Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:39 (GMT +7)
Có nên áp giá sàn vé máy bay?
Thứ 3, 11/04/2023 | 14:13:48 [GMT +7] A A
Bộ Tài chính cho biết, sẽ nghiên cứu áp dụng giá sàn với vé máy bay trong khi doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng việc áp giá sàn vé máy bay sẽ làm ảnh hưởng quyền đi lại bằng đường hàng không với giá rẻ của hàng chục triệu người dân.
Sẽ không còn hàng không giá rẻ
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa diễn ra tuần qua, khi tham gia góp ý về Luật Giá (sửa đổi), một đại biểu đã đề nghị bổ sung thêm giá tối thiểu (giá sàn) với vé máy bay nội địa. Trả lời về góp ý này, Bộ trưởng Bộ Tài Chính cho rằng, việc áp giá trần, giá sàn với vé máy bay nội địa là hợp lý, để tránh “hàng không chuyên nghiệp bị giá rẻ đánh bại”.
Trước ý kiến về giá trần, giá sàn, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia phản đối. Chị Nguyễn Minh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, hiện nay giá vé máy bay nội địa có nhiều chặng cao hơn bay nước ngoài. “Tôi không biết các hãng hàng không tính toán kiểu gì nhưng hè này tôi không dám đi du lịch Hà Nội - Phú Quốc vì vé máy bay khứ hồi lên đến 8 triệu đồng/cặp còn Hà Nội - Nha Trang 6 triệu đồng/cặp. Nếu áp giá sàn, cơ hội đi máy bay giá rẻ không còn”, chị Minh nói.
Đại diện hãng Vietravel Airlines cho rằng, việc áp dụng giá vé tối thiểu sẽ giảm tính cạnh tranh, ảnh hưởng sự phục hồi của ngành hàng không, thậm chí triệt tiêu bản chất vốn có của kinh tế thị trường.
Theo Vietravel Airlines, hiện tại cơ quan quản lý Việt Nam đã có quy định giá trần với đường bay. Theo đó, đường bay dưới 500 km có mức giá vé tối đa 1 chiều là 1,6 triệu đồng/vé cho đường bay kinh tế, xã hội và 1,7 triệu đồng/vé cho các đường bay khác. Đường bay có khoảng cách từ 500 km đến dưới 850 km, giá vé tối đa 2,2 triệu đồng/vé/chiều. Từ 850 km đến dưới 1.000 km, mức giá tối đa 2,79 triệu đồng/vé. Còn với đường bay từ 1.280 km trở lên, mức giá tối đa 1 chiều là 3,75 triệu đồng/vé.
Theo vị này, việc áp dụng giá sàn tại thị trường hàng không Việt Nam là chưa có tiền lệ. Trên thế giới, hiện không có quốc gia nào quản lý vé máy bay bằng giá trần hay giá sàn. Ngay trong giai đoạn 2016- 2017, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã quyết định bãi bỏ quy định giá vé tối thiểu cho vé máy bay sau một thời gian ngắn áp dụng vì nhận ra mất nhiều hơn được khi đánh mất lợi thế cạnh tranh với các hãng khác trong khu vực. Cả ngành du lịch các quốc gia này cũng bị sụt giảm vì giá vé bay kém cạnh tranh.
Trong khu vực Đông Nam Á, tại các nước thu hút khách du lịch như Thái Lan, Singapore và Malaysia, các hãng hàng không cũng thực hiện cạnh tranh tự do, giá vé do thị trường quyết định và tự điều chỉnh theo xu hướng cung - cầu theo từng thời điểm.
Vị này cho biết thêm, khi đưa ra mức quy định về khung giá sẽ khiến vé máy bay về cùng một mức, dần dần sẽ triệt tiêu tính năng động và đa dạng của ngành hàng không. Người tiêu dùng cũng mất đi cơ hội có thêm nhiều lựa chọn phù hợp. Ngoài ra, các hãng hàng không giá rẻ sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận khách hàng. Những hãng hàng không nổi tiếng có nhiều dịch vụ trọn gói hơn sẽ được khách hàng ưu tiên lựa chọn.
Vì vậy, mức giá sàn cũng phải được xem xét kỹ lưỡng. Nếu cơ quan quản lý Việt Nam đề xuất giá sàn ở mức khá cao sẽ dẫn đến tình trạng không thể tiếp cận được khách hàng ở phân khúc thấp. Việc áp dụng giá sàn vào giá vé máy bay được xem như đang đi ngược xu hướng phát triển của thế giới, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của ngành hàng không Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam phân tích, với 6 hãng hàng không trong nước, thị trường nội địa phủ sóng mỗi chặng ít nhất từ 2 hãng khai thác. Do đó, thị trường hàng không hiện nay có sức cạnh tranh cao, không còn độc quyền. Giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa thường được các hãng hàng không thực hiện theo cơ chế dải giá linh hoạt, gồm nhiều mức giá từ thấp đến cao với các điều kiện giá vé khác nhau để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Hành khách mua từ sớm sẽ có cơ hội mua được mức giá thấp; mua sát ngày nhiều khả năng sẽ phải trả giá cao hơn do đã hết chỗ giá tiết kiệm.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng, đây không phải lần đầu tiên có đề xuất giá sàn cho vé máy bay. Năm 2017 từng có đề xuất giá sàn với vé máy bay và bị bãi bỏ. Năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải cũng dự thảo thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
“Việc quy định giá sàn cho hàng không tạo ra loại giá bảo hộ cho lợi ích của ngành hàng không. Điều này gây thiệt hại cho hàng chục triệu khách hàng, làm ảnh hưởng cơ hội được hưởng mức giá rẻ hợp lý do cạnh tranh mang lại. Ngành hàng không hoạt động theo cơ chế thị trường phải có giá cạnh tranh tuân thủ nguyên lý giá cân bằng cung cầu”, ông Thỏa cho biết.
Theo ông Thỏa, có người nói giá vé 0 đồng, 200.000 đồng không đủ chi phí vận hành, khấu hao, gây lỗ cho hàng không. Thế nhưng điều này không đúng với chiến lược theo dải giá của nhà kinh doanh. Doanh nghiệp hàng không đưa ra mức giá rẻ như trên khi chi phí vận hành cho chuyến bay đã đủ và nhằm thu hút thêm khách hàng. Thêm được mức giá nào thì có lợi mức ấy. Khi tính toán, doanh nghiệp tính tổng thu trừ tổng chi phí chuyến bay, chứ không ai tính giá từng vé.
“Một chuyến bay không có 100% vé giá rẻ. Việc thực hiện giá vé rẻ là chiến lược phân giá vé theo dải giá hợp lý của nhà kinh doanh”, ông Thỏa nhận định.
Có đi ngược xu hướng phát triển?
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, quản lý giá trong nền kinh tế thị trường có 2 phương thức, gồm: Quản lý giá trực tiếp (quy định mức giá cụ thể, giá trần, giá sàn, khung giá) và quản lý giá gián tiếp (Nhà nước không quy định giá mà sử dụng các công cụ tài chính thuế, phí, tín dụng, thương mại...để bình ổn giá). Theo đó, Nhà nước sử dụng phương thức quản lý giá trực tiếp đối với thị trường độc quyền và thị trường cạnh tranh còn yếu (có những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh). Đối với doanh nghiệp độc quyền trên thị trường, Nhà nước quy định mức giá cụ thể. Đối với thị trường có những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh, Nhà nước quy định giá trần (giá tối đa) hoặc giá sàn (giá tối thiểu).
Theo ông Long, thị trường hàng không nội địa ở Việt Nam có 6 hãng hoạt động. Trong đó, Vietnam Airlines chiếm gần 40%, thị phần VietJet Air chiếm trên 30%, Bamboo Airways chiếm hơn 10%. Con số này cho thấy, thị trường hàng không nội địa vẫn có những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh và hàng không nội địa là bán dịch vụ bay. Do đó, Nhà nước buộc phải quy định giá trần mà không quy định giá sàn.
“Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định giá sàn là “0”, tức là không có giá sàn. Các hãng quảng cáo giá vé 0 đồng nhưng khách hàng vẫn phải chi trả những phụ phí và chi phí khác khoảng vài trăm nghìn đồng cho mỗi vé máy bay. Nếu áp giá sàn với vé máy bay nội địa trong bối cảnh đường bay nội địa còn có hãng bay giữ vị trí thống lĩnh thị trường là không hợp với quản lý giá theo nguyên tắc của nền kinh tế thị trường cũng như theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam”, ông Long nhận định.
Theo ông Long, nếu quy định giá sàn sẽ tạo lợi thế cho hãng hàng không làm ăn với hiệu quả không cao, gây khó khăn cho hãng khác.
“Trong bối cảnh phần lớn người dân nước ta thu nhập còn thấp, việc duy trì mô hình giá vé rẻ vẫn rất cần thiết, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Nếu áp giá sàn sẽ làm mặt bằng giá vé máy bay tăng cao, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới ngành du lịch”, ông Long nói.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()