, hút thuốc, bệnh thận. Một số ít trường hợp phình động mạch não có yếu tố gia đình.
PGS Hệ cho biết, trong trường hợp phình động mạch não bị vỡ hoặc chèn ép các tổ chức xung quanh sẽ rất nguy hiểm.
"Bởi khi bị vỡ phình mạch, máu chảy tràn trong não và người bệnh có nhiều biểu hiện như đau đầu dữ dội (chưa từng đau như vậy), nôn, buồn nôn, liệt, lơ mơ và hôn mê nếu chảy máu nhiều.
Khối phình động mạch não lớn dù không vỡ có thể chèn ép gây một số triệu chứng như: đau đầu, chèn ép dây thần kinh số III gây sụp mi mắt, chèn ép dây thần kinh số II gây mờ mắt hoặc mù… ", PGS Hệ cho biết.
Trong khi đó, hầu hết các trường hợp phình động mạch não nhỏ không gây triệu chứng gì và được chẩn đoán tình cờ khi chụp não và các trường hợp phình nhỏ đa phần không cần điều trị.
"Vì thế, khi tình cờ phát hiện phình động mạch não khi đi khám, mọi người không nên quá hoang mang, lo lắng. Bác sĩ là người xác định trường hợp phình động mạch não nào cần phải điều trị.
Thông thường, sẽ điều trị phình mạch não nếu phình động mạch não bị vỡ, khối phình to chèn ép các tổ chức xung quanh, hoặc túi phình động mạch não lớn", PGS Hệ thông tin.
Tuy nhiên, người phát hiện phình động mạch não cũng không được chủ quan mà cần thay đổi để có lối sống lành mạnh hơn, không hút thuốc, không uống rượu, không để bị tăng huyết áp, mỡ máu cao, béo phì, không tránh thai bằng thuốc ngừa thai… vì sẽ làm tăng nguy cơ vỡ khối phình mạch.
Bên cạnh đó, người được phát hiện phình động mạch não cần theo dõi định kỳ 6 tháng một lần trong những năm đầu tiên, và khám định kỳ 12 tháng một lần trong những năm tiếp theo.
"Trong trường hợp thấy khối phình to lên theo thời gian sẽ phải can thiệp. Còn nếu sau 10-20 năm, khối phình không phát triển to lên thì bệnh nhân có thể "sống chung" với bệnh một cách hòa bình và lành mạnh.
Để chẩn đoán xác định phình động mạch não, bác sĩ sẽ cho người bệnh chụp cắt lớp vi tính sọ não, cắt lớp vi tính mạch, cộng hưởng từ não, cộng hưởng từ mạch, chụp mạch máu não. Tuy nhiên, đây không phải là các phương pháp làm đại trà.
Nếu thấy đau đầu thường xuyên, có các triệu chứng như gây sụp mi mắt, chèn ép dây thần kinh số II gây mờ mắt hoặc mù... thì nên đi khám để được chẩn đoán, theo dõi phình động mạch não nếu có.
Theo dantri.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()