Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:09 (GMT +7)
Có nên dùng thuốc bổ hậu Covid-19?
Thứ 2, 18/04/2022 | 15:58:31 [GMT +7] A A
Hậu Covid-19 có thể gây ra nhiều vấn đề làm rối loạn các chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Hơn nữa, khi người bệnh vừa mới phục hồi, thể trạng vẫn còn yếu thường có nhu cầu tìm đến các loại thuốc bổ.
Để tăng cường hệ miễn dịch cũng như sức đề kháng thì người bệnh có thể bổ sung một số thành phần vi chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, khi quyết định bổ sung các loại vi chất dinh dưỡng này, cần tìm hiểu kỹ lưỡng và cần tham khảo ý kiến tư vấn từ bác sĩ.
Tác dụng của một số vi chất dinh dưỡng đối với bệnh sau mắc Covid-19
Vitamin C
Vitamin C thuộc nhóm chất chống oxy hóa mạnh, có vai trò quan trọng trong chức năng miễn dịch của cơ thể. Hơn nữa, đây là chất dinh dưỡng hòa tan trong nước giúp duy trì sức đề kháng của hàng rào biểu mô đồng thời chống lại bệnh tật cùng với hỗ trợ các chức năng của hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh được việc bổ sung vitamin C ở dạng viên uống có thể làm giảm tỷ lệ cũng như thời gian nhiễm trùng viêm đường hô hấp. Hơn nữa, vitamin C đường tĩnh mạch cũng có thể giảm tỷ lệ tử vong và thời gian thở máy của bệnh nhiễm trùng đường hô hấp ở mức độ rất nặng. Theo các chuyên gia, phương pháp điều trị truyền tĩnh mạch với vitamin C và một số các chất khác như corticosteroid, heparin chống đông máu có thể giúp giảm thiểu đáng kể tình trạng viêm nhiễm trong phổi. Viêm nhiễm phổi cũng chính là nguyên nhân gây tử vong ở hầu hết các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng.
Hơn nữa, các chuyên gia y tế còn cho biết tình trạng gây ra tử vong ở những bệnh nhân nhiễm Covid-19 không phải do virus SARS-CoV-2 tác động đến bệnh nhân mà chính là phản ứng của virus với cơ thể gây ra tình trạng viêm quá mức dẫn đến hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động quá mạnh - bão cytokine.
Các chuyên gia cho rằng việc sử dụng đồng thời vitamin C cho bệnh nhân Covid-19 và steroid có thể giúp chống viêm mạnh và kiểm soát tốt cơn bão cytokine ở những người bệnh mắc Covid-19 mức độ nặng.
Kẽm
Kẽm cũng được chứng minh có hoạt tính kháng virus, đồng thời có thể cải thiện chức năng tế bào miễn dịch từ đó giúp chống lại virus cũng như làm giảm khả năng sinh sôi của virus. Khi cơ thể thiếu kẽm sẽ liên quan đến đáp ứng IL-6 cao hơn - IL6 chính là một interleukin đóng vai trò quan trọng trong tổn thương phổi nghiêm trọng do virus SARS-CoV-2 gây nên. Kẽm còn có tác dụng ức chế ARN polymerase của virus SARS-CoV-2 và hạn chế khả năng sao chép của nó.
Nghiên cứu được trình bày tại hội nghị ESCMID về bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra, gợi ý rằng nồng độ kẽm trong huyết tương ban đầu thấp có liên quan đến kết quả sống sót của bệnh nhân Covid-19 nặng. Trong nghiên cứu này khi điều chỉnh các biến số liên quan như tuổi, giới tính... cho thấy việc gia tăng nồng độ kẽm trong máu của người bệnh tại thời điểm nhập viện tương quan với việc giảm 7% nguy cơ tử vong sau khi nhập viện. Hơn nữa, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng việc kết hợp giữa kẽm và vitamin C có thể làm giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng cảm lạnh. Những với những trường hợp mắc Covid-19 nhẹ thì việc bổ sung vitamin C và kẽm không giúp cải thiện triệu chứng hoặc phục hồi nhanh hơn.
Vitamin D
Vitamin D có khả năng giúp kiểm soát các phản ứng viêm do Covid-19 gây ra bằng cách điều chỉnh các cơn bão cytokine. Tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân mắc Covid-19 với các triệu chứng kéo dài gây ra tình trạng hậu Covid-19 có liên quan đến cơn bão cytokine - chính là do phản ứng quá mức của hệ miễn dịch trong cơ thể.
Các dữ liệu nghiên cứu ở người mắc Covid-19 cho thấy mối liên quan giữa vitamin D và mức độ nghiêm trọng của cơn bão cytokine ở mức độ cao trong huyết tương của protein phản ứng C làm tăng quá trình viêm của cơ thể.
Mặc dù vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu sâu hơn về vitamin D, nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy vitamin tác động tích cực đến hệ miễn dịch giúp cơ thể chống lại được các yếu tố bên ngoài.
Các loại thực phẩm theo y học cổ truyền có thể sử dụng cho người bệnh mắc Covid-19
Yến sào: Là thực phẩm quý và bổ dưỡng có tác dụng tăng cường sức khỏe. Hàm lượng chất dinh dưỡng trong yến sào khá phong phú bao gồm protein hòa tan trong nước với nhiều các acid amin cần thiết cho cơ thể, cùng với các loại vi chất như natri, kali, sắt, iod… Thêm vào đó hoạt tính sinh học của yến sào cao bao gồm các chất chống oxy hóa, chống virus, chống đông máu, hỗ trợ bảo vệ thần kinh, bỗ trợ cải thiện sức khỏe của xương…
Theo đông y thì yến như một vị thuốc có tác dụng như thuốc bổ phổi và thường được chỉ định trong các trường hợp bệnh hen suyễn, ho khan, suy nhược…Mặc dù chưa có nghiên cứu cụ thể về việc sử dụng yến sào có tác dụng phòng chống Covid-19 nhưng yến sào có công dụng tốt với sức khỏe giúp nâng cao sức khỏe và giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi cũng như tránh được các tình trạng của hậu Covid-19.
Đông trùng hạ thảo: Đây cũng thuộc một loại nấm có nhiều lợi ích với sức khỏe như tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện tâm trạng đồng thời cung cấp năng lượng cho cơ thể…nấm đông trùng hạ thảo là dược liệu quý và có giá trị cao về tác dụng y học. Đối với những người mắc Covid-19 sau khi phục hồi vẫn cần tiếp tục nâng cao thể trạng và tăng cường hệ miễn dịch. Và Đông trùng hạ thảo sẽ giúp cung cấp các chất dinh dưỡng cho những đối tượng này.
Nấm linh chi: Trong y học cổ truyền nấm linh chi thường có tác dụng trong hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường thể trạng giúp cho người bệnh vượt qua được những căng thẳng, tiêu cực hoặc bệnh lý liên quan. Nấm linh chi cũng có thể mang lại tác dụng giúp giảm bớt sự mệt mỏi ở những người bệnh sau khi mắc Covid-19.
Các thực phẩm nên bổ sung giai đoạn hậu Covid-19?
Ngoài ra, hậu covid người bệnh đa số có các triệu chứng về hô hấp như ho kéo dài, ho có đờm. Vậy Nên bổ sung thực phẩm như thế nào?
Chúng ta nên ăn nhạt, ăn các thực phẩm giúp nhuận phế, hóa đàm, chỉ khái như củ cải trắng ( có thể ép nước uống mỗi ngày), rau sam, quả lê, mật ong, cà rốt, vỏ quýt, tỏi... Hạn chế ăn đồ ngọt, nhiều dầu mỡ hoặc quá mặn, quá chua hoặc cay hoặc các loại có nhiều chất nhờn như mùng tơi, đậu bắp, đồ ăn dễ kích ứng như tôm, cua, côn trùng, vỏ lạc...
Với những người bệnh khó ngủ, mất ngủ, mệt mỏi có thể dùng thêm các loại trà như trà táo đỏ kỷ tử tâm sen, trà sâm táo nhân, canh hạt sen hầm thịt, gà hầm nhân sâm...
Những lưu ý khi bổ sung chất dinh dưỡng cho người bệnh hậu Covid-19
Mặc dù những thắc mắc về lợi ích tổng thể đối với uống thuốc bổ vẫn chưa được làm rõ ràng hơn, nhưng vẫn được các bác sĩ kê đơn sử dụng cho các bệnh mắc Covid-19 hoặc những bệnh nhân đang phục hồi sau mắc Covid-19. Những chất bổ này có thể giúp giảm bớt đồng thời đóng vai trò phòng ngừa tiến triển nặng của bệnh.
Ngoài ra, người bệnh có thể tiếp cận các loại thực phẩm có hàm lượng các chất dinh dưỡng như vitamin C, vitamin D, kẽm trong thực phẩm để bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày và cung cấp cho cơ thể theo đúng nhu cầu khuyến nghị.
Vitamin D có nhiều trong ánh nắng mặt trời, nên để tăng cường hấp thu vitamin D có hoạt tính sinh học vào cơ thể thì người bệnh nên thực hiện phơi nắng ít nhất từ 15 đến 30 phút mỗi ngày. Ngoài ra có thể lựa chọn một số thực phẩm giàu vitamin D để bổ sung vào bữa ăn hàng ngày như: sữa, các loại cá…
VItamin C có nhiều trong các loại trái cây và rau có màu xanh lá, bao gồm: rau ngót, bưởi, cam, chanh và các loại quả có màu vàng hoặc màu cam.
Những thực phẩm giàu kẽm có thể kể tới bao gồm thịt đỏ, thịt gia cầm, ngũ cốc nguyên hạt, hải sản… trong số này thì hàu có hàm lượng kẽm cao nhất.
Với các loại thực phẩm vị thuốc như yến sào, đông trùng hạ thảo hay nấm linh chi về cơ bản khá lành tính. Tuy nhiên, trước khi sử dụng người bệnh cần tìm hiểu rõ nguồn gốc của những thực phẩm này. Đồng thời nên sử dụng theo liều lượng hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, người bệnh không nên lạm dụng quá nhiều các loại sản phẩm này vừa tránh tốn kém về kinh tế, vừa có thể giúp tránh được các tác dụng phụ không mong muốn.
Theo dantri.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()