Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:47 (GMT +7)
Có nên cho người tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 trở lại làm việc?
Thứ 3, 07/09/2021 | 11:37:00 [GMT +7] A A
Nhiều ý kiến cho rằng, nên cho người tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19 được đi làm trở lại. Về vấn đề này các chuyên gia đã đưa ra những phân tích cụ thể.
Liên quan đến nhiều ý kiến cho rằng nên cho người tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 đi làm trở lại, PGS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế khẩn cấp cộng đồng (Bộ Y tế) cho rằng, người tiêm đủ liều vẫn cần tuân thủ chủ trương chung về cách ly, giãn cách hay phong tỏa, thực hiện 5K. Việc tiêm đủ liều vaccine sẽ bảo vệ cá nhân không bị mắc bệnh nặng, giảm thấp nhất nguy cơ nhập viện và tử vong. Nhưng người này vẫn có thể bị nhiễm, là nguồn lây cho người khác. Khi cả nước chưa đạt miễn dịch cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm theo cách này là điều "đáng lo ngại".
Nghiên cứu mới đây của CDC Mỹ cho thấy, nồng độ virus của một số người đã tiêm vaccine và những người chưa tiêm cao như nhau nghĩa là khả năng lây là như nhau.
"Để đạt hiệu quả phòng bệnh cho cộng đồng thì ít nhất 70% dân số phải được tiêm chủng", ông Trần Đắc Phu giải thích.
Theo TS Trần Đắc Phu, các tỉnh thành hoặc khu vực nếu đạt miễn dịch cộng đồng nên có quy định riêng để người đã tiêm được trở lại cuộc sống bình thường mới. Đơn cử, TP. HCM hoặc Hà Nội khi đã tiêm đủ hai mũi cho tất cả người dân nên xây dựng quy định về đi lại, sản xuất, kinh doanh... không chỉ cho người dân mà cho cả người đã tiêm vaccine từ nơi khác đến. Nhà chức trách cũng cần có quy định về người từ nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao đến nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan, đảm bảo an toàn cho người chưa tiêm.
"Hiện tỷ lệ tiêm chủng cả nước cũng như các địa phương còn thấp, mới chỉ đạt miễn dịch bảo vệ cá nhân được tiêm, chứ chưa tạo được miễn dịch cộng đồng. Nếu mở cửa, chúng ta phải tính toán kỹ lưỡng tránh việc những người đã tiêm nhưng nhiễm virus rồi lây lan cho người chưa tiêm dẫn đến mắc bệnh nặng và nguy cơ tử vong cao", ông Phu nêu quan điểm.
Liên quan vấn đề này, Bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP. HCM cũng cho rằng, nhà chức trách cần sớm xây dựng cơ chế, hướng dẫn cụ thể để những người đã tiêm vaccine tham gia sản xuất, kinh doanh, trở lại cuộc sống "bình thường mới".
Theo ông, 4 nhóm cần được xem xét gồm: Người mắc Covid-19 đã được chữa khỏi; người tiêm đủ hai mũi vaccine; người tiêm một mũi qua 14 ngày; các gia đình trẻ. Bởi người đã khỏi bệnh sẽ không nhiễm lại nữa, người tiêm đủ hai mũi vaccine nếu bị nhiễm sẽ không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Người mới tiêm một mũi vaccine ít có nguy cơ bệnh nặng. Các gia đình trẻ nếu bị nhiễm cũng sẽ bệnh nhẹ, ít chuyển nặng.
Những người này trở lại cuộc sống bình thường mới cũng là cách để duy trì nguồn lực chống dịch và sống chung lâu dài với Covid-19.
"Nếu chờ đến khi tiêm đủ tối thiểu 70% dân số, đạt miễn dịch cộng đồng mới tính đến việc mở cửa sẽ rất lâu. Trong khi ngay lúc này, chúng ta cần phục hồi, duy trì sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế", Bác sĩ Trương Hữu Khanh phân tích.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh đánh giá, khi chống dịch, các địa phương đã linh hoạt phong tỏa từng phần thì bây giờ tỷ lệ vaccine bao phủ đến đâu cũng cần mở cửa từng phần trở lại đến đó. Qua gần 2 năm chống dịch, Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh linh hoạt nên cần tính đến bài toán đảm bảo cân bằng giữa chống dịch và kinh tế.
Người đã tiêm vaccine vẫn có thể mắc Covid-19 và lây cho người tiếp xúc gần. Vì vậy, theo BS Khanh, các cơ chế, chính sách phải xem xét cụ thể từng nơi, khu vực được phép hoạt động. Chẳng hạn, họ được đến những nơi không có người già, mắc bệnh nền.
"Nghĩa là các hướng dẫn phải tính toán cụ thể những nơi được đến, tham gia hoạt động, để không may họ bị nhiễm virus, lây cho người khác ở khu vực đó thì cũng không gây nguy hiểm", bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.
Theo giadinhonline.vn
Liên kết website
Ý kiến ()