Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:14 (GMT +7)
Có một Hòn Gai trong nỗi nhớ...
Thứ 2, 30/10/2023 | 10:33:13 [GMT +7] A A
Hòn Gai là cái tên xưa cũ của thành phố Hạ Long bây giờ. Đối với những người đã sinh ra và lớn lên, cả cuộc đời gắn bó với mảnh đất này, Hòn Gai như là máu thịt, là một phần không thể thiếu. Cựu chiến binh Hoàng Thế Kim (phường Cao Thắng, TP Hạ Long) là một người như vậy. Ký ức về một Hòn Gai thuở xa xưa theo ông đến tận bây giờ, để rồi mỗi câu chuyện ông kể lại đều khiến người nghe rưng rưng...
Tôi người Hòn Gai!
Quê tôi ở vùng ngoại ô TP Hải Phòng, nhưng lại sinh ra trên Đất mỏ Hòn Gai, nên hàng năm được bố mẹ cho về quê thăm viếng vài ba lần.
Vào những năm còn thời bao cấp, đi từ Hòn Gai về Hải Phòng nếu bằng đường bộ phải qua 3 con phà: Bãi Cháy, Đò Rừng, Bến Bính. Quãng đường hơn trăm cây số mà có lần đi từ tinh mơ đến tối mịt mới về đến quê. Vì vậy nên tàu thủy chở khách ngày ấy thịnh hành lắm.
Anh em chúng tôi thường được bố mẹ cho về thăm quê vào các dịp giỗ, tết. Mỗi lần được về quê trên con tàu thủy với đứa trẻ chục tuổi như tôi là một chuyến du lịch sung sướng đến run người. Từ lúc con tàu cũ kỹ rùng mình nổ máy, phun làn khói đen sì, cất tiếng còi trầm hùng vang vọng vào vách núi Bài Thơ để từ từ rời bến, lòng tôi bỗng cảm thấy lâng lâng như đi vào một thế giới khác lạ. Một "Thế giới diệu kỳ" hiện ra với một bà tiên hiền hậu ôm ấp tôi vào lòng, xoa dịu đi bao nỗi sợ hãi của con trẻ và gợi mở trong tôi biết bao những ước mơ cao quý của cuộc đời...
Mỗi lần được về quê là một lần được lênh đênh trên sóng biển hàng 5, 6 tiếng đồng hồ, tôi không lúc nào rời mắt khỏi cửa sổ con tàu. Có lẽ vì vậy mà sóng nước Hạ Long đã in đậm dấu nét vào trí nhớ non nớt của tôi.
Dù sinh ra và lớn lên bên bờ Vịnh, nghe tiếng sóng reo có khi còn nhiều hơn tiếng ru hời của mẹ, nhưng sao tôi vẫn nhớ biển đến lạ lùng. Một vài ngày không nhìn thấy núi xanh, cát trắng, không nghe thấy tiếng sóng rì rầm... thì trong lòng cảm thấy như thiếu vắng một người bạn thân đã lâu ngày không gặp lại.
Có lần đi với một người bạn gái bên bờ Vịnh, cô ấy đã hỏi tôi:
- Hình như anh yêu biển hơn tất cả mọi thứ trên đời này?
Tôi không trả lời được người bạn gái ấy, nhưng tôi tin rằng trong mỗi trái tim chúng ta đều thầm hiểu: "Mọi mối quan hệ của con người trước sau rồi cũng sẽ dần dần mất đi theo năm tháng, nhưng quê hương thì mãi mãi sống trong ta cho đến khi nhắm mắt xuôi tay...".
Nhớ lại, hàng chục năm khoác áo người lính trận, đi khắp mọi miền đất nước, giấc mơ nhớ về quê hương mà tôi thường gặp là những cánh buồm căng gió, những ngọn núi đá tím sẫm ngâm mình giữa biển cả biếc xanh, ngàn năm nghe tiếng sóng vỗ bờ...
Những ngày ấy và cho đến bây giờ, nếu có ai hỏi tôi: - Bạn quê ở đâu?
Tôi sẽ ngẩng cao đầu và tự hào trả lời: - Tôi người Hòn Gai!
Bến Đoan thuở xa xưa
Thế hệ 6x, 5x và trước nữa của Hòn Gai chắc không thể nào quên bãi tắm Bến Đoan. Bãi tắm hình vòng cung, dài khoảng vài trăm bước chân người lớn, một đầu là Nhà Đoan (Trụ sở Hải quan) vòng đến Nhà Thương thị xã (Bên cạnh Cung Văn hoá lao động Việt - Nhật bây giờ).
Bến Đoan là cửa Vịnh nên thoáng gió, sóng lúc nào cũng ì oạp vỗ bờ, cát mịn thì ít, sỏi cuội lại nhiều. Sở dĩ nó trở thành bãi tắm vì bãi ấy nằm liền kề đường phố, từ nội thị đi qua phố Chợ Cũ, phố Hữu Nghị là đã nhảy tùm xuống biển. Chiều về, những người dân lao động, ông già, phụ nữ, trẻ con... nô đùa vui vẻ trên ngọn sóng hiền hòa.
Với bọn trẻ con chúng tôi, Bến Đoan là tụ điểm vui chơi thích thú nhất. Tan học, lũ trẻ vội vàng túa theo đường Dốc Học, Bồ Hòn, Đền Ông Nghiễn đổ xuống bến tắm.
Ngoài các trò chơi thông thường như đá bóng, tắm biển, bắn bi, đánh đáo... bọn trẻ còn có hai thú chơi mà ở trong phố không có được. Đó là nhặt son màu ở bãi tắm, trò này bọn con gái rất thích, chúng nó ngồi lê la hàng giờ trên bãi để bới nhặt những viên son đủ màu mang về viết vẽ trên nền xi măng: Đỏ, vàng, tím, nghệ... Những viên son được sóng biển bào mòn nhẵn thín nhỏ xinh như những chiếc cúc áo người lớn. Ngoài ra những viên cuội tròn nhỏ còn được mang về để chơi trò "Ô ăn quan". Thứ hai là câu chuồn chuồn. Xung quanh Nhà Thương có nhiều bãi cỏ dại là nơi tập trung cho đủ các loại chuồn. Cần câu là một sợi cỏ dài, mồi là chuồn con được xiên ở đầu ngọn cỏ. Câu chuồn chuồn là một đam mê đến cuồng nhiệt của lũ trẻ chúng tôi, quần thì tụt đến ngã ba, mũi thò lò, tóc vàng cháy... là hình ảnh đặc trưng của bọn trẻ con lúc bấy giờ. Chiến công cuối cùng là những xâu chuồn mang ra để so sánh rồi cũng đem vứt bỏ, nhưng đổi lại là những tiếng cười hả hê, sung sướng.
Bến tắm đơn sơ, tràn đầy kỷ niệm của tuổi thơ ngày ấy không bao giờ còn nữa. Thay vào đấy là những công trình bê tông hiện đại đã mọc lên. Chỉ còn đâu đây vẳng lại tiếng sóng ì oạp vỗ bờ như một tiếng thở rất dài của biển cả...
Ga tàu của tuổi thơ
Cái ga tàu hỏa chở công nhân đi làm ca ở các mỏ than ngày ấy không biết có tự bao giờ. Từ năm 1960, khi tôi 10 tuổi, nhà chuyển về khu Phố Mới, tôi đã thấy nó rồi.
Ga tàu nằm cạnh đường ô tô đi vào ngã ba Loong Toòng và kho than Giếng Đồn. Nhà tôi bên cạnh đường ô tô đối diện với ga tàu, ngày đêm phải nghe ầm ĩ tiếng còi, tiếng máy, tiếng người í ới gọi nhau ra vào bến.
Đầu tàu, toa kéo, đường sắt... của ga thì cũ kỹ, vẫn là những thứ của người Pháp để lại. Gọi là tàu hỏa chở người cho nó oách thôi, còn thực ra nó được cải tạo lại từ những cái khung gầm chở các "Wa Gông" than thành toa chở người. Không biết từ đâu người ta gọi tên cho các toa ấy là "Song loan"? Mỗi khi đầu máy kéo còi hay hộc lên để lấy đà chạy thì hơi nước với khói bụi than lại phụt lên trời như những đám mây đen.
Các "Song loan" được làm bằng sắt và gỗ, lợp mui che mưa nắng như các toa tàu chở hàng của ngành Đường sắt bây giờ. Trong toa có hai dãy ghế chạy dài nằm dọc hai bên, cửa lên xuống ở chính giữa toa, làm theo kiểu cửa lùa, nên mỗi lần kéo mở nó cứ rít lên rầm rầm.
Công nhân đi làm ca có thẻ thì không mất tiền, còn dân thường có việc đi ké thì mất 5 xu đến 1 hào tùy theo quang gánh. Lũ trẻ con chúng tôi thì chả mất xu nào, vì cứ đợi tàu chuyển bánh mới nhảy lên toa. Cái trò nhảy lên nhảy xuống khi tàu chuyển bánh là cả một kỹ năng điêu luyện, mà “chứng chỉ” của nó là những vết sẹo ở đầu gối và khuỷu tay vẫn còn in dấu ấn đến bây giờ.
Ngày ấy được ngồi trong những cái lồng sắt đen sì, bụi bặm này mà ngắm trời đất là sự hãnh diện ghê gớm lắm và cũng không ít lần hai quả mông bị sưng tấy vì những trận đòn của bố mẹ dành cho các chuyến "du lịch không đồng" ấy.
Rồi chiến tranh ập đến, phá tan cảnh thanh bình của quê hương, cướp đi biết bao kỷ niệm của tuổi thơ chúng tôi. Năm 1966, một trận bom hủy diệt đã ném xuống cái thị xã nhỏ bé này. Bến ga tàu hỏa gần như xóa sổ. Sau trận bom, cái miền đất vốn dĩ đã nghèo nàn càng trở nên xơ xác. Các toa tàu bị lật nghiêng, vật ngửa, méo mó... giương các bánh xe lên trời như những con trâu bò đang giẫy chết, lửa khói bốc cháy nghi ngút mấy ngày đêm. Không khí khét lẹt mùi thuốc bom, dầu cháy. Các thanh ray cong queo nằm vật vã khắp nơi, những cây tà vẹt nặng mấy người khiêng bay cả vào giữa phố. Nhà cửa đổ nát, tiếng gọi khóc tìm người nghe tang tóc cả một vùng.
Nhà tôi và cô bạn học Lê Dung (sau này là NSND Lê Dung) cùng ngõ, cách nhau dăm nhà cũng đổ tường sập mái. Phía trước cửa gần nhà xuất hiện một hố bom to đùng như một cái ao. May mà trước đấy mọi nhà đã đi sơ tán bớt, Dung vào ở với mẹ trong Cao Xanh, nhà tôi thì vào Núi Xẻ, anh Lý của Dung ở nhà chỉ bị thương nhẹ. Chiếc giường gỗ nhà tôi bị mảnh bom cắt làm đôi. Còn tôi bữa ấy đi lông bông không có mặt ở nhà, thật là hú vía.
Cũng từ đó, cái ga tàu hỏa ấy không bao giờ khôi phục lại nữa. Nó vĩnh viễn mất đi khỏi mảnh đất đầy than bụi này, nhưng trong tâm trí trẻ thơ chúng tôi nó mãi mãi là một hoài niệm không thể nào quên.
Giờ đây, cái bến ga tàu hỏa ấy đã trở thành một xa lộ mười làn xe chạy hoành tráng bậc nhất của TP Hạ Long. Dọc con đường đá sỏi bụi bặm năm xưa mọc lên những tòa nhà vài chục tầng đứng sừng sững giữa trời xanh, các trụ sở cơ quan, trường học, thương mại... san sát kề vai, đêm về rực rỡ ánh đèn.
Bóng dáng những người công nhân nhọ nhem, lầm lũi đi trong đêm tối cùng cái bến ga cũ kỹ bụi bặm và tiếng còi tàu buồn bã cũng vĩnh viễn lùi xa vào dĩ vãng.
Câu tôm ngày còn bé
Hôm rồi dạo qua chợ cá Hạ Long, nhìn thấy những con tôm còn tươi xanh búng nhảy tanh tách trong chậu, lòng chợt bâng khuâng nhớ lại thời thơ ấu... Tôi đã từng đi câu những con tôm này.
Ngày ấy Hòn Gai còn nhỏ bé và nghèo lắm, nhưng hải sản thì nhiều vô cùng, cứ như rau cỏ ngày nay vậy. Bọn trẻ con chúng tôi ngoài giờ đi học hay ra bờ biển mò tôm bắt cá. Riêng cái trò đi câu tôm thì in đậm mãi trong trí nhớ cho đến tận bây giờ.
Cần câu tôm được làm bằng sống lá dừa non; lưỡi câu là sợi dây mi của đàn ghita, được uốn thành hình chữ V, chiều rộng lưỡi câu phải nhỏ hơn mắt tôm. Giữa lưỡi câu và đầu cần được nối bằng một sợi dây cước nhỏ dài chừng hai đốt ngón tay.
Khi mặt trời lên cao khoảng con sào là thích hợp nhất cho việc đi câu. Ở các nơi gầm cầu hoặc miệng cống có nước chảy nhẹ như: Cầu Kênh Liêm, cầu Cao Xanh, Năm Cống... là nơi tôm hay ra bám vào bờ kè, đá tảng để kiếm ăn. Câu tôm không cần mồi, chỉ cần sự khéo léo và tính kiên trì, khi bước đi dưới nước phải chụm năm đầu ngón chân thật khẽ để không gây ra tiếng động. Một tay cầm cần câu, một tay che ngang tầm mắt để tránh nắng rọi và nhìn rõ hơn những con tôm đang bám vào bờ đá ở dưới nước. Khi phát hiện thấy tôm, bạn hãy nhẹ nhàng lùa chiếc lưỡi câu hình chữ V vào cuống mắt con tôm và từ từ nhấc lên như một chiếc thòng lọng. Mắt tôm đã mắc vào đáy lưỡi câu, tôm sẽ búng nhảy cuống cuồng nhưng đầu cần câu mềm như sợi bún cũng uốn theo.
Vào lúc con nước lên, đứa nào câu giỏi cũng được chục con. Mặt trời lên cao, lũ trẻ thôi câu, tôm từ trong túi quần túi áo được tập trung lại ở một gốc cây nào đó. Những con tôm chắc nịch, tươi xanh, to hơn cả ngón tay búng nhảy tanh tách. Mùi tôm tươi nướng củi thơm lừng cả một góc biển quê hương.
Những ai đã từng được thưởng thức vị tôm nướng béo ngậy và hương thơm điếc mũi của nó thì chắc chắn sẽ còn nhớ mãi...
Ôi! Hòn Gai của tôi, thời thơ ấu của tôi...
Hoàng Nhi (Ghi)
Liên kết website
Ý kiến ()