Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:31 (GMT +7)
Cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu gạo Việt Nam
Thứ 6, 04/08/2023 | 10:28:16 [GMT +7] A A
Trước tình hình xuất khẩu gạo trong thời gian gần đây trên thế giới biến đổi liên tục như việc Nga chính thức rút khỏi Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen; Ấn Độ và UAE tạm dừng xuất khẩu gạo..., Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung đã có những chia sẻ với phóng viên TTXVN về cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam cũng như sự chủ động của ngành trong sản xuất để bảo đảm sản lượng ở mức cao nhất có thể.
Nhiều ý kiến cho rằng việc một số nước liên tiếp hạn chế xuất khẩu gạo là cơ hội rất lớn cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cả về lượng và giá, bên cạnh đó cũng còn những ý kiến băn khoăn về đảm bảo an ninh lương thực. Thứ trưởng nhìn nhận như thế nào xung quanh vấn đề này?
Liên quan đến việc điều chỉnh chính sách xuất khẩu gạo của một số nước, Bộ cũng đã có đánh giá tại sao các nước có sự điều chỉnh như vậy. Nguyên nhân chủ yếu mang tính chất nội tại của nước đó là bảo đảm giá cả trong nước, hoặc bị giảm sản lượng bị tác động bởi El Nino… Chính vì vậy, việc điều chỉnh chính sách của các nước là bình thường. Nhưng việc điều chỉnh này đã tác động đến thị trường gạo trên thế giới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xem xét và đánh giá lại tình hình sản xuất lúa gạo trong nước. Đến nay, tổng diện tích sản xuất lúa gạo hàng năm là 7,1 triệu ha. Với sản lượng sẽ đạt từ 43 - 43,5 triệu tấn. Kế hoạch đặt ra này hoàn toàn có thể đạt được.
Khi cân đối tổng thể với tiêu dùng trong nước, Việt Nam còn khoảng 14 - 15 triệu tấn lúa, tương đương 7 - 7,5 triệu tấn gạo cho xuất khẩu.
Trước tình sản xuất và cân đối như vậy thì chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Với tình hình mới hiện nay, các doanh nghiệp Việt có nhiều lợi thế về giá đang lên, lại có sự chủ động, lợi thế trong ký kết hợp đồng để có giá lợi hơn. Khi doanh nghiệp có giá lợi hơn thì lợi nhuận người dân sẽ cao hơn. Nhưng quan trọng là nếu Việt Nam “chớp” được thời cơ này thì còn có thể mở rộng được thị phần xuất khẩu gạo trên thị trường truyền thống và mở thêm thị trường mới. Từ đây, những năm sau, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ có kim ngạch tốt hơn.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có giải pháp chỉ đạo sản xuất như thế nào để tranh thủ thời cơ này, thưa Thứ trưởng?
Đầu tiên là phải tuân thủ theo đúng Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 03/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo. Theo đó, Thủ tướng đã có những chỉ đạo rất rõ cho các bộ, ngành, hiệp hội và đặc biệt là tổ chức sản xuất của các tỉnh thành.
Khi tổ chức sản xuất tốt và có sản lượng nhất định thì đây là điều kiện tiên quyết để chúng ta có lợi thế và doanh nghiệp có thể đàm phán, ký kết hợp đồng tốt hơn, có lợi nhuận cao hơn.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tham mưu Thủ tưởng Chính phủ và có Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung bám sát tình hình thực tế, đặc biệt là thời tiết, để trên cơ sở đó có sự điều chỉnh cơ cấu giống, thời vụ phù hợp nhất.
Bộ cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra giám sát, bảo đảm lúa sản xuất không bị dịch bệnh và không để giảm sản lượng do dịch bệnh. Ngành chỉ đạo Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thủy lợi… thành lập các đoàn công tác địa phương để nắm chắc tình hình hạn mặn, điều kiện sản xuất để xem xét việc tăng diên tích sản xuất vụ Thu Đông.
Nếu có thể tăng thêm 50.000 ha lúa Thu Đông thì chúng ta có thể thu thêm 100 triệu USD vụ này. Điều này vừa góp phần tăng cung ứng nguồn lương thực cho khu vực và thế giới, đồng thời mang lại thu nhập cho nông dân.
Vụ Đông Xuân 2023 - 2024, Bộ cũng đã quan tâm chỉ đạo rõ về kỹ thuật là bám sát tình hình hạn mặn; khung thời vụ xuống giống cố gắng tập trung gieo trồng vào tháng 10 và vụ Thu Đông thu hoạch càng sớm càng tốt. Kết thúc xuống giống vụ Đông Xuân vào tháng 12/2023. Việc gieo trồng tập trung trong khung thời vụ như vậy sẽ bảo đảm né hạn mặn, né rầy…
Bộ cũng đã yêu cầu các đơn vị như Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tiếp tục xử lý các rào cản kỹ thuật để không chỉ xử lý vướng mắc trong xuất khẩu gạo mà còn mở rộng thêm các thị trường mới để đa dạng hóa thị trường.
Điều này sẽ bảo đảm sự bền vững và cung cấp sản lượng gạo cho khu vực và thế giới ngày càng nhiều và bền vững hơn.
Dự báo Việt Nam sẽ chịu tác động của El Nino. Nhưng chúng ta cũng đã từng phải ứng phó với loại hình thiên tai này. Thứ trưởng chia sẻ về kinh nghiệm ứng phó của ngành để có thể bảo đảm sản lượng lúa tốt nhất?
Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã từng ứng phó với nhiều hình thái thời tiết khác nhau, đặc biệt El Nino sẽ làm hạn mặn, thiếu nước trong sản xuất. Chính vì luôn luôn phải chủ động ứng trực những loại hình thiên tai đó nên Bộ đã có nhiều giải pháp chủ động ứng phó.
Đầu tiên là chỉ đạo, ngành luôn theo dõ chặt chặt các dự báo bên khí tượng thủy văn để nắm bắt được dự báo chính xác. Ngành tổ chức kiểm tra thực tế xem vùng nào có khả năng xâm nhập mặn, hạn có thể đến sớm hơn và tiên lượng được trong thời gian tới sẽ có những biến động như thế nào. Trên cơ sở đó ngành điều chỉnh khung thời vụ sản xuất như sớm hơn hoặc né.
Bộ cũng cử các đoàn giám sát tại địa phương. Bởi nếu địa phương chủ quan trong theo dõi, giám sát và có chỉ đạo không đúng thì sẽ làm thiệt hại diện tích lớn.
Bên cạnh đó, ngành cũng tăng khuyến cáo địa phương sử dụng các giống ngắn ngày. Với cơ cấu giống ngắn ngày đã đem lại hiệu quả rất tốt trong né hạn mặn, thu hoạch sớm.
Quan trọng nhất là sự bám sát thực tế, chỉ đạo sát của Bộ và sự chủ động của địa phương sẽ đảm bảo sản xuất hiệu quả, đảm bảo được sự sinh trưởng, phát triển cây lúa cũng như sản lượng các vụ.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()