Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:34 (GMT +7)
Có tàu sân bay mới, Trung Quốc sẵn sàng tác chiến trên biển
Thứ 3, 07/05/2024 | 17:11:20 [GMT +7] A A
Việc thử nghiệm tàu sân bay mới tự sản xuất được cho là động thái báo hiệu Trung Quốc sẵn sàng cho việc tác chiến trên không và trên biển.
Tuần trước, tàu Phúc Kiến, tàu sân bay do Trung Quốc tự sản xuất, đã khởi hành từ xưởng đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải thực hiện nhiệm vụ thử nghiệm trên biển đầu tiên.
Theo SCMP, các nhà phân tích cho rằng việc Bắc Kinh phô trương sức mạnh hải quân là một “thông điệp gửi tới tất cả các bên” rằng nước này sẵn sàng cho việc tác chiến trên không và trên biển tại các vùng biển tranh chấp trong khu vực.
Mặc dù việc hải quân Trung Quốc đối đầu với các hạm đội liên hợp của Nhật Bản và của Mỹ sẽ là "tự sát", nhưng các cường quốc nhỏ hơn như Philippines "dù sao cũng nên cảnh giác" khi cuộc chạy đua hải quân trong khu vực ngày càng nóng lên.
Tàu Phúc Kiến, tàu lớp Type 003, có độ choán nước tối đa khoảng hơn 85.000 tấn, lớn hơn nhiều so với tàu Liêu Ninh (67.500 tấn) và Sơn Đông (70.000 tấn). Khác với hai "đồng hương" đều đang sử dụng bệ phóng máy bay kiểu "nhảy cầu" (sky jump), tàu Phúc Kiến được trang bị máy phóng điện từ cho phép tàu phóng máy bay thường xuyên hơn.
Trung Quốc đặt mục tiêu sở hữu 6 tàu sân bay vào cuối năm 2035, trở thành lực lượng hải quân lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, quốc gia hiện có hạm đội tàu sân bay gồm 11 chiếc.
Rommel Banlaoi, Giám đốc Viện nghiên cứu hòa bình, bạo lực và khủng bố của Philippines, đánh giá tàu Phúc Kiến sở hữu năng lực trên không và trên biển mạnh mẽ.
“Việc di chuyển của tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc báo hiệu cho tất cả các bên ở Biển Đông rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng cho một trận chiến. Tuy nhiên, nó cũng có thể góp phần vào hòa bình và ổn định ở Biển Đông nếu tàu sân bay có thể được sử dụng vì mục đích hòa bình”, ông Banlaoi nói với SCMP.
Khi được hỏi liệu chuyến đi của tàu Phúc Kiến có trùng với thời điểm diễn ra cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ và Philippines hay không, ông Banlaio cho biết quân đội Trung Quốc thường điều chỉnh phản ứng của mình dựa trên các sự kiện bên ngoài.
Ông nói: "Tình hình đường thủy hiện nay đang trở nên đáng lo ngại hơn vì tất cả các bên đều tăng cường hoạt động quân sự. Điều đó không tốt cho hòa bình và ổn định khu vực. Điều chúng ta cần bây giờ là giảm leo thang căng thẳng hiện nay ở Biển Đông và tiến hành nhiều biện pháp ngoại giao hơn".
Tháng 2 năm ngoái, Philippines đã bổ sung thêm 4 căn cứ mà quân đội Mỹ có thể tiếp cận theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA), nâng tổng số lên 9 căn cứ.
Tháng trước, cả Mỹ và Philippines đã bắt đầu cuộc tập trận Balikatan thường niên lần thứ 39 với sự kiện chính vào ngày 8/5, trong đó có nội dung quân đội tiến hành đánh chìm BRP Lake Caliraya, tàu duy nhất do Trung Quốc sản xuất của hải quân Philippines.
Manila cho biết việc lựa chọn tàu là “không có chủ ý”.
Các báo cáo về tàu Phúc Kiến được đưa ra vài ngày sau khi lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu bảo vệ bờ biển Philippines và một tàu thuộc cơ quan đánh cá của Manila ngày 30/4, gần bãi cạn Scarborough, một trong những điểm nóng ở Biển Đông.
Đây là vụ việc mới nhất trong một loạt vụ việc xảy ra trên tuyến đường thủy tranh chấp trong những tháng gần đây.
“Các tàu bảo vệ bờ biển Philippines không phải là tàu quân sự mà là tàu dân sự. Bất kỳ hoạt động bảo vệ bờ biển nào ở Biển Đông, nếu bị tấn công, sẽ không nằm trong phạm vi điều chỉnh của MDT”, ông Banlaio nói, đề cập đến Điều 5 của Hiệp ước phòng thủ chung được ký giữa Mỹ và Philippines, theo đó cả hai nước đều công nhận rằng “ một cuộc tấn công vũ trang ở khu vực Thái Bình Dương” vào một trong hai bên sẽ thúc đẩy các biện pháp đối phó nhằm đáp trả “những mối nguy hiểm chung” của họ.
Tại hội nghị thượng đỉnh ba bên vào tháng trước với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Philippines, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đảm bảo với người đồng cấp Philippines Ferdinand Marcos Jnr rằng liên minh của họ là “sắt thép”.
Đủ sức thách thức Mỹ và đồng minh?
Nhà phân tích quốc phòng Jose Antonio Custodio nhận định Trung Quốc dự kiến sẽ sử dụng tàu sân bay mới của mình để phóng máy bay xuất kích ở Biển Tây Philippines, tên mà Manila đặt cho vùng biển Biển Đông trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Tuy nhiên, ông Custodio cho rằng bất chấp sự hiện diện của Phúc Kiến trong vùng biển trong khu vực, tàu sân bay này sẽ không gây ra nhiều mối đe dọa cho Nhật Bản và đồng minh Mỹ do sự thống trị áp đảo của hạm đội liên hợp của họ.
Ông nói: “Các lực lượng tàu sân bay Nhật Bản hoạt động cùng với các lớp Nimitz và Ford của Mỹ, khiến việc Trung Quốc cố gắng thách thức họ là hành động tự sát”.
Theo nhà phân tích an ninh Chester Cabalza chỉ riêng năng lực hải quân của Nhật Bản đã có thể là "đối trọng" với sức mạnh hải quân của Trung Quốc, ông lưu ý tàu Phúc Kiến là một tài sản mới và chưa hoàn tất thử nghiệm.
Ông Cabalza, chủ tịch sáng lập Cơ quan Hợp tác An ninh và Phát triển Quốc tế, cho rằng kinh nghiệm hải quân tổng hợp và sức mạnh công nghệ của Nhật Bản cùng các đồng minh giúp họ nắm ưu thế trước các nhiệm vụ trong tương lai của tàu sân bay Trung Quốc.
Ông Cabalza cho biết thêm, tàu Phúc Kiến dự kiến sẽ phục vụ các mục đích kép trong khu vực.
Tàu sân bay có vai trò mang tính biểu tượng nhờ “sự hiện diện cao độ” trong các cuộc tập trận chung có sự tham gia của Mỹ và các đồng minh, đồng thời có khả năng là một phần của lực lượng dự bị được điều động bởi Bộ chỉ huy phía Đông của Hải quân Trung Quốc nhằm giám sát eo biển Đài Loan và Biển Đông.
Don McLain Gill, nhà phân tích địa chính trị và giảng viên Khoa Nghiên cứu Quốc tế của Đại học De La Salle, cho biết, Trung Quốc đã đẩy nhanh hiện đại hóa quân sự và triển khai sức mạnh ở khu vực Tây Thái Bình Dương kể từ năm 2008 và việc hạ thủy tàu Phúc Kiến là minh chứng cho tham vọng của nước này.
Ngoài ra, Trung Quốc đang nâng cấp năng lực của các đội tàu ngầm, bao gồm khả năng theo dõi tàu ngầm Mỹ. Theo Gill, đây là một phần trong trọng tâm của Bắc Kinh, đó là tích hợp các khả năng quân sự của mình theo chiến lược kiểm soát sự tiếp cận của các tàu bên ngoài và trong phạm vi Tây Thái Bình Dương.
Ông nói: “Năng lực hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc là thách thức lớn đối với các quốc gia đang tìm cách đảm bảo sự ổn định và trật tự đã được thiết lập. Đây cũng là một vấn đề lớn đối với những quốc gia như Philippines đang tìm cách bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình".
Theo vtcnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()