Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:41 (GMT +7)
Cổ phiếu Vingroup bất ngờ đảo chiều cuối phiên
Thứ 2, 11/07/2022 | 17:11:48 [GMT +7] A A
Thị trường chứng khoán phiên đầu tuần 11/7 diễn biến rất tiêu cực do ảnh hưởng bởi các tin đồn chưa xác thực. VN-Index bẻ xuống ngay khi mở cửa, áp lực bán ngày càng mạnh mẽ khiến chỉ số lại tìm về đáy mới và rồi lại quay ngược khi một số mã lớn đảo chiều.
Tâm điểm của thị trường dồn về nhóm cổ phiếu Vingroup với pha "trở mặt" không tưởng. Trong đó VIC khi mở cửa lao thẳng đứng, áp lực bán gia tăng càng đẩy mã này càng xuống thấp khi bước vào phiên đóng cửa ATC.
Diễn biến bất thường xảy ra trong phiên này khi cổ phiếu VIC nhanh chóng "nhá giá sàn" 65.100 đồng với lệnh bán ATC hơn 300.000 cổ phiếu. Tuy nhiên một lực mua bất ngờ can thiệp trong một vài phút cuối để đẩy về giá tham chiếu trong sự ngỡ ngàng của nhà đầu tư.
VIC kết phiên không suy giảm so với hôm qua, vẫn đứng tại mức giá 70.000 đồng. Tổng lượng thanh khoản cũng gây bất ngờ khi đạt gần 2,4 triệu cổ phiếu, trong đó riêng phiên ATC đã khớp hơn phân nửa lượng giao dịch.
Trong khi cổ phiếu VHM của Vinhomes và VRE của Vincom Retail cũng có sự đảo chiều không kém. Cụ thể VHM kết phiên chỉ còn giảm 0,8% tại mức 60.500 đồng (tức tăng đến 3,6% từ mức thấp nhất). VRE thậm chí đã chạm giá sàn nhưng lực kéo mạnh trong giờ ATC giúp mã này hồi phục chỉ còn giảm 3,7% về 26.000 đồng (tức tăng ngược 3,4% so với mức thấp nhất).
Pha lội ngược dòng của nhóm Vingroup đã có tác động rất quan trọng giúp chỉ số chung VN-Index hồi phục đáng kể. Chỉ số này có thời điểm rơi xuống dưới 1.145 điểm nhưng kết phiên ở mức 1.155,29 điểm (tức chỉ còn giảm 16 điểm hay -1,37% so với hôm qua).
Chỉ số còn giảm mạnh là do tác động xấu của nhóm ngân hàng - suy giảm mạnh theo dây chuyền nhưng không kịp hồi phục trong cuối phiên ATC như nhóm Vingroup.
Trong đó VCB của Vietcombank rớt 2,7% về mức thấp nhất trong ngày tại 72.000 đồng, là mã có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số. Bên cạnh đó còn có TCB của Techcombank bị bán tháo 5,2% tại 35.600 đồng, VPB của VPbank mất 3,8% xuống 27.500 đồng...
Cổ phiếu bán lẻ tiếp tục diễn biến xấu, dẫn đầu là MSN của Masan giảm 2,3% xuống 102.500 đồng. Cổ phiếu DGW của Digiworld giảm sàn về 53.100 đồng dù ước tính lợi nhuận quý II vẫn tăng trưởng cao. Hay FRT của FPT Retail lao dốc 5,8%, PET của Petrosetco rơi 4,7%.
Nhóm cổ phiếu thủy sản bị chốt mạnh với ANV của Navico rơi về giá sàn 42.450 đồng, VHC của Vĩnh Hoàn đóng cửa ngay sát giá sàn tại 75.100 đồng, MPC của Minh Phú giảm gần 5% hay ACL rớt 3,6%.
Trong khi đó cổ phiếu các doanh nghiệp bán thịt heo gây sốt giới đầu tư khi đồng loạt tăng ngược thị trường chung nhờ giá thịt bán lẻ vẫn đang trong xu hướng tăng giá, giúp triển vọng kinh doanh của các đơn vị đang rất sáng sủa.
Mã HAG của Hoàng Anh Gia Lai giao dịch lớn tại mức giá trần 10.250 đồng, tổng khối lượng khớp hơn 25 triệu cổ phiếu. Trong khi DBC của Dabaco cũng đóng cửa ở giá trần 26.300 đồng, bên cạnh MML tăng 7,8% và BAF có thêm 3,2%.
Nhóm khu công nghiệp cũng được hỗ trợ bởi dòng tiền. Dẫn đầu là KBC của Kinh Bắc tăng 3,4% lên 33.200 đồng. Hay IDC của Idico từ sắc đỏ leo thẳng lên 54.500 đồng, tương ứng tăng 5% so với tham chiếu. VGC của Viglacera tăng ngược 2% đạt 47.650 đồng.
Thị trường chung diễn biến vẫn không mấy khả quan do áp lực bán ở một số mã lớn lan rộng dây chuyền sang các nhóm nhỏ hơn. Toàn sàn có 592 mã giảm giá và chỉ có 306 mã tăng giá.
Thanh khoản thị trường có sự đi lên đáng kể chủ yếu do áp lực bán tháo với tổng giá trị giao dịch đạt 13.107 tỷ đồng, trong đó giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE tăng 9% chiếm khoảng 10.148 tỷ đồng. Khối ngoại giao dịch cân bằng với thanh khoản thấp chưa đến 700 tỷ đồng cả chiều mua và bán.
Theo Zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()