Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:45 (GMT +7)
Có một dòng chảy âm nhạc viết về Vàng Danh
Chủ nhật, 17/07/2022 | 14:42:03 [GMT +7] A A
Không chỉ chú trọng sản xuất, Công ty CP Than Vàng Danh còn đẩy mạnh các phong trào văn hoá, văn nghệ làm giàu đời sống tinh thần của thợ mỏ. Trong hơn nửa thế kỷ qua, phong trào văn nghệ quần chúng ở Công ty luôn phát triển, trở thành mạch nguồn nối dài đến tận hôm nay. Riêng lĩnh vực âm nhạc, có một dòng chảy các ca khúc viết về Vàng Danh, trong số đó có không ít các ca khúc hay của các nhạc sĩ gạo cội Việt Nam.
Than Vàng Danh là một trong những đơn vị của ngành than có khá nhiều bài hát hay viết về mình như: "Tiếng hát gửi Vàng Danh" của nhạc sĩ Trọng Bằng, "Khi chúng tôi vào lò" của nhạc sĩ Trần Chung, "Trái tim đỏ trên đất mỏ Vàng Danh" của nhạc sĩ Chu Minh, "Gửi anh người thợ Vàng Danh" của nhạc sĩ Đỗ Hòa An... Gần đây nhất, là các ca khúc hay viết về Vàng Danh như "Anh về đất mỏ" và "Tâm sự cùng than" do ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty sáng tác.
"Trái tim đỏ trên đất mỏ Vàng Danh" là bài hát truyền thống đầy ý nghĩa của Than Vàng Danh. “Trái tim đỏ” ấy chính là nhiệt huyết, khí thế căng tràn của thợ mỏ Vàng Danh. Đó cũng là trăn trở, tâm huyết của những người lãnh đạo vì một Than Vàng Danh không ngừng phát triển. Hay như một bài khác không chỉ riêng người Vàng Danh hát mà tất cả thợ lò đều hát là "Khi chúng tôi vào lò" của nhạc sĩ Trần Chung. Bài hát được viết với âm hưởng của hành khúc.
Cố nhạc sĩ Văn Dung từng kể: Năm 1966, chúng tôi đến Xuân Mai, rồi sau đó là chuyến đi thực tế ở dãy núi Yên Tử, Vàng Danh (Quảng Ninh). Lúc đó chúng tôi còn rất trẻ. Gặp những chiến sĩ đang hành quân, vai đeo những chiếc ba lô đựng gạch rất nặng, Trần Chung hỏi: “Các cậu hành quân sao đeo nhiều gạch trên người thế này?” - “Chúng em đang rèn luyện, coi như đang hành quân trên Trường Sơn...”. Có lẽ sau đó, những chuyến đi như thế, không phải chúng tôi đi Trường Sơn, nhưng ở nhạc sĩ Trần Chung, dần dần lắng lại trong tiềm thức của ông rằng, ông đã từng gặp những chiến sĩ Trường Sơn ở đâu đó. Đến Vàng Danh, ông viết bài Khi chúng tôi vào lò - một trong những bài hát bất hủ về những người thợ lò: Khi chúng tôi vào lò/ Trăng ngàn sương mờ dần..
Các ca khúc này tràn đầy nhiệt huyết, khí thế căng tràn của thợ mỏ Vàng Danh. Vào dịp các ngày lễ lớn hàng năm, trong những buổi sinh hoạt, hội họp, mít tinh của Công đoàn, công nhân lao động trong doanh nghiệp thường hát vang các bài ca truyền thống này. Chính bởi vậy, dù chỉ là thợ mỏ hát cho thợ mỏ nghe, thợ mỏ múa cho thợ mỏ xem, nhưng các hội thi văn nghệ ở cấp phân xưởng cũng luôn có sức lan tỏa lớn.
Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Nhật, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, đánh giá: Từ giữa thế kỷ trước, đã có những đợt thực tế sáng tác của các nhạc sĩ gạo cội trong nước về Vàng Danh. Những sáng tác của họ cùng với các sáng tác của các nhạc sĩ Quảng Ninh nói riêng, các sáng tác văn học nghệ thuật nói chung đã tạo ra một dòng chảy âm nhạc làm phong phú đời sống tinh thần không chỉ của công nhân mỏ Vàng Danh mà còn của cả người Vùng than.
Nhờ có rất nhiều ca khúc viết về Vàng Danh mà đời sống văn hóa tinh thần của thợ mỏ ngày càng được nâng cao, nhiều hạt nhân văn nghệ quần chúng trong phong trào ca hát được bồi dưỡng và phát hiện. Nhắc đến Than Vàng Danh, phải kể đến các hạt nhân văn nghệ như: Nghệ sĩ Vùng mỏ Huỳnh Thủy Chung, Nghệ sĩ Vùng mỏ Hoàng Đức Diễn, Nghệ sĩ Vùng mỏ - nhạc sĩ Trần Xuân Quang, Nghệ sĩ Vùng mỏ Phạm Ngọc Anh v.v.. Và các cây văn nghệ như: Mạnh Thường, Quốc Tuấn, Hồng Hạnh, Phương Thảo, Ánh Tuyết, Phạm Hà, Ngọc Lan, Thế Đức, Trịnh Thủy v.v..
Nhạc sĩ Đỗ Hòa An, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đánh giá: Từ trước đến nay, Than Vàng Danh vẫn là đơn vị có phong trào nghệ thuật quần chúng thuộc các đội mạnh của ngành Than. Có được điều đó là do lãnh đạo Công ty từ trước đến giờ đều rất quan tâm đến phong trào. Tuy nhiên, tôi vẫn mong muốn rằng, anh em công nhân Vàng Danh có thêm những bài hát mới viết về chính mình. Đã hơn 40 năm rồi, chưa có một trại sáng tác mới nào quy tụ anh em nhạc sĩ viết riêng cho Vàng Danh giống như những đợt sáng tác ở giữa thế kỷ trước. Nếu bây giờ có một trại sáng tác ca khúc được mở thì tôi tin rằng sẽ có thêm những bài hát hay viết về mảnh đất này.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()