Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:28 (GMT +7)
Có một Hoành Bồ như thế ở trong tôi...
Thứ 5, 19/01/2023 | 11:01:54 [GMT +7] A A
Những năm trước, nhắc đến Hoành Bồ - nay thuộc thành phố Hạ Long, người ta thường hình dung về một vùng đất “thâm sơn cùng cốc”, nơi mà mở cửa mỗi sớm nghe cả tiếng tắc kè kêu, mỗi chiều ríu ran tiếng chim “bắt cô trói cột”, “bắt tép kho cà”... Và rồi, hôm nay, người ta biết đến Hoành Bồ với một vùng đất thiên nhiên trù phú, phố xá thênh thang, giàu tiềm năng cùng những giá trị văn hóa, lịch sử đáng tự hào. Con người Hoành Bồ dễ mến, chân tình với những nét hào sảng, đáng yêu riêng có.
Một vùng đất văn hóa, lịch sử
Những câu chuyện lưu truyền trong dân gian mang màu sắc huyền bí về ông Khổng Lồ gánh đá vá trời, quần thể danh thắng núi Mằn với tích về ông Dài, ông Cộc, ông Loang, dấu tích thành nhà Mạc, bến cổ Thương cảng Vân Đồn, đền thờ vua Lê Thái Tổ với sự tích người đàn bà chết hóa cáo để báo đáp nghĩa ơn... Lịch sử ghi dấu khu căn cứ cách mạng xã Sơn Dương, khu căn cứ kháng chiến chống Pháp xã Bằng Cả, khu căn cứ kháng chiến chống Pháp Khe Gai - xã Thống Nhất với niềm tự hào về sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của lớp lớp người đi trước. Câu chuyện về Vũ Phi Hổ - vị tiến sĩ đầu tiên ở vùng Đông Bắc Việt Nam với công trình tín ngưỡng là đền thờ đã giáo dục truyền thống văn hóa, yêu nước và lòng biết ơn, cổ vũ tinh thần hiếu học vượt khó vươn lên cho thế hệ trẻ.
Trước đây, với đặc thù là một huyện miền núi, Hoành Bồ có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống đã tạo nên những “hòa trộn” văn hóa đặc sắc. Người Kinh đến từ nhiều vùng khác nhau với những nét văn hóa riêng, cùng hòa chung tiếng nói, cách nhìn và tục lệ. Tục cúng cơm mới, tục làm bánh của người Tày trong các dịp lễ, tết: Ngày 15/7 âm lịch là Tết Bánh vắt vai, ngày 10/10 âm lịch là Tết Bánh giầy ngũ sắc (màu sắc lấy từ các loại hoa, lá, quả) và cơm lam. Kiêng kị nhất trong ngày mồng một Tết Nguyên đán là chỉ có nam giới được đến nhà người khác chúc năm mới, nếu đi hai vợ chồng thì người vợ phải vào sau khi sắc khí của người đàn ông đã sưởi ấm nhà. Dân tộc Sán Dìu với lễ rửa cày bừa sau khi lên đồng và nghi lễ cưới hỏi độc đáo: Ngày em gái đi lấy chồng thì anh trai là người cõng ra khỏi cửa và khi đó họ thường khóc rất to. Người Sán Dìu tổ chức ăn tết theo các niên của thời tiết, họ làm các loại bánh ngải, bánh bạc đầu, bánh lồng gà, bánh phổi bò...
Đặc biệt, lễ cấp sắc (lễ bàn cổ) của người Dao với những bài cúng, bài khấn về khát vọng của con người, mong muốn cuộc sống sung túc, cách đối nhân xử thế, đạo lý, sự hiếu thảo, thủy chung... đã trở thành truyền thống, phong tục. Với người Dao Thanh Phán, lễ cấp sắc không chỉ công nhận sự trưởng thành của người đàn ông mà còn là sợi dây gắn kết gia đình với quan niệm làm cấp sắc để sau này khi hai vợ chồng chết đi vẫn được gặp nhau, vẫn được là vợ chồng. Với dân tộc Dao Thanh Y, lễ cấp sắc được thực hiện cho các bé trai từ khi còn nhỏ (độ 7-8 tuổi là tuổi đẹp nhất) với ý nghĩa đầu tiên rất quan trọng, đó là đặt tên cúng cơm để sau này thành người lớn có tên gọi, khi chết được cúng ma cúng chay. Người Dao Thanh Phán kiêng kị trong ngày gió đực, gió cái, ngày chim nhỏ xuống đồng ăn thóc để tránh việc làm ăn không may mắn, sợ mùa màng bị phá hoại. Người Dao Thanh Y kiêng ngày 14/7 âm lịch không ăn một số loại quả do quan niệm đó là ngày “thả ma” đói khát ra ngoài. Trong nhịp sống hối hả của thời đại 4.0, những nghi lễ đã được tối giản, tuy nhiên, việc gìn giữ và lưu truyền các phong tục tập quán đa dạng đã tạo nên những giá trị đẹp đẽ trong đời sống tinh thần của nhân dân.
Những “đặc sản” vùng miền
“Ai về Lê Lợi làm chi/ Đồng chua nước mặn, gạo thì ăn đong”.
Dân gian đã cùng truyền nhau câu hát như một lời than thân, một lời trách yêu. Ấy thế mà, Lê Lợi với món ăn “cứu đói” một thời là quả mắm - lấy từ loài cây mọc ven biển, chế biến cùng thịt lợn, ngao (hoặc vạng), khoai sọ thái nhỏ, rắc ít lạc rang sẵn lại rất dễ ăn, lạ miệng thực khách. Món rau dớn ở các xã miền núi đều có (loài cây “họ hàng” dương xỉ trước đây từng quen thuộc với bao người “băm bèo thái khoai”) đi kèm ngao (vạng) hoặc tôm, thậm chí xào tỏi không cũng rất đỗi thơm ngon. Món ốc khe nấu chua với lá bứa dây, bứa cây hoặc lá thùn mũn, món cá khe rán giòn cuốn lá lốt chấm tương bần mang theo hương vị trong trẻo, thơm mát của khe suối, núi rừng. Món canh gà nấu gừng nêm bỗng rượu vừa ăn vừa xuýt xoa vì nóng, vì cay thêm phần ấm áp trong những ngày đông rét mướt. Món canh rau ngót rừng nấu cùng trứng rán thơm bùi, ngậy và mát. Rượu bâu với vị ngọt dịu dễ uống, dễ say lòng người. Hoành Bồ với rừng, với biển, với sông suối, núi non còn là những món ăn mang hương vị đặc trưng, khác biệt như ruốc “chân dài”, trâu rừng, cá nhệch rau sam...
Những vị thuốc của bà con nơi đây được gom từ rừng núi, từ những kinh nghiệm dân gian, những bài thuốc gia truyền chế biến thủ công, đơn thuần được nhiều người tin dùng rất hiệu quả. Đó là những bài thuốc chữa thủy đậu, chữa chân - tay - miệng cho trẻ nhỏ; thuốc ngâm chân, thuốc tắm cho phụ nữ sau sinh. Hoành Bồ được thừa hưởng sự giao hòa của thiên nhiên, trời đất và con người. Đó còn là một Hoành Bồ là những ăm ắp hoa trái theo mùa. Mùa nào thức ấy, chợ phiên bày bán đủ cả: Hoa Đồng Chè, hoa Lê Lợi, mía Sơn Dương, ổi Dân Chủ, cam Trới, chanh đào, bưởi da xanh, ngô, khoai, sắn, mật ong, ba kích, sim, nấm lim...
Con người hào sảng, nghĩa tình
“Nếu anh về Kỳ Thượng một chiều xuân/ Trên đỉnh Đèo Dài lặng ngắm cầu Bãi Cháy/ Nắng gió xốn xang, tận đáy lòng anh sẽ thấy/ Một Hoành Bồ yêu tha thiết trong tim!”. Thật nhẹ nhàng, da diết biết bao cho lời mời gọi. Chẳng có tình yêu nào giản đơn hơn thế, nhưng cũng thiết tha không đâu thể sánh bằng. Cảm xúc lắng sâu từ những điều bình dị, đời thường. Hơi thở nồng nàn của đất, hương thơm của hoa trái được mùa, ấm áp tình làng nghĩa xóm, nơi có ngọn núi Mằn linh thiêng với nhiều huyền tích, khu căn cứ cách mạng với niềm tự hào lịch sử, trải ra rộng dài hơn là một dòng sông theo nhịp mênh mang, cây cầu Trới nối đôi bờ phố - chợ... Tất cả đã in sâu trong tiềm thức mỗi con người yêu Hoành Bồ. Và hơn thế nữa, nơi đây có những con người hào sảng, nghĩa tình.
Nếu ai đã từng đến vùng cao của Hoành Bồ ngày trước, sẽ không xa lạ gì với những câu chuyện “dở khóc dở cười”. Công an giao thông vẫy xe của bà con lại kiểm tra và hỏi: “Bác có bằng chưa ạ?” - “Tôi đi đường toàn dốc thôi, giờ mới thấy bằng bằng thì cái công an lại chặn đường...”. Cán bộ đi cơ sở, vào thăm nhà dân, hỏi: “Bác tên gì ạ?” - “Tôi tên gì?”, “Tôi muốn hỏi bác tên gì ạ?” - “Tôi tên gì”... Đôi bên lời qua tiếng lại, chủ nhà lấy sổ hộ khẩu ra: Họ và tên: Linh Quý Dì. Giáo viên đi vận động bà con tham gia học lớp xóa mù chữ, bác trai nghiêm mặt: “Chúng tôi không mù chữ”. Giáo viên ra sức tuyên truyền, bác trai thủng thẳng: “Chúng tôi không mù chữ, chúng tôi vẫn nhìn thấy chữ”... Cũng rất đỗi gian nan để giảm bớt khoảng cách vùng miền, thế nhưng khi đã yêu, đã tin, họ yêu tin bằng cả tấm lòng. Họ sẵn sàng làm việc vì người khác, chung vai để sẻ chia khi người khác gặp khó khăn, hoạn nạn. Họ không ngại khó, không ngại khổ, không sợ những chê cười, chỉ cần mình sống đúng, sống tốt. Họ cũng đã rất cố gắng để thay đổi nhận thức, suy nghĩ và để phát triển kinh tế, thay đổi chất lượng cuộc sống của riêng mình, hướng đến sự tiến bộ của toàn xã hội. Những câu chuyện vui vẫn được lưu truyền, có lẽ, sự thật thà đến mức ngô nghê ấy dường như mang theo âm hưởng của rừng núi, của đất trời, của những mộc mạc, giản đơn như cây cỏ.
Hoành Bồ - Hạ Long giờ là một nhưng nét văn hoá đặc trưng “người Hoành Bồ”, “người Trới” thì vẫn giữ được chất riêng hào sảng, mến khách. Họ có thể mang cả gan ruột ra để sống với những người họ yêu quý. Họ có thể thết đãi khách bằng tất cả những gì họ có. Mỗi lần tiếp xúc, sẻ chia là một lần thêm thấu hiểu, gắn bó. Họ cũng rất trọng chữ tín, trọng danh dự và niềm tin. Không khoa trương, không khéo léo, nhưng sự chân tình và gần gũi đã khiến người khác mong trở lại sau những lần gặp gỡ. Người Hoành Bồ dễ thích nghi trong mọi hoàn cảnh, lạc quan, biết vượt khó vươn lên, biết nỗ lực và tự trọng. Người Hoành Bồ nghĩa tình và biết ơn, với tình yêu chảy trong huyết mạch, luôn khắc ghi về một miền đất cũ.
Góp sức dựng xây Hạ Long giàu đẹp
Hoành Bồ về với Hạ Long, từ thị trấn đến vùng cao (nay là phường Hoành Bồ và các xã), từ người Kinh đến đồng bào các dân tộc thiểu số, từ những mảnh đất màu mỡ đến nơi đồi núi khô cằn... tất cả đều trong một diện mạo mới, với khát vọng ổn định và từng bước phát triển bền vững. Cầu Tình Yêu nối đôi bờ Cửa Lục, mong chờ mở ra những cơ hội, những đổi thay. Một Kỳ Thượng Am Váp Farm lựa chọn hướng khai thác giá trị văn hóa bản địa gắn liền với thiên nhiên để phát triển du lịch cộng đồng bước đầu thu hút nhiều du khách khám phá, trải nghiệm. Một huyện Hoành Bồ trong kí ức và một thành phố Hạ Long rộng lớn, phát triển trong hiện tại và tương lai. Trở thành đô thị loại I lớn nhất cả nước - đây không chỉ là vinh dự, là niềm tự hào, mà còn là trách nhiệm, để mỗi người dân Hoành Bồ (cũ) tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống của vùng quê cách mạng, tiếp tục cống hiến, cùng dựng xây, cùng viết tiếp trang sử đầy tự hào của quê hương trong thời kỳ đổi mới. Khi núi Mằn và núi Bài Thơ cùng chung gánh, khi dòng Cửa Lục vẫn ru một dòng chảy, mỗi người sẽ nguyện lòng góp sức dựng xây một Hạ Long giàu đẹp, văn minh và hạnh phúc.
Tuỳ bút của Nguyễn Thị Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()