Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:39 (GMT +7)
TP Hạ Long: Thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển: Cơ hội để bứt phá
Thứ 3, 25/10/2022 | 08:27:50 [GMT +7] A A
Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 23/4/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết 15), cơ cấu kinh tế trên địa bàn TP Hạ Long tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Đến nay, hoạt động kinh tế biển, cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn thành phố đang dần phát triển thành một loại hình kinh tế đem lại giá trị gia tăng, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.
TP Hạ Long đặt mục tiêu đến năm 2025, trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ biển sẽ đón 17 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 7,5 triệu lượt khách quốc tế, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 35.000 tỷ đồng. Đối với kinh tế hàng hải, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển đạt khoảng 40-45 triệu tấn/năm; kim ngạch XNK hàng hoá qua cảng biển đạt 6 tỷ USD/năm…
Để đạt được những mục tiêu này, thành phố đã chủ động nghiên cứu, đánh giá, rà soát lại những chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết 15 để từ đó đưa ra những giải pháp, lĩnh vực mang tính đột phá.
Hoàn thiện hạ tầng cảng biển
Việc hoàn thiện hạ tầng cảng biển được xem là một trong những yêu cầu cấp thiết để mở ra cơ hội mới trong phát triển kinh tế cảng biển. Bắt tay vào thực hiện Nghị quyết 15, TP Hạ Long đã rà soát lại các dự án, quy hoạch bên bờ vịnh Cửa Lục, với mục tiêu định hướng lại các khu vực cần đầu tư, làm cơ sở hình thành các bến du thuyền tiêu chuẩn. Cụ thể là không phát triển mở rộng bến cảng xăng dầu B12, phối hợp xây dựng kế hoạch di dời phù hợp với quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt, bảo đảm yêu cầu về PCCN và các quy định khác liên quan đến Khu bảo tồn Vịnh Hạ Long.
Đối với bến cảng của các nhà máy xi măng, nhiệt điện, thành phố giữ nguyên quy mô hiện trạng, nghiên cứu di dời hoặc chuyển đổi công năng cùng với lộ trình di dời các nhà máy xi măng, nhiệt điện tại khu vực. Riêng các bến cảng tại khu bến Cái Lân (Cảng Quảng Ninh, Cảng container quốc tế Cái Lân) thực hiện cải tạo, nâng cấp, xây mới đồng bộ hạ tầng trong nội bộ cảng Cái Lân, duy trì năng lực khai thác hiện có. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh trong việc hỗ trợ nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu đầu tư xây dựng bến số 8, số 9 tại khu vực này.
Cùng với việc hoàn thiện hạ tầng cảng biển, hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa và đặc biệt là các dự án kết nối hạ tầng giao thông cũng dần được đầu tư đồng bộ. Đến nay, các dự án kết nối hạ tầng giao thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa tới khu bến Cái Lân, cũng như vận chuyển hàng hóa, kết nối giao thông, rút ngắn khoảng cách di chuyển giữa các bến cảng và các khu vực khác trên địa bàn thành phố.
Một số công trình trọng điểm như: Cải tạo, chỉnh trang, mở rộng đường kết nối từ cầu Cửa Lục 1 đến ngã ba Kênh Đồng (phường Giếng Đáy); tuyến đường Đồng Cao - Đò Bang (xã Thống Nhất); đường đấu nối QL279 đến tỉnh lộ 342... Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình, nhất là những công trình kết nối giữa các khu vực của thành phố đã tạo hạ tầng liên thông đồng bộ, hiện đại, tạo nền tảng cho phát triển các dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ logistics, tạo sự kết nối đồng bộ giữa hệ thống cảng với các tuyến quốc lộ, các trục đường chính đến các trung tâm, các nguồn hàng trong khu vực.
Với hạ tầng ngày một hoàn thiện, tổng hàng hoá và kim ngạch XNK qua địa bàn thành phố đều có sự tăng trưởng qua từng năm, thậm chí cả trong những thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Cụ thể, tổng hàng hóa trung bình mỗi năm đạt 30-35 triệu tấn và trên 50.000 container; tổng kim ngạch hàng hoá XNK qua cảng năm 2020 đạt gần 4,8 tỷ USD (bằng 108% so với năm 2019); năm 2021 đạt trên 7,1 tỷ USD (bằng 148% so với năm 2020).
Xây dựng chiến lược phát triển lâu dài
Từ những mục tiêu đặt ra đến năm 2025 khi triển khai Nghị quyết 15, giai đoạn 2022-2025, TP Hạ Long đã chủ động nghiên cứu, đánh giá, rà soát lại những chỉ tiêu để từ đó đưa ra giải pháp, lĩnh vực mang tính đột phá.
Bởi thực tế thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Nghị quyết 15 trên địa bàn thành phố vẫn còn một số hạn chế, như: Dịch vụ cho thuê kho bãi, xếp dỡ hàng hóa mới có khoảng 5ha nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu về dịch vụ lưu kho bãi và cho thuê kho bãi, xếp dỡ hàng hóa của các doanh nghiệp. Hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển cảng bến và dịch vụ cảng biển thành phố tuy đã được tổ chức triển khai bảo đảm quy định, nhưng so với yêu cầu thực tiễn, kết quả triển khai của từng ngành thành viên trong Ban chỉ đạo chưa rõ nét. Sự phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp trong hoạt động cảng biển và dịch vụ cảng biển chưa tốt. Còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực như cảng biển, dịch vụ logistics; các dịch vụ trong ngành du lịch và dịch vụ biển vẫn sơ sài...
Để khắc phục những hạn chế trên, giai đoạn 2022-2025, thành phố sẽ triển khai, hoàn thiện các dự án mang tính động lực, thúc đẩy phát triển du lịch dịch vụ như cảng khách Cột 3, Nam Cầu Trắng, cảng Hà Phong, bắc vịnh Cửa Lục... Việc kết nối các tuyến du lịch trên Vịnh Hạ Long với Vịnh Bái Tử Long và Vịnh Lan Hạ (TP Hải Phòng) cũng là quan tâm hàng đầu của thành phố để mở rộng không gian phát triển du lịch, giảm bớt áp lực lên vùng lõi Vịnh Hạ Long.
Đối với phát triển hạ tầng cảng biển, thành phố sẽ thực hiện nạo vét duy tu luồng hàng hải Hòn Gai - Cái Lân và bổ sung, nâng cấp vũng quay cho tàu 50.000 DWT; thi công các dự án trọng điểm, mang tính chất động lực thúc đẩy phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển; rà soát, sắp xếp lại hệ thống bến cảng chuyên dùng; tập trung cùng với tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp làm hàng container, logistics; rà soát các dự án ven vịnh Cửa Lục; quy hoạch, cơ cấu lại và chuyển đổi ngành nghề KCN Cái Lân phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển mới của thành phố, hướng tới trở thành KCN thông minh, công nghệ cao, công nghiệp sạch, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả đất đai, tạo giá trị gia tăng lớn.
Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ dành nguồn lực để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó thân thiện với biển; tập trung phát triển nguồn nhân lực biển; bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng chống thiên tai; bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự, đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()