Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:34 (GMT +7)
Cơ hội vàng phát triển thương mại điện tử
Thứ 5, 10/02/2022 | 15:03:51 [GMT +7] A A
Cũng như các địa phương trong cả nước, để thích ứng với đại dịch Covid-19, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trên đà phát triển đó, tỉnh định hướng phát triển TMĐT năm 2022 là thích ứng an toàn trong tình hình mới và đến năm 2025 đạt 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu, bán sản phẩm của doanh nghiệp.
TMĐT đang ngày càng được người dân, doanh nghiệp của Quảng Ninh quan tâm nhiều hơn, bởi những tiện ích mới, ưu thế hơn hẳn so với các kênh bán hàng truyền thống trước đây. Hiện nay, TMĐT đang trở thành kênh phân phối triển vọng đối với doanh nghiệp và nông dân, đặc biệt trong thời điểm đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều chương trình hỗ trợ nhằm giúp doanh nghiệp khai thác tốt hơn ở kênh phân phối này.
Tính riêng trên sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh (http://thuonghieuquangninh.gov.vn/; http://teqni.gov.vn/) hiện có gần 350 sản phẩm của gần 100 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được niêm yết và giao dịch trực tuyến. Trong đó có nhiều sản phẩm OCOP từ 3-5 sao do tỉnh kiểm duyệt, được quảng bá với đầy đủ các thông tin chi tiết về mẫu mã, giá niêm yết, xuất xứ, liên hệ nhà sản xuất... Thống kê giao dịch qua sàn trong năm qua đã có gần 3.000 đơn đặt hàng, tăng trên 30% so với năm 2020.
Bà Cao Hồng Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Newstar, cho biết: Từ khi tham gia sàn TMĐT và được hỗ trợ thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, sản phẩm của công ty đã được thị trường đón nhận tích cực, người mua cũng tin tưởng hơn, đối tác cũng được mở rộng, số lượng hàng hóa sản xuất, tiêu thụ cũng tăng đáng kể.
Có thể thấy, xu hướng mua sắm trực tuyến không còn là một phương thức tạm thời đối phó với dịch Covid-19 mà là xu hướng mới với nhiều ưu điểm cải tiến vượt trội, mang đến trải nghiệm mua sắm hiện đại và thông minh hơn cho người tiêu dùng. Đồng thời, phương thức này cũng thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và dịch vụ logistics. Chính vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đang tích cực triển khai kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, dự kiến mỗi năm tỉnh Quảng Ninh sẽ hỗ trợ 10 đơn vị là các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất được hỗ trợ xây dựng phần mềm quản lý bán hàng, quản lý doanh nghiệp, marketing, logistics, tích hợp giải pháp thẻ thanh toán TMĐT trên trang website… Đồng thời, mô hình chuỗi cung ứng thông minh, vận dụng dữ liệu lớn để dự báo thị trường cho một số mặt hàng nông sản chủ lực cũng sẽ được xây dựng. Tỉnh cũng sẽ chú trọng phát triển và hoàn thiện hạ tầng TMĐT trong hệ thống hỗ trợ giao dịch trực tuyến, tích hợp thanh toán, hoá đơn điện tử và các giải pháp xác thực thông tin giao dịch, triển khai trung tâm giải quyết tranh chấp kết hợp với thanh toán đảm bảo, hệ thống quản lý trực tuyến dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng. Ngoài ra, các sản phẩm, giải pháp TMĐT cũng sẽ được chú trọng để giúp các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể triển khai, nhất là hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các sàn giao dịch TMĐT uy tín trong và ngoài nước. Đồng thời, tỉnh sẽ tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp TMĐT (online) với doanh nghiệp phân phối truyền thống (offline), nhà sản xuất thông qua các chương trình như: Phân phối thực phẩm an toàn, khuyến mại trực tuyến… nhằm tăng cường hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp và củng cố, nâng cao niềm tin của người tiêu dùng vào giao dịch TMĐT.
Bên cạnh đó, sẽ có nhiều sự kiện về xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm qua môi trường internet được tỉnh tổ chức như: Tuần bán hàng trực tuyến, Phiên chợ trực tuyến… nhằm đẩy mạnh hoạt động TMĐT trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tới đây, tỉnh cũng sẽ phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương trong việc kết nối Sàn giao dịch TMĐT của tỉnh Quảng Ninh với các Sàn TMĐT của các tỉnh, thành trong cả nước, đồng thời kết nối các chương trình hợp tác quốc tế về lĩnh vực TMĐT và Sàn giao dịch TMĐT… Ngoài ra, sàn giao dịch TMĐT tỉnh Quảng Ninh (teqni.gov.vn) sẽ được nâng cấp và bổ sung nhiều tính năng mới, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp thông tin, tạo cơ hội giao thương, thực hiện các giao dịch mua bán, thanh toán qua mạng Internet. Phấn đấu giai đoạn 2021-2025, sẽ có 350-400 doanh nghiệp tham gia Sàn giao dịch TMĐT của tỉnh.
Đi đôi với việc phát triển, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung nâng cao năng lực quản lý nhà nước và tổ chức hoạt động TMĐT, đối tượng tham gia và chất lượng hàng hóa. Tăng cường phối hợp để phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hình thức kinh doanh trực tuyến để thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật như trốn thuế, lừa đảo, bán hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc… để lành mạnh hóa môi trường kinh doanh trực tuyến và bảo vệ chất lượng sản phẩm tỉnh Quảng Ninh, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Với sự quan tâm thích đáng cùng các giải pháp phù hợp, hiệu quả, chắc chắn thời gian tới, TMĐT tại tỉnh Quảng Ninh sẽ sớm trở thành hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của tỉnh, đưa Quảng Ninh sớm trở thành tỉnh có thị trường TMĐT phát triển trong tốp đầu, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()